Tìm kiếm "dừng tay"

Chú thích

  1. Chác
    Chuốc lấy (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Gá đầu
    Chụm đầu vào nhau, tỏ thái độ âu yếm (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  4. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  5. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  6. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  7. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  8. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  9. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  10. Hà Tây
    Tên một tỉnh cũ, từ 2008 đã sát nhập vào Hà Nội. Hà Tây có trên 200 làng nghề với những sản phẩm đặc sắc và được nhiều người ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, sơn mài - Duyên Thái, tiện gỗ - Nhị Khê, thêu - Quất Động, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, Sơn Đồng, may Trạch Xá, đàn Đào Xá, mộc Đại Nghiệp, tơ lưới Hà Thao, tò he Xuân La... Nơi đây cũng có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử như vườn quốc gia Ba Vì, ao Vua, làng cổ Đường Lâm, lăng Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng, thành cổ Sơn Tây...

    Làng cổ Đường Lâm

    Làng cổ Đường Lâm

  11. Câu ca dao nhại theo lời bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai:

    Hà Tây cửa ngõ Thủ Đô
    Áo giáp chở che ngàn năm bền vững.

  12. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  13. Ông Đùng
    Nhât vật khổng lồ đã ra tay đánh giặc trong truyền thuyết tỉnh Nghệ An. Đứng từ trên cao, ông Đùng ném đá vào quân thù và tạo ra 3 lèn (núi đá): lèn Hai Vai có hình dạng một ông tướng cụt đầu, lèn Cờ có hình cờ rách, và lèn Trống nhìn như cái trống thủng.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  14. Lụt
    (Dao, rựa) cùn. Còn có nghĩa rộng là là kém cỏi, bất tài.
  15. Cần Giờ
    Một địa danh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, nay là một huyện ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh (thường được xem là một huyện đảo vì địa thế gần như tách biệt với đất liền, bao quanh bởi sông và biển). Cần Giờ nổi tiếng với khu rừng ngập mặn (rừng Sác), một địa điểm du lịch sinh thái, và biển Cần Giờ, nguồn cung cấp hải sản phong phú.

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

    Cào nghêu tại biển Cần Giờ

  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Cửa biển Cần Giờ nằm ở Gia Định. Thực dân Pháp tiến vào đánh chiếm Gia Định qua cửa biển này.
  18. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  19. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  20. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  21. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  22. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  23. Bến Nghé
    Địa danh ban đầu là tên đoạn sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, sau đó được dùng để chỉ vùng trung tâm Sài Gòn. Hiện nay Bến Nghé là tên một phường thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

    1. Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
    2. Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm."

    Trước đây, nhắc đến vùng Đồng Nai - Bến Nghé nghĩa là nhắc đến cả vùng đất Nam Bộ.

    Bến Nghé của tiền tan bọt nước
    Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

    (Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

  24. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  25. Cả tiếng
    Lớn tiếng, nói lớn.
  26. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Vừng
    Đồ đan bằng tre giống cái sàng, nhưng lỗ nhỏ hơn để lọc cám gạo. Có nơi phát âm là dừng.
  28. Tày
    Bằng (từ cổ).
  29. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  30. Khiếp
    Nhát gan, sợ sệt (từ gốc Hán Việt).
  31. Dũng
    Dũng cảm, mạnh mẽ, gan góc (từ Hán Việt).
  32. Khuất
    Co, cong; khuất phục (từ Hán Việt).
  33. Thân
    Duỗi (từ Hán Việt).
  34. Lưu Bang
    Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

  35. Hạng Vũ
    Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
  36. Mạo
    Tướng mạo, dáng mặt, vẻ mặt (từ gốc Hán Việt).
  37. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  38. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  39. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  40. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  41. Thung dung
    Thong dong.
  42. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  43. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  44. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  45. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  46. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  47. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  48. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  49. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  50. Núi Bà Đen
    Một ngọn núi thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, là ngọn núi cao nhất miền Tây Nam Bộ (986m), cũng gọi là núi Một hoặc núi Điện Bà. Chùa và núi Bà Đen là những di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu của Tây Ninh.

    Núi Bà Đen

    Núi Bà Đen

  51. Hàng sông
    Còn gọi là hàng lườn, khoảng cách giữa các hàng lúa tính theo chiều đi giật lùi của người cấy.
  52. Hàng con
    Còn gọi là hàng tay, hàng lúa ngang theo chiều tay cấy.
  53. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  54. Đững
    Đừng có... (cách nói của Trung và Nam Bộ).
  55. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  56. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  57. Trương Định
    Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.

    Trương Định

    Trương Định

    Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.

  58. Đám Lá Tối Trời
    Khu vực sình lầy, sông rạch chằng chịt, mọc đầy dừa nước và các loài cây hoang dại, tọa lạc ven bờ Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tên gọi này được cho là có từ thời kháng Pháp.
  59. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  60. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  61. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  62. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  63. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  64. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  65. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  66. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  67. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  68. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  69. Thuổng
    Công cụ đào xới đất, tương tự cái xẻng. Từ này ở miền Trung cũng được gọi chệch thành xuổng.
  70. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  71. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng