Tìm kiếm "long phượng"

Chú thích

  1. Khăn bàn lông
    Khăn mặt, khăn tắm, khăn khổ lớn, mặt khăn có những sợi len mịn đều nhô ra.
  2. Nỉ
    Hàng dệt bằng sợi len chải xơ, che lấp sợi dọc và sợi ngang.

    Vải nỉ

    Vải nỉ

  3. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  4. Dãi
    Phơi ra, trải ra.
  5. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  6. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  7. Ve
    Cũng thường được gọi là ve sầu, là loài côn trùng có hai cánh dài, mỏng, nhiều vân. Con đực kêu ve ve suốt mùa hè. Trong văn chương, xác ve hay mình ve thường được dùng để chỉ tấm thân gầy gò, khô héo.

    Ruột tằm ngày một héo hon
    Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve

    (Truyện Kiều)

    Con ve sầu

    Con ve sầu

  8. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  9. Mỹ Thuận
    Tên một con sông nhỏ dài khoảng 10km chảy qua tỉnh Vĩnh Long, bắt nguồn từ điểm giáp với tỉnh Đồng Tháp, chảy vào sông Cái Vồn Nhỏ.
  10. Lựng bựng
    Lúng túng, không dứt khoát (phương ngữ Tây Nam Bộ).
  11. Cao Hoàng: Đời vua sáng nghiệp một triều đại, có công lớn nhất. Ở đây có lẽ là vua Gia Long.
  12. Sông Câu Nhí
    Còn gọi là sông Câu Nhi, một nhánh sông bên tả ngạn sông Thu Bồn, bắt đầu từ làng Câu Nhi chảy ra sông Vĩnh Điện rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ, đổ nước ra Cửa Hàn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) sông được đào rộng và uốn thẳng từ làng Câu Nhi đến làng Cẩm Sa. Thời Pháp thuộc sông này được khai thông và mở rộng để chở than đá từ mỏ Nông Sơn ra cảng Đà Nẵng.
  13. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  14. Sông Trà Ôn
    Tên một nhánh của sông Hậu đoạn chảy qua huyện Trà Ôn, Vĩnh Long.
  15. Trà Côn
    Một xã thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
  16. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  17. Lông
    Trồng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Môn đương hộ đối
    Cổng và cửa nhà tương xứng (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự ngang bằng về nhà cửa, gia thế, địa vị của hai bên dâu rể. Cũng nói môn đăng hộ đối.
  19. Hồng xiêm
    Còn có tên là lồng mứt hay sa pô chê (từ tiếng Pháp sapotier), một loại cây cho quả khi chín có ruột thẫm, mềm, ăn rất ngọt.

    Quả hồng xiêm

    Quả hồng xiêm

  20. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  21. Thanh Bạch
    Một cái giồng nay thuộc địa phận Giồng Thanh Bạch và ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cách chợ Trà Ôn khoảng 1,5km trên quốc lộ 54. Trong tư liệu về lịch sử lăng Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn có ghi: Vợ ông là người phụ nữ đức hạnh, khi mất được triều đình Huế ban tặng mỹ tự “Hiền thục phu nhân.” Tương truyền phần đất nơi an táng Bà được đặt tên là Thanh Bạch.
  22. Nguyễn Văn Tồn
    (1763–1820) Một danh tướng nhà Nguyễn, có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang) và giúp dân nhiều vùng trong hai tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng. Ông nguyên gốc người Khmer, có tên là Thạch Duồng hay Thạch Duông, nhờ lập nhiều công lớn mà được chúa Nguyễn Ánh ban cho tứ danh là Nguyễn Văn Tồn, về sau lại được phong hàm Thống chế, lãnh chức Điều bát nhung vụ (nên được gọi là Thống chế Điều bát). Mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (tức 27 tháng 2 năm 1820), ông bị bệnh mất tại Trà Ôn (Vĩnh Long). Tại đây vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

  23. Bà rú Lông đi ông rú Trà
    Về mùa gió Lào, gió thường đổi chiều từ rú Lông gây nên những cơn lốc nhỏ thổi xuống rú Trà (đều thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), gây hại cho nhà cửa, mùa màng. Người dân gọi hiện tượng này là bà thần rú Lông đi thăm ông thần rú Trà.
  24. Xới cơm thì xới lòng ta, so đũa thì phải so ra lòng người
    Thái độ chu đáo, ân cần, nhường nhịn trong đối nhân xử thế.

    Nhà thơ Xuân Diệu giảng đại ý: Người mình trước thường nấu cơm bằng rơm rạ. Cơm chín, phần trên cùng nồi thường bị ướt và nhão không ngon, phần cạnh và đáy nồi cơm dẻo và săn. Người xới thường xới phần trên cho mình trước mới xới phần ngon còn lại cho người khác, đặc biệt là ông bà, cha mẹ, khách quý. Hơn nữa, bát cơm xới không nên quá vơi hay quá đầy.

    Do đũa trước đây vót bằng tre nên không đều, khi so đũa phải chọn những đôi không vênh lệch dành cho người khác trước. Chú ý: xới cơm cho người thì xới sau, còn so đũa cho người lại so trước. Chỉ trong một bữa ăn mà có hai thao tác sau–trước trái ngược hẳn nhau song mục đích lại giống nhau. Thế thật là ý nghĩa.

  25. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  26. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  27. Long ẩn thủy ba
    Rồng nấp nơi sóng nước (chữ Hán).
  28. Lòng son
    Lòng bền vững không lay chuyển (cũng thường có cách nói: lòng son sắt, lòng son dạ sắt).
  29. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  30. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  32. Ống thụt
    Súng đồ chơi của trẻ em, làm bằng ống tre, dùng trái cò ke hoặc trái bồ đề làm đạn (Xem thêm).

    Ống thụt

    Ống thụt

  33. Ống điếu
    Vật dụng hình ống nói chung dùng để nhét thuốc lá hoặc thuốc phiện vào để đốt rồi hút.

    Ống điếu

    Ống điếu

  34. Bài đồng dao này được kết hợp với trò chơi: Trẻ đặt bàn tay úp xuống mặt bằng và được một người đếm, vừa đếm chỉ vào các bàn tay cho đến chữ cuối cùng của bài đồng dao. Tay ai bị trúng vào chữ cuối sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Sau đó lại hát và đếm tương tự loại dần, trẻ nào cuối cùng bị loại là người thắng cuộc.
  35. Sứ
    Còn gọi là hoa đại, hoa Champa, rất phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Trong các câu chuyện dân gian, cây đại được cho là nơi trú ẩn của ma, quỷ.

    Hoa sứ trắng

    Hoa sứ trắng

  36. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.