Tìm kiếm "tháng tám"

  • Một yêu anh có Seiko

    Một yêu anh có Seiko
    Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
    Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
    Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô
    Năm yêu không có bà bô
    Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về
    Bảy yêu anh vững tay nghề
    Tám yêu sớm tối đi về có nhau
    Chín yêu gạo trắng phau phau
    Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày

    Dị bản

    • Một yêu anh có may ô
      Hai yêu anh có cá khô để dành
      Ba yêu rửa mặt bằng khăn
      Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa

  • Tau lắng nghe từ trước đến sau

    Tau lắng nghe từ trước đến sau
    Con nào phỉnh dỗ chồng tau thì chừa
    Tau đây không phải tay vừa
    Tau cạo trọc lóc, không chừa tóc con
    Mày đừng dỗ ngọt dỗ ngon
    Tiếng to tiếng nhỏ, không khôn chi mặt mày
    Mả cha tám kiếp con đĩ này
    Gọt đầu cắt tóc cho mày biết thân!

  • Dám khuyên khách ở trên đời

    Dám khuyên khách ở trên đời
    Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
    Ước gì gặp tiên trên trời
    Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
    Ước gì làm được quan cao
    Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
    Ước gì lắm bạc nhiều vàng
    Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
    Ước gì gặp hội rồng mây
    Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
    Ước gì trăm tám tuổi già
    Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
    Ước gì lắm rể nhiều dâu
    Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
    Ước gì được cả trăm đàng
    Như lan như huệ cùng chung một đoàn
    Ước gì như quạt như gương
    Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
    Ước cho có thủy có chung
    Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
    Thế là anh đã ước rồi
    Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng

  • Cái gì anh đổ vào bồ

    Cái gì anh đổ vào bồ?
    Cái gì róc vỏ phơi khô để dành?
    Cái gì anh thả vào xanh?
    Cái gì lắt lẻo trên cành tốt tươi?
    Cái gì đi chín về mười?
    Cái gì sống đủ trên đời được tám trăm năm?
    Cái gì chung chiếu chung chăn?
    Cái gì chung bóng ông trăng trên trời?
    Lúa khô anh đổ vào bồ
    Cau già róc vỏ phơi khô để dành
    Con cá anh thả vào xanh
    Bông hoa lắt lẻo trên cành tốt tươi
    Cái gì đi chín về mười
    Ông Bành Tổ sống đủ trên đời được tám trăm năm
    Vợ chồng chung chiếu chung chăn
    Đôi ta chung bóng ông trăng trên trời

  • Vè Cần vương

    Vâng lời troàn ngươn soái
    Mình đeo ấn Tổng nhung
    Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
    Mặt phải trái coi qua thời biết
    Mình là con trong đất Việt
    Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
    Mà ham di địch tước quyền
    Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
    Chớ bắt chước những loài quân dậu
    A dua hùa lưng lớn thờ chồn
    Đừng bày theo những đảng ác côn

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

  • Kể từ đồn Nhứt kể vô

    Kể từ đồn Nhứt kể vô,
    Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô, xuống Hàn
    Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang
    Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra
    Ngó lên chợ Tổng bao xa
    Bước qua Phú Thượng, Ðại La, Cồn Dầu
    Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu
    Ngó lên đường cái, thấy cầu Giáp Năm
    Bây chừ, thiếp viếng, chàng thăm
    Ở cho trọn nghĩa, cắn tăm nằm chờ.

  • Một yêu em béo như bồ

    Một yêu em béo như bồ
    Chân tay ngắn ngủn, đít to như giành
    Hai yêu mắt toét ba vành
    Đầu đuôi khoé mắt nhử xanh bám đầy
    Ba yêu tới cặp môi dày
    Mỗi khi ăn nói bắn đầy dãi ra
    Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa
    Lại thêm em có nước da mực Tàu
    Năm yêu mái tóc trên đầu
    Hôi như tổ cú, chấy bâu đầy đàn

  • Bồng bống bông

    Bồng bống bông,
    Màn Đổng Tử, gối Ôn Công,
    Lớn lên em phải ra công học hành,
    Làm trai gắng lấy chữ danh,
    Thi thư nếp cũ, trâm anh dấu nhà.
    Hỡi ha ha,
    Chị nay chút phận đàn bà,
    Tam tòng tứ đức, phận là nữ nhi.
    Mong em khôn lớn kịp thì,
    Năm xe lầu thuộc, sáu nghề tinh thông.
    Bồng bống bông,
    Anh tài ra sức vẫy vùng,
    Nữ nhi lại cũng bạn cùng bút nghiên.
    Cõi đời là cuộc đua chen,
    Anh hùng cũng thể, thuyền quyên cũng là.

