Tìm kiếm "chuột"

  • Hỡi ai đi ngược về xuôi

    Hỡi ai đi ngược về xuôi
    Lại đây tôi kể đầu đuôi số mình
    Số tôi quyết chí tu hành
    Từ ngày bác mẹ bẩm sinh lọt lòng
    Ăn chay nằm mộng long đong
    Chín chùa tôi chả bỏ không chùa nào
    Biết rằng duyên số làm sao
    Bao nhiêu gái đẹp thì vào tay tôi
    Chín chùa tu thế cả mười
    Đúc chuông tô tượng xong rồi lại đi
    Tôi nay tính khí cũng kỳ
    Tuần rằm, mồng một tôi thì bỏ quên
    Đêm nằm tưởng gái nằm bên

  • Mùa đông môi xám như chì

    Mùa đông môi xám như chì
    Mùa hè dạ sậm khác gì hòn than
    Áo manh che trận gió hàn
    Đầu trần nắng lửa mưa chan dãi dầu
    Ối mẹ đâu, ối cha đâu
    Đi đâu mà bắt con hầu người ta
    Tưởng tình nghĩa mẹ, công cha
    Chưa đền chút đỉnh xót xa dạ này

  • Vè Hà thành đầu độc

    Một cơn gió táp mưa sa
    Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
    Gió mưa nghe vẳng bên lầu
    Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
    Than ôi cũng một kiếp người
    Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
    Non sông Hồng Lạc một nhà
    Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
    Mực hòa máu lệ một chương
    Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
    Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
    Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
    Đòi phen trận mạc tập tành
    Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông

  • Anh trèo lên cây táo

    Anh trèo lên cây táo
    Anh sang qua cây gạo
    Mồ hôi chưa ráo
    Áo cụt chưa khô
    Tai nghe em rớt xuống ao hồ
    Tay anh bưng bát thuốc cam lồ cứu em
    Hai tay cầm bốn củ khoai lang
    Thiếp nói với chàng đến mai hãy nướng
    Cực chẳng đã mới ra thân làm mướn
    Một ngày ba bốn mươi đông, không sướng chút chi

  • Tay anh cầm bút ngọc hoà châu

    Tay anh cầm bút ngọc hoà châu
    Đề vô trong áo bậu bốn câu ân tình
    Một câu phân với nữ trinh
    Ơn cha nghĩa mẹ cho trọn tình hiếu trung
    Hai câu ta phân với anh hùng
    Đào sâu cuốc chín ăn chung ở đời
    Ba câu anh nói, em phải nghe lời
    Đừng nghe lời thế sự đổi dời duyên ta
    Bốn câu nuôi chút mẹ già
    Tình chồng nghĩa vợ, mẹ với cha đền bồi.

  • Cái cò lặn lội bờ ao

    Cái cò lặn lội bờ ao,
    Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay.
    Em về giục mẹ cùng thầy,
    Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong?
    Cái cổ yếm em nó thõng thòng thòng,
    Tay em đeo vòng như bắp chuối non.
    Em khoe em đẹp em giòn,
    Anh trông nhan sắc em còn kém xuân.

  • Ngó lên trời mây bay vần vũ

    Ngó lên trời mây bay vần vũ,
    Ngó xuống âm phủ đủ mặt bá quan,
    Ngó lên Nam Vang thấy cây trăm thước,
    Nhìn sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
    Anh thương em ruột thắt gan bào,
    Biết em có thương lại chút nào hay không?

    Dị bản

    • Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước,
      Ngó về Sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
      Anh thương em ruột thắt gan bào,
      Biết em có thương lại chút nào hay không?

