Duyên ta là ngãi tình cờ
Bấy lâu luống những ngẩn ngơ chờ chàng
Gặp nhau đây đá thử vàng
Miếng trầu thết đãi dạ mang chữ tình
Tương tư buồn bực trong mình
Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười
Quên sầu thiếp gượng làm tươi
Đồ huê nguyệt sợ miệng cười thế gian
Trốn cha trốn mẹ theo chàng
Vì chàng nên thiếp lạc ngàn lên đây
Đến đây thiếp ở lại đây
Bao giờ quế mọc xanh cây mới về
Đã đành nên thiếp nên thê
Nên khăn nên gối không vê cũng tròn
Non mòn nhưng nghĩa không mòn…
Tìm kiếm "ví dầu"
-
-
Nón em mua bốn hào ba
-
Ngó xuống biển Đông, con cá ngư ông thường ngày thường lội
-
Hai ngang ba phết
Hai ngang ba phết,
Từ Hà Nội cho đến kinh thành
Quan sầu dân thảm hỏi anh chữ gì?
– Hai ngang ba phết là chữ thất,
Thất là thất thủ kinh đô,
Quan sầu dân thảm vì mưu đồ ông Quận thâm.Dị bản
-
Chàng về mua chỉ mua kim
Chàng về mua chỉ mua kim
Thêu loan thêu phượng mới nên khăn này
Thêu cho đủ lối mới hay
Anh thời thêu phượng em nay thêu rồng
Bốn bên thêu bốn cành hồng
Ở giữa con rồng phượng lộn xung quanh
Ở giữa chỉ đỏ rành rành
Bốn góc em thêu bốn cành quế chi
Đố anh thêu được hoa quì
Đố anh thêu được bốn vì cành hoa
Anh về mượn thợ thêu đi
Anh mà thêu được em thì mất khăn -
Một đêm là năm trống canh
Một đêm là năm trống canh
Tôi kể ngọn ngành cho chúng bạn nghe:
Canh một thì đi cất te
Canh hai trở về nấu cám lợn ăn
Canh ba đổ gạo vô đâm
Canh tư nhấm trấu bắc hầm nồi ngô
Canh năm chợp mắt lơ mơ
Chồng vừa vào rờ, gà gáy rạng đông
Năm canh nỏ bén hơi chồng
Vì con mụ cả, khổ không hỡi trời!
Cái cảnh chồng chung cực lắm chị em ơi! -
Bước xuống ghe nan chèo sang bến thóc
Bước xuống ghe nan chèo sang Bến Thóc
Vừa chèo vừa khóc luỵ nhỏ tày non
Áo kia đủ cặp nhưng còn thiếu hơi
Bữa nay đủ áo quen hơi
Sớm mai xa cách, trời ơi hỡi trời
Trời đà sở định đôi nơi
Đứng gần thương nhớ, trông vời sơn khê
Buồn rầu lúc tỉnh lúc mê
Nước mắt kia lai láng cũng vì thương nhau.Dị bản
Bước xuống ghe nan chèo sang Bến Thóc
Vừa chèo vừa khóc luỵ nhỏ tày non
Áo kia đủ cặp nhưng còn thiếu hơi
Bữa nay đủ áo quen hơi
Sớm mai xa cách, trời ơi hỡi trời
Trời đà sở định đôi ta
Đứng gần thương nhớ, đứng xa buồn rầu
Buồn rầu lúc tỉnh lúc mê
Nước mắt kia lai láng cũng vì thương nhau.