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Ví dù theo lái xuống tàu

    Ví dù theo lái xuống tàu
    Thì em mới biết cá gầu có gai
    Con bơn, con nhệch là hai
    Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
    Kể rằng cá đuối bơi ngang
    Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
    Lại tăm con cá đuối sao
    Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
    Biển sâu lại có chướng ngầm
    Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
    Cá Ông thì ở bể xa
    Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
    Lần đầu xuống bến xuống thuyền
    Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
    Ví dù em có sang sông
    Thì em mới biết cá Ông chầu đền
    Kể từ mặt biển kể lên
    Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
    Cá he ngậm nước bao giờ
    Mà em dám nói đổ ngờ cá he
    Kể cả con cá mòi he
    Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
    Kể từ con cá chuồn hoa
    Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
    Kể từ con cá đối đen
    Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
    Dưới bể có cả đồi mồi
    Có con lợn bể nó bơi cả ngày
    Kể cả con cá mó tày
    Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
    Kể cả con mực, con nhưng
    Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
    Con mực nhuộm đục cả luồng
    Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
    Cá mập bơi lội vẫy vùng
    Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
    Kể từ cá mú, cá song
    Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
    Cá sông kể cũng rất tài
    Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
    Trở giời nó mới lượn lên
    Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
    Thì em mới biết nguồn cơn
    Thì em mới biết cá rô, trê đồng
    Bây giờ em chưa có chồng
    Làm gì em biết thuộc lòng cá chim?

  • Đi đâu đào liễu một mình

    Đi đâu đào liễu một mình
    Hai vai gánh nặng, nhật trình đường xa
    Áo nâu xếp ở trong nhà
    Khăn vuông nhiễu tím phất phơ đội đầu
    Yếm điều em vẫn còn mầu
    Răng đen da trắng mái đầu còn xanh
    Mà em ở vậy sao đành
    Sao em chẳng kiếm chút tình cùng ai
    Sách rằng xuân bất tái lai

    Dị bản

    • Đào liễu em ơi một mình
      Đôi vai gánh chữ chung tình đường xa
      Tấm áo nâu xếp nếp em để trong nhà
      Ba vuông khăn tím phất phơ em đội đầu
      Tấm yếm đào sao khéo giữ màu
      Răng đen rưng rức, mái đầu em hãy còn xanh
      Ấy thế mà sao em ở vậy cho nó đành
      Sao em chẳng kiếm chút chồng lành kẻo miệng thế mỉa mai?
      Sách có chữ rằng: Xuân bất tái lai

    Video

  • Sáng mai ăn một bụng cơm no

    Sáng mai ăn một bụng cơm no
    Xách cái rổ đi chợ bến đò
    Mua chín cái trách, xách chín cái lò
    Đem về:
    Cái kho canh ngò
    Cái kho canh cải
    Cái nấu nải chuối xanh
    Cái nấu canh rau má
    Cái nấu cá chim chim
    Cái kho rim thịt vịt
    Cái kho thịt con gà
    Cái kho cà, đu đủ
    Cái kho củ môn tây
    Trời chiều bóng xế trăng xây
    Ham chơi lê lựu, bỏ chín cái trách này quên nêm

    Dị bản

    • Tay em cầm mớ trách đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim trứng vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà, thù đủ
      Chín cái kho củ môn tây
      Em theo anh cho đến đoạn này
      Tay chân đà bải hoải, chín cái trách này quên nêm .

  • Chén son để cạnh mạn thuyền

    Chén son để cạnh mạn thuyền
    Chén son chưa cạn, lời nguyền chưa phai
    Em thương nhớ ai
    Nhớ ai ra đứng đầu cầu?
    Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
    Cái sập đá huê bỏ vắng không ai ngồi
    Buồng hương bỏ vắng, mướn người quay tơ
    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Đêm khuya thức ngủ, ngày thưa tiếng cười?

  • Thuyền ai ba bốn chiếc nghinh ngang

    Thuyền ai ba bốn chiếc nghinh ngang
    Chiếc nào chưa vợ để thế gian đi nhờ?
    Để làm chi lững đững lờ đờ
    Kẻ đi không dứt, người ngồi chờ căn duyên
    Gá lời kêu chàng ở dưới thuyền
    Đưa em qua đó, hết nhiêu tiền trả cho!
    Làm người đừng có so đo
    Ta chưa trốn chợ lật đò mấy khi
    Chèo thuyền ra rước mau đi
    Kẻo mà thục nữ chờ lâu mất lòng
    – Thuyền anh ba bốn chiếc bộn bề
    Chiếc vô Gia Định, chiếc về Nha Trang
    Còn dư một chiếc đưa nàng
    Em ơi bước xuống để chàng đưa qua
    Đưa em về tới quê nhà
    Chữ ân là nặng, còn là chữ duyên