    • Ngó về đồng có cây nằm nước
      Ngó về xóm trước nước đổ lao xao
      Anh thương em chẳng biết làm sao
      Gửi thơ thì thơ lạc, gửi lời lời quên

  • Biết ai than thở sự tình

    Biết ai than thở sự tình
    Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
    Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
    Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
    Cả ngày chỉ rượu sưa say
    Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
    Nói ra mang tiếng phũ phàng
    Nín đi thì não can tràng xiết bao
    Cũng thì phận gái má đào
    Người thì gặp được anh hào đảm đang
    Mình thì cũng dự phấn hương
    Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào

  • Bắt ốc (hát ghẹo Phú Thọ)

    Em lên rừng
    Em bứt quả bứa chua
    Em xuống khe
    Em bắt cái ốc lặn, cùng cái ốc lội
    Em tra vào giỏ
    Em bỏ vào thời
    Em “vê nó màng”
    Em mang nó về
    Em thả vào nồi
    Em bẵng nó lên
    Nó sôi sùng sục
    Nó sủi sình sịch
    Em đổ nó ra
    Em xóc chí cha
    Là cha chí chát
    Em xơi lên bát
    Em múc lên loa
    Em mút chí cha
    Là cha chí chút
    Chì chà là chà chì chụt
    Canh ốc thì ngọt
    Canh bứa chua loè.

  • Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn

    Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
    Gái tơ quá lứa, mất giòn, không xinh
    Vẳng tai nghe lời nói hữu tình
    Chim lồng không lẽ cất mình bay cao
    Gớm ghê thay cái số huê đào
    Cởi ra thời khó, buộc vào như chơi
    Chàng Thúc sinh quen thói bốc trời
    Trăm nghìn đổ một trận cười như không
    Chường vô chăn gối loan phòng
    Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong đêm dài
    Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài
    Thấy chàng quân tử tài trai anh hùng
    Gương bạch Nhật sánh với quạt thanh phong
    Sao chàng chẳng tới cái tiết mùa đông lạnh lùng
    Chường nằm đâu nhủ thiếp tôi cùng.

  • Đêm nằm thổn thức vào ra

    Đêm nằm thổn thức vào ra
    Chờ cha mẹ ngủ, lén qua thăm mình
    Tui than hết sức, tui dứt hết tình
    Thiếu điều cắn ruột trao cho mình, mình ơi
    Dẫu mà chẳng được kết đôi
    Một lần này nữa xin thôi cang thường
    Nhu thắng cang, nhược thắng cường,
    Tui ở mềm như chuối, đạo cang thường còn xa.

  • Bồng bống bông

    Bồng bống bông,
    Màn Đổng Tử, gối Ôn Công,
    Lớn lên em phải ra công học hành,
    Làm trai gắng lấy chữ danh,
    Thi thư nếp cũ, trâm anh dấu nhà.
    Hỡi ha ha,
    Chị nay chút phận đàn bà,
    Tam tòng tứ đức, phận là nữ nhi.
    Mong em khôn lớn kịp thì,
    Năm xe lầu thuộc, sáu nghề tinh thông.
    Bồng bống bông,
    Anh tài ra sức vẫy vùng,
    Nữ nhi lại cũng bạn cùng bút nghiên.
    Cõi đời là cuộc đua chen,
    Anh hùng cũng thể, thuyền quyên cũng là.

  • Trách duyên lại giận trăng già

    Trách duyên lại giận trăng già
    Xe tơ lầm lỗi hóa ra chỉ mành
    Biết ai than thở sự tình
    Chẳng qua mình lại biết mình mà thôi
    Lấy chồng gặp phải kẻ tồi
    Cho nên lòng những bồi hồi đắng cay
    Cả ngày chỉ rượu sưa say
    Khi nay thuốc phiện khi nay tài bàn
    Nói ra mang tiếng phũ phàng
    Nín đi thì não can tràng xiết bao
    Cũng thì phận gái má đào
    Người thì gặp được anh hào đảm đang
    Mình thì cũng dự phấn hương
    Gặp nơi lêu lổng chẳng thương chút nào

  • Trực nhìn đầu non hoa nở

    Trực nhìn đầu non hoa nở
    Cảm thương mụ vợ không con
    Cớ mần răng khô héo hao mòn
    Sợ e thác nhục, xương còn bọc da
    Ra đường thấy vợ người ta
    Mập mịa chắc chắn, vợ nhà khô khan
    Đêm nằm tôi thở, tôi than
    Cầu trời, khấn Phật cho nàng sinh thai
    Bất kỳ con gái, con trai
    Sanh đặng một chút hôm mai thỏa lòng
    Vợ chồng tôi cui cút một mình
    Không con có của, để dành ai ăn?
    Vừa may sinh đặng một thằng

  • Trường đồ tri mã lực

    Trường đồ tri mã lực,
    Sự cửu kiến nhân tâm.
    Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
    Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
    Chim khôn lót ổ lựa nhành,
    Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
    Vô dược khả y khanh tướng bệnh,
    Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
    Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
    Ở trên trời có ngôi sao Bắc Đẩu,
    Ở dưới hạ giới có con sông Giang hà,
    Sông Giang hà chảy ra biển rộng
    Bắc đẩu tinh quay ngõng chầu trời,
    Tôi thương mình lắm mình ơi,
    Biết sao kể nỗi khúc nhôi ớ mình!