-
Anh đừng tư lự, thất tình
Anh đừng tư lự, thất tình
Rồi đây trúc cũng hiệp bình với mai
Anh đừng than ngắn thở dài
Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền
Nói ra về lúc Vân Tiên
Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm
Sương sa lụy nhỏ đầm đầm
Đặt mình xuống chiếu, bụng nằm chiêm bao
Cũng vì nhơn nghĩa anh trao
Cho nên nước mắt nhỏ trào như mưa -
Mẹ già như chuối ba hương
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Đường mía lau càng lâu càng ngát
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say
Ba hương lây lất tháng ngày
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
Mẹ già như áng mây trôi
Như sương trên cỏ, như lời hát ru
Lời hát ru vi vu trong gió
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
Mây trôi lãng đãng trên ngàn
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng. -
Kể từ cất gánh đi buôn
-
Có đêm ra đứng đàng tây
Có đêm ra đứng đàng tây
Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
Có đêm ra đứng vườn hoa
Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
Có đêm thơ thẩn một mình
Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
Thương chàng lắm lắm không nguôi
Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
Sư ông nhớ Bụt mõ rày nhớ chuông
Nhớ chàng vì nợ vì duyên
Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.Dị bản
Đêm đêm ra đứng vườn hoa
Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
Đêm đêm ra đứng một mình
Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
Có đêm tạc đá ghi vàng
Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
Thương nàng lắm lắm nàng ôi
Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
Bao giờ nên vợ nên chồng
Như chim về tổ như rồng gặp mây
Video
-
Vè cầm thú
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cầm thú
Hay quyến hay dụ
Là con chim quyên
Nết ở chẳng hiền
Là chim cồng cộc
Làm ăn mệt nhọc
Là chim le le
Nghe vẻ nghe ve
Là chim chèo bẻo
Chân đi khấp khẻo
Là con cò ma … -
Một cành hoa sói, một gói hoa chanh
Một cành hoa sói, một gói hoa chanh,
Ai mua em bán một cành năm quan.
Hoa em còn nụ chưa tàn,
Ai mua em bán năm quan bảy đồng.
Hoa em chính thực còn không,
Anh nào có vợ thì đừng chơi hoa.
Hoa em tan cửa nát nhà,
Đánh con bỏ vợ vì hoa em này.
Chẳng yêu hoa đem trả tận cây,
Xin đừng đày đọa mà rầy thân hoa. -
Tính về trình với mẹ cha
Tính về trình với mẹ cha
Phận tính là gái như hoa giữa đường
Tình trông thấy tính cũng thương
Tình về thu xếp quê hương cửa nhà
Tình về trình với mẹ cha
Rằng tình gặp khách đường xa quê người
Hồng nhan tình chín, tính mười
Muốn cho tình tính kết đôi giao hòa … -
Ớ này em ơi! Em nghe cho kỹ
Ớ này em ơi! Em nghe cho kỹ
Xưa nay gái chẳng cưới chồng, trai không ở goá
Đoái thấy nàng xinh đà quá xinh
Buông lời vừa vỗ vế non
Nếu như nàng lo việc cháu con
Thời sao không kiếm nơỉ trao thân gửi thế
Trên đời bá công bá nghệ, dưới lại là tứ thứ tứ dân
Làm người sao khỏi chữ lương nhân
Mà nàng chịu để phòng không ở goá?
Sách có chữ rằng “phụ nhơn nan hoá”, ít kẻ yêu vì
Cho nên lấy phải phải luận phải suy, phải xem trong lóng đục
Đây đã phải thời phải lúc
Hay nàng còn cúc dục cù lao?
Để cho anh ngẩn ngơ ra vào
Thầm yêu trộm nhớ, dạ nào em bỏ anh! -
Sáng nay đi chợ tất niên
– Sáng nay đi chợ tất niên
Em đây cầm một quan tiền trong tay
Sắm mua cũng khá đủ đầy
Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà
Độc bình mua để cắm hoa
Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông
Tính hoài mà cũng chẳng thông
Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư– Vội chi, em cứ thư thư
Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
Sáu mươi đồng tính một tiền
Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
Vị chi em mới tiêu xong
Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà
Trái cây, cau, thuốc, thịt thà
Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền
Ba trăm sáu chục đồng nguyên
Tính ra chính thị sáu tiền còn dư -
Làng ta phong cảnh hữu tình
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng già trẻ gái trai đua nghề
Mặt trời lặn mới ra về
Ngày ngày, tháng tháng, nghiệp nghề truân chuyên
Dưới dân họ, trên quan viên
Công bình giữ mực cầm quyền thẳng ngay
Bây giờ gặp hội chẳng may
Khi thời hạn hán, khi hay mưa dầm
Khi thời gió bão ầm ầm
Đồng điền thóc lúa mười phần được ba
Lấy gì cung ứng can qua
Lấy gì lo việc trong nhà cho đương
Lấy gì sưu thuế phép thường
Lấy gì hỗ trợ cho đường làm ăn
Trời làm khổ cực hại dân
Vì mùa mất mát trăm phần lao đao -
Quảng Nam là xứ tỉnh ta
Quảng Nam là xứ tỉnh ta
Trong là Quảng Ngãi, ngoài là Thừa Thiên
Phía đông là biển sát miền
Phía tây có núi, gần miền Ai Lao
Đà Nẵng tàu lớn ra vào
Hội An là phố đông người bán buôn
Sông xanh một dải Thu Bồn
Sông từ chợ Củi đến nguồn Ô Gia
Tỉnh thành đóng tại La Qua
Hội An toà sứ vốn là việc quan
Bốn phủ, bốn huyện mọi đàng
Quan viên cai trị luận bàn việc dân
Đá than thì ở Nông Sơn
Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
Thanh Châu buôn bán nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hoà
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
Ngà voi, tê giác, gỗ rừng
Trân châu hải vị chẳng từng thiếu chi
Tỉnh ta giàu nhất Trung kỳ
Nên ta phải học lấy nghề tự sinh… -
Vè trách vua Tự Đức hai lòng
Trách vua Tự Đức hai lòng
Đi về bên đạo, bỏ công bên đời
Mần quan ra rồi
Vượt lòng không cạn
Tây sang buôn bán
Viện lấy giữ nhà
Ai biết sự là
Tây sang cướp nước
Khi mới sang, đánh được
Răng không đánh đi cho … -
Rượu nào là rượu chẳng nồng
Rượu nào là rượu chẳng nồng
Trai nào chẳng khoái Lan, Hồng, Cúc, MaiDị bản
Rượu nào là rượu chẳng nồng
Gái nào là gái chẳng vì chồng hay ghen
Chú thích
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Thê
- Vợ (từ Hán Việt).
-
- Và
- Vài.
-
- Mây
- Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.
-
- Cá Ông
- Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.
-
- Chỉ trận Kinh thành Huế.
-
- Nguyễn Văn Tường
- Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.
Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Dừ
- Giờ, bây giờ. Còn đọc là giừ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Te
- Một dụng cụ bắt tép trông rất giống cái vó, nhưng nhỏ hơn nhiều. Te gồm hai nan tre vót mảnh dài cỡ hai mét buộc chéo nhau ở giữa, phía dưới bốn đọt nan tre này được buộc vào một mảnh vải mùng hình vuông mỗi cạnh dài cỡ 8 tấc, không quá thưa để tép lọt qua, cũng không quá dày sẽ cản nước, cất lên chậm, tép sẽ nhảy hết ra ngoài. Thường một người đi cất te lúc nào cũng phải có từ vài chục cái te trở lên. Trước khi đi cất te, mọi người thường dùng cám trộn với mỡ heo rang lên thật thơm để làm mồi nhử tép. Chọn một đám ruộng, ao hồ hay mép rào nào đó. Dùng tay vén sạch cỏ rác rong rêu rồi đặt te xuống, chờ đáy te chìm sát đáy bùn thì nhón tay vắt một nhúm cám rang ném vào giữa te dụ tép. Đặt xong cái này thì đặt qua cái khác, đặt đến cái cuối cùng thì bắt đầu quay lại nhấc cái đầu tiên lên để đổ tép, và cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi ra về.
-
- Đâm
- Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
-
- Nhấm
- Nhóm lửa, đốt lửa.
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Ghe
- Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.
-
- Sông Bến Thóc
- Tên dân gian của sông Thoa, tên Hán Việt là Thốc Giang, một con sông đào có thể được tiến hành từ thời chúa Nguyễn (chưa rõ năm nào), xuất phát từ Phú An, đi qua các xã Đức Hòa, Đức Tân, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và cuối cùng đổ ra cửa Mỹ Á thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông có tên như vậy vì ngoài việc cung cấp nước, sông còn có tác dụng về giao thông đường thủy, chở người, thóc lúa sản xuất được ngược lên để vào sông Vệ, thông thương đi nhiều nơi.
-
- Sở định
- Định đoạt, quyết định lấy.
