Tìm kiếm "ăn sáng"
-
-
Yêu nhau bốc bải giần sàng
-
Tri Tôn có hội đua bò
-
Làm trai học sẩy học sàng
-
Bao giờ rặc nước sông Bùng
-
Vè chợ Lường
Chợ Lường họp lại vui thay
Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru bò
Xã đã khéo lo
Lập lều hai dãy
Hàng sồi hàng vải
Thì kéo lên đình
Hàng xén xung quanh
Hàng thịt hàng lòng ở giữa
Ngong vô trửa chợ
Chộ thị với hồng
Dòm ngang xuống sông
Chộ thuyền với lái
Ngong sang bên phải
Chộ những vịt gà
Hàng nhãn, hàng na
Hàng trầu, hàng mấu
Hàng ngô, hàng đậu
Hàng mít, hàng cà
Hàng bánh, hàng quà
Hàng chi có cả
Rồi nào hàng cá
Hàng bưởi, hàng bòng … -
Ra đường bà nọ bà kia
-
Lẻ củi săng chẻ ra văng vỏ
-
Em là con gái nạ dòng
Em là con gái nạ dòng
Cơm cha áo mẹ dốc lòng đi chơi
Chơi cho sấm động mưa rơi
Chơi cho gương vỡ làm đôi lại liền
Chơi cho nguyệt náo trung thiên
Chơi cho lá rụng về đền vua Ngô
Chơi cho nước Tấn sang Hồ
Cho Tần sang Sở, cho Ngô sang Lào
Chơi cho bể lọt vào ao
Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim
Chơi cho bong bóng thì chìm
Đá hoa thì nổi, gỗ lim lập lờ. -
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
Chỉ vì đói rách phải đi
Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
Một nghìn chín trăm ba ba
Là năm Quý Dậu con gà ác thay
Kể dời phu mỏ Hòn Gai
Công ty than của chủ Tây sang làm
Chiêu phu mộ Khách, An Nam
Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
Than ra ở các mỏ này
Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
Bán than cho các nước ngoài
Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
Làm ra máy trục, máy sàng
Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
Va-gông, than chở về ga
La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
Để cho xe hỏa dắt dồn
Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
Cửa Ông là Cẩm Phả po
Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
Ngoại giao các nước thông thương
Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
Tây Bay coi sổ la voa
Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
Một đường đi thẳng Hà Lầm
Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về … -
Anh thời chẻ nứa đan sàng
-
Chưa đi chưa biết Cửa Ông
Chưa đi chưa biết Cửa Ông
Đến đây mới biết đường không lối về
Phu sắng-tẩy ai thuê mà đánh
Thẻ than sàng ai bán mà mua
Nhà quê còn có ngày mùa
Đi nhặt, đi mót hột thừa mà ăn
Ở đây rét đói quanh năm
Đi câu cá: rủi, đi săn: hổ vồ
Khu Bò Đái xương khô rải rác
Bến Lò Vôi mấy xác bồng bềnh
Lạc loài bể khổ mông mênh
Thân vờ xơ xác lênh đênh chét mòn
Trót nghe bầu bạn ra đây
Lạ thung, lạ thổ, lạ cây, lạ nhà
Đồn Cẩm Phả sơn hà bát ngát
Huyện Hoành Bồ đá cát mênh mông
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa khe nước độc, nọ ông hùm già
Vui gì mà rủ nhau ra
Làm ăn khổ cực nghĩ mà tủi thân. -
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
Bõ công cha mẹ sắm sanh
Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
Nghi vệ đóng hai bên đường
Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
Kẻ chiêng người trống đua nhau
Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
Rước vinh quy về nhà bái tổ
Ngả trâu bò làm lễ tế thần
Để cho bảy huyện nhân dân
No say được đội hoàng ân từ rày -
Vè gái hư
Ai ơi lẳng lặng mà nghe
Người xưa để lại bài vè gái hư
Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
Đụng đâu cũng lết vào ngồi
Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
Quần thì ống thấp ống cao
Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
Ngồi lê đôi mách thật tài
Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
Tính tình quạu quọ câu mâu
Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
Người thì lúc lắc lúc lay
Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi … -
Vè chửi Thượng Bắc
Văn thân kéo giữa ban ngày,
Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
Tiếc ngài có một bộ râu,
Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
Ngày thường độc ác gian ngoan,
Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
Theo Tây hại nước hại làng hại dân
Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
Đao gươm vây kín trong ngoài,
Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
Thân hào đốt cháy tư dinh,
Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
Phá hết của nả riêng tư,
Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu … -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Tôi cưới bà từ thuở mười lăm
Tôi cưới bà từ thuở mười lăm
Vợ chồng hủ hỉ ăn nằm với nhau
Nhớ hồi nào bà ốm bà đau
Tôi lo thang thuốc cho bà mau chóng lành
Bây giờ bà béo nước bà ngọt canh
Bà quên đi cái nghĩa ba sinh thuở nào
Tôi nói ra chẳng phải tính công lao
Tôi nuôi bà mập ú cặp nhũ bà tròn inh
Bây giờ bà bạc nghĩa bạc tình
Để tôi ngậm đắng cũng chịu đành vậy thôi
Gia tài chẳng có là bao
Chỉ có cái cối giã gạo của tôi với bà
Mai này lỡ có ra tòa
Bà rinh cái cối tôi na cái chày
Đêm về ngẫm nghĩ gác tay
Cái cối bà lạnh lẽo mới sang mượn cái chày của tôi. -
Em là con gái nhà quê
Em là con gái nhà quê
Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
Chẳng ham tham phú phụ bần
Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
Cầm cân chàng nhấc cho bằng
Một bên cối đá một đằng tiền cheo
Hỏi chàng rằng có hay nghèo
Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng … -
Thư gửi chồng
Jê-cờ-ri một bức tình thư,
Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
Tú xon gạt nước mắt than rằng:
Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
La cua mút mọc, luyn tà,
La săm biết lấy ai là a-mi
Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
A-mi ai có thấu tình,
Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
Pơ-răng qua để làm quà,
Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
Tự ngày bước xuống ba-tô
Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
Xi vu lét-xê moa tiền,
Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
Lơ roa Thành Thái Annam
23 tháng Tám bước sang tháng Mười
Tên em là Nguyễn Thị Thời. -
Thiên triều văn
Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng …
Chú thích
-
- Chợ Cày
- Cũng gọi là chợ Sáng, thuộc thị trấn Cày, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Chợ Gát
- Tên một cái chợ nay thuộc xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Tri Tôn
- Địa danh nay là một huyện miền núi thuộc tỉnh An Giang. Tại đây có thắng cảnh đồi Tức Dụp, di tích chùa Xà Tón, và nhất là nhà mồ Ba Chúc, nơi tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát do Khmer Đỏ gây ra.
-
- Vàm Nao
- Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
-
- Sảy
- Cũng viết là sẩy, động tác hất cái nia hoặc sàng đựng lúa lên xuống đều đặn để tách vỏ và hạt lép ra khỏi hạt mẩy.
-
- Rặc
- (Nước) Cạn, kiệt.
-
- Sông Bùng
- Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
-
- Hai Vai
- Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.
-
- Trúc
- Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Tru
- Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
-
- Lụa sồi
- Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
-
- Hàng xén
- Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Ngong
- Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Chộ
- Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
-
- Mấu
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Bòng
- Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
-
- Võng giá
- Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.
-
- Cối xay
- Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.
-
- Săng lẻ
- Còn có tên là bằng lăng, một loại cây cho gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Tao khang
- Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
-
- Ló
- Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Lỗ
- Trổ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Ngụy
- Lạ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Tề
- Kìa (phương ngữ miền Trung).
-
- Nạ dòng
- Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.
Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.
-
- Nguyệt náo trung thiên
- Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
-
- Ngô
- Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
-
- Tấn
- Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
-
- Hồ
- Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
-
- Tần
- Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
-
- Sở
- Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
-
- Ngô
- Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
-
- Cẩm thạch
- Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Công ti than Bắc Kì
- Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.