  • Từ ngày em về nhà này

    Từ ngày em về nhà này
    Tưởng ngày một khá, hóa ngày một hư
    Đi chợ ăn những quà trừ
    Đi tắm mất váy khư khư chạy về
    Nấu cơm trên sống dưới khê
    Đủ cả tứ bề như thể cháo hoa
    Bữa ăn nồi bảy nồi ba
    Quanh năm ngày tháng chẳng ra đồng nào
    Rửa bát ngủ gật cầu ao
    Ngủ trưa chồng gọi kêu sao nhức đầu
    Ăn nói cảu nhảu càu nhàu
    Sai em rinh nước đổ vào tàu khoai
    Việc ăn em chẳng kém ai
    Hễ mó đến gánh thì vai sứt hờ
    Việc làm chểnh mảng thờ ơ
    Lại thêm một chút làm thơ với chồng.

  • Đêm qua trời sáng trăng rằm

    Đêm qua trời sáng trăng rằm
    Anh đi qua cửa, em nằm không yên
    Mê anh chẳng phải mê tiền
    Thấy anh lịch sự, có duyên, dịu dàng
    Thấy anh em những mơ màng
    Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi
    Thấy anh chưa kịp ngỏ lời
    Ai ngờ anh đã vội dời gót loan
    Thiếp tôi mê mẩn canh tàn
    Chiêm bao như thấy anh chàng ngồi bên
    Tỉnh ra lẳng lặng yên nhiên
    Tương tư bệnh phát liên miên cả ngày
    Nghĩ rằng duyên nợ từ đây
    Xin chàng hãy lại nơi đây chút nào
    Cho thiếp tỏ thiệt với nao!

  • Vô duyên lấy phải chồng già

    Vô duyên lấy phải chồng già
    Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chính thực là chồng có phải cha đâu.
    Ngày ngày vác cối giã trầu
    Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
    Đêm đêm đưa lão đi nằm
    Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
    Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
    Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
    Nữa mai người có thiếp không
    Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.

    Dị bản

    • Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
      Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

    • Tốt số lấy được chồng già
      Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
      Không nói ra thì cực trong lòng
      – Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
      Cơm xong, múc nước, nhai trầu
      Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
      Tôi xê ra ông lại xịch vào
      Phận tôi là gái má đào mắt xanh
      Lẽ nào kêu cố bằng anh?

Chú thích

  1. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  2. Tam sơn, tứ hải
    Chỉ mặt đất. Người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền).
  3. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  6. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  7. Hàn
    Lạnh (từ Hán Việt).
  8. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  9. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  10. Có bản chép: nghĩa liệt.
  11. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  12. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  13. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  14. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  15. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  16. Táo
    Loại cây thân gỗ, tán rộng, lá hình trứng thuôn dài, mặt dưới có lông. Hoa táo nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành cụm ở nách lá. Quả có hình trứng, vỏ trơn, thịt quả màu trắng, giòn, khi chín thì xốp và có vị ngọt, chứa một hạt cứng. Quả táo để ăn tươi, ngâm rượu, ngâm nước uống, làm mứt. Lá, quả và nhân hạt táo dùng làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả táo

    Quả táo

  17. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  18. Cam lộ
    Cũng gọi là cam lồ. Theo nghĩa đen, cam nghĩa là ngọt, lộ là sương, nên "cam lộ" nghĩa là giọt sương ngọt. Theo nghĩa rộng, cam lộ là một thứ rượu ngon ngọt. Trong Phật giáo, cam lộ là thứ nước thơm tho, linh diệu, làm đồ uống của các vị tiên phật, hễ rưới lên mình ai là người đó hết bệnh tật, thậm chí sống lại.