Chú thích

  1. Seiko
    Ta đọc là Xen-cô, một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Nhật.

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

  2. Peugeot
    Đọc là pơ-giô, cũng gọi là , một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).

    Một chiếc xe đạp Peugeot

    Một chiếc xe đạp Peugeot

  3. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  4. Ông bô, bà bô
    Tiếng lóng của miền Bắc, chỉ bố mẹ.
  5. May ô
    Áo thun ba lỗ (một lỗ chui đầu và hai lỗ ống tay). Từ này có gốc từ tiếng Pháp maillot.
  6. Phương
    Hình vuông.
  7. Tượng
    Giống, tương tự.
  8. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  9. Hiếu
    Lòng biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ (từ Hán Việt).
  10. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  11. Lưu Nguyễn
    Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
  12. Ghe giã
    Tên một loại ghe cổ, nay vẫn còn gặp ở các tỉnh miền Trung.
  13. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  14. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  15. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  16. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  17. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  19. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  20. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  21. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  22. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  23. Troàn
    Truyền.
  24. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  26. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  27. Sanh sản
    Sinh sản.
  28. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  29. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  30. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  31. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  32. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  33. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  34. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  35. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  36. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Đồn Nhứt
    Tên một cái chòi canh trên đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, trong đó có một tháp canh rất cao. Khi quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này và gọi là "Đồn Nhứt." Hiện ở đây vẫn còn di tích tháp canh này.

    Di tích đồn Nhất

    Di tích đồn Nhứt

  38. Liên Chiểu
    Tên một quận, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân thuộc quận này.
  39. Thủy Tú
    Tên một ngôi làng thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
  40. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  41. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  42. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  43. Quán Cái
    Còn gọi là Quảng Cái, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nơi có chợ Quán Cái và nghề chạm khắc đá nổi tiếng.
  44. Mân Quang
    Tên gốc là Mân Quan, nay thuộc phường Thọ Quan, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  45. Miếu Bông
    Một địa danh nay thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
  46. Cẩm Lệ
    Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ

    Thuốc lá Cẩm Lệ

  47. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  48. Chợ Tổng
    Gốc là chợ Củi, một ngôi chợ trù phú nằm gần bến sông và phủ lị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào cuối thế kỉ 19. Sau cách mạng tháng Tám, chiến tranh bùng nổ, chợ vẫn hoạt động nhưng khách vãng lai thưa dần vì cơ quan hành chính dời về Vĩnh Điện. Đến năm 1948 giặc Pháp lập đồn Cầu Mống, nới rộng vòng đai bảo vệ, chợ Củi bị giải toả và chuyển về Ngã Tư Quốc lộ - tỉnh lộ đi Hội An gọi là chợ Tổng (Tổng An Nhơn) gần khu Văn Thánh. Chợ bấy giờ là nơi buôn bán của dân chúng các làng An Nhơn, Thanh Chiêm, Uất Lũy, Phước Kiều, An Quán (các xã Điện Minh, Điện Phương bây giờ). Hàng rau tươi từ Trung Phú gánh đến bán cũng như tôm cá do vạn ghe An Nhơn, Cầu Mống mua về từ cửa Đại. Đến năm 1954, đường thuỷ sông Thu Bồn thuận tiện cho việc đối lưu hàng hoá dưới biển trên nguồn, Cầu Mống có bến ghe tập trung tạo nên một khu chợ mới. Chợ Cầu Mống hình thành, Chợ Tổng dần vắng khách. Đến năm 1977 chợ Tổng bị giải tỏa.
  49. Phú Thượng
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
  50. Đại La
    Một địa danh nằm giữa phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang - Đà Nẵng).
  51. Cồn Dầu
    Một địa danh ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với giáo xứ Cồn Dầu.
  52. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  53. Chợ Vải
    Một ngôi chợ chuyên bán vải nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Vải ở Hội An

    Chợ Vải ở Hội An

  54. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  55. Giáp Năm
    Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  56. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  57. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  58. Ba vành
    Hiện tượng mắt bị gió cát làm cho toét, tạo thành ba vạnh.
  59. Dử
    Gỉ mắt (có nơi gọi là nhử). Miền Trung và miền Nam gọi là ghèn.
  60. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  61. Đổng Tử
    Tức Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN) một học giả đời Tây Hán bên Trung Quốc. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng chăm chỉ học tập, từng ba năm liên tục buông màn để đọc sách, mắt không liếc ra ngoài. Ông có công đưa đạo Nho trở thành hệ tư tưởng học thuật thống trị ở Trung Quốc.
  62. Ôn Công
    Tên hiệu Tư Mã Quang, một viên thừa tướng đời Tống, bên Trung Quốc, nổi tiếng ham đọc sách. Điển tích kể lại khi đọc sách, Ôn Công chọn dựa mình vào gối tròn để khi ngủ gục, gối lăn, lại tỉnh dậy đọc. Từ đó, "gối Ôn Công" thường là được dùng chỉ về nết học hành chăm chỉ.
  63. Thi thư
    Chỉ sách vở, kinh điển Nho giáo nói chung. Kinh Thi và kinh Thư là hai bộ sách đầu tiên trong Ngũ kinh, năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.
  64. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  65. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  66. Tứ đức
    Cùng với "tam tòng", là những quy định xuất phát từ Nho giáo mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Tứ đức bao gồm:

    - Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo.
    Dung: Dáng người phải gọn gàng, dễ coi
    Ngôn: Ăn nói phải dịu dàng, khoan thai, mềm mỏng
    Hạnh: Tính nết phải hiền thảo, nết na, chín chắn.

