Tìm kiếm "lòng mẹ"

Chú thích

  1. Nga Khê
    Một làng nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nằm bên bờ sông Hồng. Xưa kia làng có nghề dệt lụa; tương truyền lụa Nga Khê dùng để tiến vua.
  2. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  3. Chi Long
    Tên một làng nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  4. Nam Xá
    Một làng nay thuộc xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Làng có nghề làm hương (nhang).
  5. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  6. Đại Hoàng
    Một làng nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Làng xưa kia trồng nhiều trầu không, và trầu ngon có tiếng.
  7. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  8. Chợ Ba Kè
    Một chợ lâu đời nay thuộc xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
  9. Chợ Giồng Ké
    Tên mới là chợ Trung Ngãi nhưng người dân vẫn quen gọi là Giồng Ké, một ngôi chợ lâu đời nay thuộc xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
  10. Lựa là
    Chẳng cần gì, chẳng cứ gì (từ cũ). Cũng như lọ là.
  11. Rau ngổ
    Còn gọi là rau om, ngò (mò) om, ngổ hương, ngổ thơm, ngổ điếc, thạch long vĩ, là loài cây thân thảo có chiều cao khoảng 20cm, thân xốp có nhiều lông. Lá không cuống, mọc đối hoặc mọc vòng, mép lá có răng cưa thưa. Rau thường mọc nhiều ở ao, rạch, mương và thường được trồng làm rau gia vị.

    Rau ngổ

    Rau ngổ

  12. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  13. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  14. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  15. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  16. Mọc lông trong bụng
    Lòng dạ độc ác, thâm hiểm.
  17. Bù loong
    Cũng gọi là bu lông (từ tiếng Pháp boulon), một sản phẩm cơ khí dạng hình thanh trụ tròn, tiện ren, dùng để lắp ráp, ghép nối, liên kết các chi tiết rời rạc thành một hệ thống hoàn chỉnh.

    Bù loong

  18. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  19. Chùa Nhiễu Long
    Tên dân gian là chùa Cao, một ngôi chùa cổ nay thuộc địa phận thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây một ngôi chùa lớn nhất huyện Hương Sơn.

    Chùa Nhiễu Long

    Chùa Nhiễu Long

  20. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  21. Ô thước kỳ hình nhi thiên lý
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ô thước kỳ hình nhi thiên lý, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  22. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  23. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  24. Cựu tình
    Tình cũ (từ Hán Việt).
  25. Vàm Cỏ
    Một dòng sông ở Nam Bộ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, dài khoảng 35 km, là hợp lưu của 10 chi lưu, trong đó hai chi lưu chính trực tiếp là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông chảy chủ yếu qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang, rồi cuối cùng đổ vào sông Soài Rạp.

    Về tên gọi sông Vàm Cỏ, có hai cách giải thích:

    - Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, "Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”. Ở đây, ý nói sông Vàm Cỏ là sông nhỏ, giáp sông Soài Rạp. Do hai bên bờ mọc nhiều cỏ, gọi là Vàm Cỏ.
    - Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là "vàm lùa bò". Người Việt đọc chệch thành Vàm Cỏ.

    Cách giải thích thứ 2 được nhiều người tán đồng, vì hai chi lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Campuchia. Hơn nữa, một số tài liệu xưa ghi nhận rằng vùng này ngày trước có nhiều trâu bò đi thành từng đàn, theo đường cố định, lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông.

  26. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  27. Mỹ Thuận
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mỹ Thuận, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Tiền Giang
    Một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và thành phố Cần Thơ 90 km về hướng Bắc. Tiền Giang nằm trải dọc bờ Bắc, sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho toàn tỉnh.

    Trước khi bị người Việt xâm lược vào thế kỷ 17, đất Tiền Giang thuộc về Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương, gồm Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại.)

  29. Chỉ bài vọng cổ nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận, một số người gọi là bài Gã đánh đàn trên sông Mỹ Thuận.
  30. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  31. Được cánh đồng Sòng, no lòng thiên hạ
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Đồng Sòng thuộc xã Tây Lạc (nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định — Ca dao Mẹ), đất cao lại chua, tương truyền sư Không Lộ ăn cá đổ dấm thừa ra đó, năm nào có nhiều mưa cày cấy được, thì mới có thóc thu hoạch nên mới có câu này.
  32. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  33. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  34. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Vừng
    Đồ đan bằng tre giống cái sàng, nhưng lỗ nhỏ hơn để lọc cám gạo. Có nơi phát âm là dừng.
  36. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  37. Tày
    Bằng (từ cổ).
  38. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  39. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  41. Lóng rày
    Dạo này (phương ngữ Trung Bộ).
  42. Lách
    Cũng gọi là đế, một dạng lau sậy mọc thành bụi hoang, thân nhỏ lá cứng, có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Lách

    Lách

  43. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  44. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  45. Giâm
    Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
  46. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  47. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  48. Long Đầu
    Một ngọn núi nằm gần đường Thiên lý bắc nam xưa kia (sau là quốc lộ 1) ở bờ tả sông Trà Khúc, giữa thị trấn Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi ngày nay. Hình núi trải dài, đến giáp sông Trà Khúc thì nhô cao như đầu rồng, vì vậy có tên là Long Đầu. Đây là một trong mười hai cảnh đẹp của Quảng Ngãi (bao gồm: Thạch Ky điếu tẩu, Vu Sơn lộc trường, Vân Phong túc vũ, Liên Trì dục nguyệt, Hà Nhai vãn độ, Cổ Lũy cô thôn, Thạch Bích tà dương, La Hà thạch trận, An Hải sa bàn, Thiên Bút phê vân, Long Đầu hí thuỷ, và Thiên Ấn niêm hà).

    Long Đầu hí thuỷ

    Long Đầu hí thuỷ

  49. Chùa Thiên Ấn
    Tên ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Ấn, ngọn núi biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695.

    Chùa Thiên Ấn

    Chùa Thiên Ấn

  50. Có bản chép: Cải.
  51. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  52. Khơi
    Vùng biển ở xa bờ.
  53. Lộng
    Vùng biển gần bờ, phân biệt với khơi.
  54. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
  55. Dâm bụt
    Phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, có nơi gọi là râm bụt, là một loại cây bụi thường được trồng ở bờ rào trên khắp các làng quê. Hoa dâm bụt lớn, màu đỏ sậm, nhưng không có mùi hương.

    Hoa dâm bụt

    Hoa dâm bụt