    Hình ảnh phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ

    Hình ảnh phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ

  19. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  22. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  24. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  25. Thõng thòng thòng
    Thõng xuống, trễ xuống.
  26. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  27. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  28. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  29. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  30. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  32. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  33. Bứa
    Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.

    Quả bứa

    Quả bứa

  34. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  35. Bẵng
    Bắc nồi lên bếp (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  36. Có bản chép: Đốt lửa đun sôi.
  37. Bát loa
    Loại bát nông, gần giống đĩa, vành rộng. Có nơi cũng gọi là bát ô tô.

    Bát loa

    Bát loa

  38. Nhược bằng
    Nếu như (từ cổ).
  39. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  40. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  41. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  42. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  43. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  44. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  45. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  46. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  47. Nhu
    Mềm mại, hiền lành (từ Hán Việt).
  48. Cương
    Cứng, rắn; còn được đọc trại là cang (từ Hán Việt).
  49. Nhược
    Yếu, kém (từ Hán Việt).

     

  50. Cường
    Mạnh (từ Hán Việt).
  51. Đổng Tử
    Tức Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN) một học giả đời Tây Hán bên Trung Quốc. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng chăm chỉ học tập, từng ba năm liên tục buông màn để đọc sách, mắt không liếc ra ngoài. Ông có công đưa đạo Nho trở thành hệ tư tưởng học thuật thống trị ở Trung Quốc.
  52. Ôn Công
    Tên hiệu Tư Mã Quang, một viên thừa tướng đời Tống, bên Trung Quốc, nổi tiếng ham đọc sách. Điển tích kể lại khi đọc sách, Ôn Công chọn dựa mình vào gối tròn để khi ngủ gục, gối lăn, lại tỉnh dậy đọc. Từ đó, "gối Ôn Công" thường là được dùng chỉ về nết học hành chăm chỉ.
  53. Thi thư
    Chỉ sách vở, kinh điển Nho giáo nói chung. Kinh Thi và kinh Thư là hai bộ sách đầu tiên trong Ngũ kinh, năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.
  54. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  55. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  56. Tứ đức
    Cùng với "tam tòng", là những quy định xuất phát từ Nho giáo mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Tứ đức bao gồm:

    - Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo.
    Dung: Dáng người phải gọn gàng, dễ coi
    Ngôn: Ăn nói phải dịu dàng, khoan thai, mềm mỏng
    Hạnh: Tính nết phải hiền thảo, nết na, chín chắn.

  57. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  58. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  59. Lục nghệ
    Tức "sáu nghề" (từ Hán Việt), là những kĩ năng được xem là nhất thiết phải có đối với đàn ông trong xã hội phong kiến cũ, lấy từ quan niệm của Nho giáo.

    Sáu nghề đó là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số - nghĩa là: lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ và tính toán.

  60. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  61. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  62. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  63. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  64. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  65. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  66. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  67. Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm
    Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu ngày mới biết lòng người. Câu này là một dị bản của một câu trong Cổ huấn: Lộ diêu tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm.
  68. Vô dược khả y khanh tướng bệnh, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền
    Không có thuốc nào chữa được bệnh ham làm quan (khanh tướng bệnh), có tiền cũng khó mua được con cháu hiền. Câu này thật ra là một dị bản của một câu trong Minh Tâm Bửu Giám: Vô dược khả y khanh tướng thọ, hữu tiền nan mãi tử tôn hiền.
  69. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  70. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  71. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  72. Ngõng
    Mấu hình trụ để tra cán cối xay, làm điểm tựa, nếu không thì cối xay không quay được.

    Cối xay thóc

    Cối xay thóc

  73. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  74. Cơm khê
    Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
  75. Cháo hoa
    Cháo loãng, chỉ nấu bằng gạo, ninh nhừ cho đến khi hạt gạo nở bung hết cỡ.

    Cháo hoa

    Cháo hoa

  76. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  77. Có bản chép: số thờ (số vai để thờ, không phải để gánh gồng, làm việc).
  78. Bài này có nhiều câu tương tự với bài "Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần."
  79. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  80. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  81. Có bản chép: múc.
  82. Có bản chép: người.
  83. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  84. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  85. Cố
    Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).