-
- Chú khách
- Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Ngã Hai
- Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
-
- Vãng lai
- Đi lại (từ Hán Việt).
-
- Đốc công
- Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
-
- Cai
- Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
-
- Va-gông
- Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
-
- La ga
- Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Ăng-lê
- Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
-
- Cửa Ông
- Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.
-
- Cẩm Phả Po
- Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
-
- Cẩm Phả min
- Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
-
- Cọc Sáu
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Mông Dương
- Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.
-
- La voa
- Sổ nhật trình.
-
- Núi Béo
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Nứa
- Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).
-
- Đậu nành
- Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...
-
- Mồng tơi
- Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.
-
- Đơm
- Lấy, xới cơm hay xôi từ nồi vào vật đựng khác (đơm xôi, đơm cơm).
-
- Phu sắng-tẩy
- Phu chuyên việc san gạt than trong hầm chứa của tàu.
-
- Vờ
- Còn gọi là con vờ vờ, con phù du, một loại côn trùng có cánh chỉ sống trong khoảng vài phút tới vài ngày sau khi đã trưởng thành và chết ngay sau giao phối và đẻ trứng xong. Điều đáng ngạc nhiên là ấu trùng vờ lại thường mất cả năm dài sống trong môi trường nước ngọt để có thể trưởng thành. Khi chết, xác vờ phơi trên các bãi sông hoặc trên mặt nước, bị các loài cá ăn thịt. Từ đó có thành ngữ "Xác như (xác) vờ, xơ như (xơ) nhộng" để chỉ sự rách nát, cùng kiệt.
-
- Thung
- Vùng đất rộng.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Hoành Bồ
- Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Chiềng
- Trình, trình bày (từ cổ).
-
- Bõ công
- Đáng công.
-
- Nghi vệ
- Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.
-
- Vinh quy
- Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.
(Thời trước - Nguyễn Bính)
-
- Ngả
- Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
-
- Hoàng ân
- Ơn vua (từ Hán Việt)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Cháo bồi
- Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...
-
- Câu mâu
- Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
-
- Văn thân
- Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
-
- Thượng Bắc
- Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
-
- Bởi chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Án thư
- Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
-
- Ngũ Kinh
- Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:
1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.
-
- Ba sinh
- Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?
(Truyện Kiều)
-
- Nhũ
- Vú (từ Hán Việt).
-
- Na
- Mang theo, vác theo (phương ngữ, khẩu ngữ).
-
- Ái ân
- Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
-
- Tham phú phụ bần
- Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
-
- Mối manh
- Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Jê-cờ-ri
- Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
-
- Ăng-voa
- Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
-
- Me xừ
- Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
-
- Tú xon
- Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
-
- Cô soong
- Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
-
- Đờ-puy
- Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
-
- Nô-xờ
- Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
-
- Ê-loa-nhê
- Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
-
- Cu-tô
- Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- La cua
- Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
-
- Mút
- Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
-
- Luyn
- Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
-
- La săm
- Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
-
- A-mi
- Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
-
- Sơ-mi
- Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
-
- Lơ li
- Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
-
- Biếng ba
- Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
-
- Pơ-răng qua
- Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
-
- Uyn lét
- Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
-
- Ca-đô
- Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
-
- Ba-tô
- Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
-
- Lác-mơ
- Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
-
- Hồ Trúc Bạch
- Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).
-
- Xi vu lét-xê moa
- Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
-
- Bông cờ
- Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
-
- Ta xơ
- Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
-
- Ơ-rơ
- Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
-
- Lơ roa
- Vua (từ tiếng Pháp le roi).
-
- Thành Thái
- (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.
-
- Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
-
- Chính nguyệt
- Tháng giêng âm lịch.
-
- Huyên hoa
- Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
-
- Đống Đa
- Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
-
- Cầu Duệ
- Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
-
- Tốt xa
- Quân lính (tốt) và xe (xa).
-
- Cầu nhương
- Tranh cướp nhau để lên cầu.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Năn năn
- Xót thương, oán hận (từ cổ).
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Đại minh
- Giác ngộ, hiểu rõ.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).