-
- Sơn khê
- Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
-
- Trúc
- Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga đã thủ tiết chờ đợi Vân Tiên cả thảy sáu năm.
-
- Lụy
- Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Chuối ba hương
- Còn gọi là chuối bà hương, một loại chuối lùn, quả khi chín rất dễ rụng.
-
- Cót
- Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Mảng
- Mải, mê mải (từ cũ).
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Mõ
- Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Đỗ quyên
- Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.
-
- Cồng cộc
- Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.
-
- Le le
- Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.
-
- Chèo bẻo
- Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.
-
- Cò ma
- Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Đoái
- Nghĩ tới, nhớ tới.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Bá công bá nghệ
- Trăm thợ trăm nghề (thành ngữ Hán Việt).
-
- Tứ thứ tứ dân
- Bốn hạng dân trong xã hội ngày xưa, theo thứ tự từ cao đến thấp là: sĩ (người có học), nông (người làm nông), công (người làm các nghề thợ), thương (người buôn bán).
-
- Lương nhân
- Danh xưng phụ nữ gọi chồng (Hán Việt).
-
- Phụ nhơn nan hóa
- Đàn bà khó dạy. Cụm từ này ngày xưa hay được dùng để chê bai người phụ nữ.
-
- Lắng
- Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
-
- Chín chữ cù lao
- Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
-
- Tất niên
- Cuối năm (từ Hán Việt).
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Độc bình
- Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.
-
- Thư thư
- Thong thả, từ từ, không bức bách.
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Giang khúc
- Khúc sông quanh co.
-
- Con long
- Con rồng.
-
- Vụ năm
- Vụ lúa chiêm, gieo cấy vào cuối tháng mười âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng năm âm lịch.
-
- Vụ mười
- Vụ lúa mùa, gieo cấy vào cuối tháng năm âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch.
-
- Truân chuyên
- Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
-
- Dân họ
- Dân chúng.
-
- Quan viên
- Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
-
- Mực
- Mẫu mực, khuôn phép.
-
- Hội
- Lúc.
-
- Đồng điền
- Đồng ruộng.
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Đương
- Trọn vẹn, đầy đủ.
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Phép thường
- Quy định thông thường.
-
- Hỗ trợ
- Giúp đỡ lẫn nhau. Từ Hán Việt này được cấu thành từ hai chữ hỗ (lẫn nhau) và trợ (giúp đỡ). Hiện nay hỗ trợ thường được dùng với nghĩa "giúp đỡ" từ một phía (ví dụ: hỗ trợ học sinh học tập). Đây là một cách dùng sai.
-
- Lao đao
- Vất vả khó khăn từ nhiều phía.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Phủ Thừa Thiên
- Tên một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương thời nhà Nguyễn, bắt đầu dưới triều Minh Mạng, nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế với thủ phủ là thành phố Huế.
-
- Ai Lao
- Tên gọi cũ của nước Lào.
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Sông Thu Bồn
- Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.
-
- Sông Chợ Củi
- Sông thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi được đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.
-
- Ô Gia
- Tên một làng nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
-
- La Qua
- Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
-
- Tòa sứ
- Nơi ở và làm việc của một cơ quan ngoại giao ở nước khác.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Nông Sơn
- Tên một huyện của tỉnh Quảng Nam, trước đây là phía Tây của tỉnh Quế Sơn. Tại đây có mỏ than Nông Sơn, thuộc địa bàn xã Quế Trung.
-
- Bồng Miêu
- Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.
-
- Quế Sơn
- Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.
Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.
-
- Thanh Châu
- Tên một làng nay thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
-
- Thanh Hà
- Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.
-
- Che
- Dụng cụ để ép mía lấy nước đường nấu thành đường tán tại các lò mía đường. Trước đây che mía được người hoặc trâu kéo, sau này thì có nơi dùng máy móc. Theo tác giả Hoàng Sơn: “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật.”
-
- Đa Hòa
- Tên một tổng thuộc phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn, nay thuộc huyện Điện Bàn.
-
- Phú Bông
- Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Sa
- Vải dệt bằng tơ tằm, rất mỏng và thoáng.
-
- Kim Bồng
- Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).
-
- Ba kỳ
- Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).