  67. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  68. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  69. Lục nghệ
    Tức "sáu nghề" (từ Hán Việt), là những kĩ năng được xem là nhất thiết phải có đối với đàn ông trong xã hội phong kiến cũ, lấy từ quan niệm của Nho giáo.

    Sáu nghề đó là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số - nghĩa là: lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ và tính toán.

  70. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  71. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  72. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  73. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  74. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  75. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  76. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  77. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  78. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  79. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  80. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  81. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  82. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  83. Cá mú
    Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…

    Cá mú đỏ

    Cá mú đỏ

  84. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  85. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  86. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  87. Ghẹ
    Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.

    Con ghẹ

    Con ghẹ

  88. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  89. Cá ngần
    Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…

    Cá ngần

    Cá ngần

  90. Cá Ông
    Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

  91. Lưỡng long chầu nguyệt
    Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.

    Lưỡng long chầu nguyệt

    Lưỡng long chầu nguyệt

  92. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  93. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  94. Cá nhụ
    Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  95. Cá đé
    Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.

    Cá đé

    Cá đé

  96. Cá vược
    Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.

    Cá vược nuôi

    Cá vược nuôi

  97. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  98. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  99. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  100. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  101. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  102. Lợn biển
    Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.

    Lợn biển

    Lợn biển

  103. Cá mó
    Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.

    Cá mó

    Cá mó

  104. Nhưng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  105. Cá nhung
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  106. Cá cúng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  107. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  108. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  109. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  110. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  111. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  112. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  113. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  114. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  115. Vợ lẽ
    Vợ hai, vợ thứ.
  116. Cám
    Một loại cây lớn cho quả có nhân cứng bằng ngón chân cái, phiến lá đầy lông vàng mình như cám. Quả cám non và hạt ăn được.
  117. Tân Hội
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
  118. An Hội
    Địa danh trước đây là một xã thuộc quận Trúc Giang, nay thuộc địa phận tỉnh Bến Tre.
  119. Vĩnh Thạnh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Vĩnh Thạnh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  120. Nhật trình
    Hành trình trong một ngày, khoảng cách đi được trong một ngày.

    Vài ngày huyện vụ giao xong,
    Ra thành lên kiệu, thẳng giong nhật trình.

    (Nhị Độ Mai)

  121. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  122. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  123. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  124. Xuân bất tái lai
    Tuổi trẻ không quay trở lại.
  125. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  126. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  127. Thế
    Đời, thế gian (từ Hán Việt).

    Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
    Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  128. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  129. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  130. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  131. Môn tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Môn tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  132. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  133. Một, hai... ở đây là cách đếm thứ tự (cái thứ nhất, cái thứ hai...) chứ không phải là số lượng.
  134. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  135. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  136. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  137. Có bản chép: Hoa.
  138. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  139. Nguyệt Viên
    Tên một ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Mã, thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nguyệt Viên từ xưa nổi tiếng là đất hiếu học, được gọi là "làng khoa bảng," "làng đại khoa." Nhiều trò chơi dân gian như kéo hẹ, múa tú huần, ném vòng đầu vịt... vẫn được lưu giữ và biểu diễn ở các hội làng mỗi dịp đầu xuân.
  140. Có bản chép: Lại có sông liền tắm mát nghỉ ngơi.
  141. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  142. Hoài
    Uổng phí, mất đi một cách hoàn toàn vô ích do đem dùng vào việc không đáng hoặc không mang lại một kết quả nào cả.
  143. Bưng Bạc
    Tên một làng thuộc huyện Long Ðất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nay là di chỉ khảo cổ có niên đại thuộc khoảng thời gian cách đây trên dưới 2500 năm (giữa thiên niên kỷ I trước Công Nguyên).
  144. Sình
    Bùn lầy (phương ngữ Nam Bộ).
  145. Bàu Thành
    Tên một bàu nước lớn hình chữ nhật (dài 450m, rộng 250m), thuộc thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn có tên là Bàu Voi Tắm, nay là di chỉ khảo cổ.

    Bàu Thành

    Bàu Thành

  146. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  147. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  148. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  149. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  150. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang