Tìm kiếm "kỳ hạn"

  • Trực nhìn đầu non hoa nở

    Trực nhìn đầu non hoa nở
    Cảm thương mụ vợ không con
    Cớ mần răng khô héo hao mòn
    Sợ e thác nhục, xương còn bọc da
    Ra đường thấy vợ người ta
    Mập mịa chắc chắn, vợ nhà khô khan
    Đêm nằm tôi thở, tôi than
    Cầu trời, khấn Phật cho nàng sinh thai
    Bất kỳ con gái, con trai
    Sanh đặng một chút hôm mai thỏa lòng
    Vợ chồng tôi cui cút một mình
    Không con có của, để dành ai ăn?
    Vừa may sinh đặng một thằng

  • Chàng cưới thiếp bạc nén, vàng thoi

    Chàng cưới thiếp bạc nén, vàng thoi
    Chàng về lựa họ cho hẳn cho hòi
    Đàn ông đội nón Gò Găng quai tả
    Đàn bà nón thượng quai liền
    Con trai đi hậu vác tiền
    Mặc áo màu huyền, bịt khăn nhiễu lượt
    Võng chàng đi trước, võng thiếp theo sau
    Thiên hạ ngó vô: Đám cưới nhà giàu!
    Sui gia cũng xứng, kép đào cũng xinh

  • Nàng khoe tam cúc nàng cao

    Nàng khoe tam cúc nàng cao,
    Nên tôi hân hạnh được vào dự chơi.
    Ba cô ngồi ở ba nơi,
    Với tôi là bốn, đều ngồi khang trang.
    Thoạt đầu đảo đảo, trang trang,
    Bắt cái tam tịnh cái nàng gần tôi.
    Sau khi bài đã chia rồi,
    Mỗi người có tám cây bài trên tay.
    Cầm bài tôi liếc thấy ngay,
    Có hai tốt đỏ lại vầy tốt đen.
    Kế đến là đôi xe đen,
    Bộ ba tướng trắng còn kèm trên tay.
    Bài tốt tôi giục gọi ngay,
    Cô nàng gọi “một” đánh ngay sĩ điều.
    Được rồi nàng gọi tiếp “đôi,”
    Đánh đôi mã đỏ rồi ngồi đợi xem.
    Lá này tôi ra xe đen,
    Bắt đôi mã đỏ làm nàng xuýt xoa.
    Được rồi tôi mới gọi “ba,”
    Tướng sĩ tượng đỏ nàng ra bắt liền.
    Bắt rồi hạ kết tốt đen,
    Cả làng xúm lại để xem bài này.
    Trách em bé, đứng cạnh tay,
    Tánh nết nhanh nhảu, nói ngay một lời.
    Sao bác dại thế bác ơi,
    Có đôi tốt đỏ toan chui không đè.
    Không dè, làng cũng không nghe,
    Nàng đành phải chịu tôi đè tốt đen.
    Bây giờ sự đã quả nhiên,
    Nàng đành móc túi, xỉa tiền ra chung.

  • Anh là con trai nhà nghèo

    Anh là con trai nhà nghèo
    Nàng mà thách thế anh liều anh lo
    Cưới em anh nghĩ cũng lo
    Con lợn chẳng có, con bò thì không
    Tiền gạo chẳng có một đồng
    Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
    Sớm mai sang hiệu cầm khăn
    Cầm được đồng bạc để dành cưới em

  • Giấn vốn chỉ có ba đồng

    Giấn vốn chỉ có ba đồng
    Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi
    Còn thừa mua cái bình vôi
    Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
    Còn thừa mua nhiễu quấn khăn
    Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
    Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
    Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi
    Còn thờ mua khám thờ trời
    Mua tranh sơn thủy treo chơi đầu thuyền

    Dị bản

    • Lưng vốn chỉ có mười đồng
      Phần để nuôi chồng, phần để nuôi tôi
      Còn thừa mua cái bình vôi
      Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
      Còn thừa mua nhiễu vấn khăn
      Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
      Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
      Đem ra cửa bể cho chồng chèo chơi
      Để chàng tùy thích, thảnh thơi
      Danh lam thắng cảnh, ngược xuôi mặc lòng

  • Cầm vàng mà lội qua sông

    Cầm vàng mà lội qua sông
    Vàng rơi không tiếc tiếc công đợi chờ
    Chờ em chờ mận chờ mơ
    Chờ hết mùa mận chờ qua mùa đào
    Chờ em cho tuổi anh cao
    Cho duyên anh nhạt, má đào em phai
    Chờ em anh chẳng lấy ai
    Khăng khăng chí quyết một hai đợi chờ!

    Dị bản

    • Chờ anh bơ tuổi em cao
      Bơ duyên em lợt bơ má hồng đào em phai

  • Con chim xanh đậu nhành đu đủ

    Con chim xanh đậu nhành đu đủ
    Nhắc dân làng nhiệm vụ hộ đê
    Quản chi công việc nặng nề
    Cốt sao bảo vệ được đê vững vàng
    Hộ đê, có tổng, có làng
    Hộ đê đâu phải một làng mà thôi
    Dù mưa dù nắng mặc trời
    Làng trên xóm dưới người người quyết tâm
    Khó khăn cũng phải dấn thân
    Lo xong bổn phận công dân mỗi người

  • Vè con gái làng Sấu

    Con gái làng Sấu
    Hay cấu hay cào
    Cấu ra bờ rào
    Cấu vào chuồng lợn
    Nào ai có tợn
    Lấy gái làng này?
    Nó vác cả cày
    Ra đồng nó cấu
    Nó vác cả đấu
    Ra đồng nó đong
    Nó vác cả nong
    Ra đồng nó quạt
    Nó vác cả tháp
    Ra đồng nó xây
    Nó gói cả mây
    Bỏ trong giỏ nó
    Nó thắt khăn đỏ
    Nó múa gươm thần

  • Lệ tuôn sầu thảm mong ai

    Lệ tuôn sầu thảm mong ai,
    Bạn vàng khi vắng hôm mai đợi chờ.
    Bức rèm gió thổi phất phơ,
    Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.
    Đêm đông vuốt bụng thở dài,
    Nhớ người bạn cũ lệ dài thấm khăn.
    Nhớ ai luống những băn khoăn,
    Nhớ ai biết những mấy năm đợi chờ.

  • Đồn em hay truyện Thúy Kiều

    Đồn em hay truyện Thúy Kiều
    Lại đây mà giảng mấy điều cho minh
    Vì đâu Kiều gặp Kim sinh?
    Vì đâu Kiều phải bán mình chuộc cha?
    Vì đâu Kiều phải đi xa?
    Vì đâu Kiều phải vào nhà lầu xanh?
    Hoa trôi bèo dạt đã đành
    Vì đâu mắc phải Sở Khanh nói lừa?
    Vì đâu kết tóc xe tơ?
    Vì đâu Kiều phải lên chùa làm sư?
    Vì đâu Kiều gặp họ Từ?
    Báo ân báo oán trả thù sạch không?
    Vì đâu Kiều bị mất chồng?
    Vì đâu Kiều phải xuống sông Tiền Đường?
    Bao nhiêu nghĩa thảm, tình thương
    Em ơi giảng hết mọi đường anh nghe

  • Vè Tết

    Hạ lợi bước qua
    Chánh ngày hăm ba
    Lễ đưa ông Táo
    Hai là lễ đáo
    Tảo mộ ông bà
    Cổ tích bày ra
    Truyền cho con cháu
    Từ ngày hăm sáu
    Dĩ chí ba mươi
    Cá thịt tốt tươi
    Ông bà tiếp rước
    Phải dùng cây trước
    Lấy nó làm nêu
    Thiên hạ cũng đều
    Lo chưng đồ đạc

  • Đêm qua trăng sáng mập mờ

    Đêm qua trăng sáng mập mờ
    Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
    Vào vườn trẩy quả cau xanh
    Bổ ra làm sáu trình anh xơi trầu
    Trầu này têm những vôi tàu
    Ở giữa đệm quế, đôi đầu thơm cay
    Mời anh xơi miếng trầu này
    Dù mặn dù nhạt, dù cay dù nồng
    Dù chẳng nên đạo vợ chồng
    Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
    Cầm lược lại nhớ tới gương
    Cầm khăn nhớ túi, nằm giường nhớ nhau

    Dị bản

    • Sáng trăng, sáng tỏ mập mờ,
      Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
      Vô vườn bẻ trái cau xanh
      Bửa làm sáu miếng mời anh ăn trầu
      Trầu em trầu thảm trầu sầu,
      Ở giữa thì quế, hai đầu sâm nhung

    • Sớm mai gánh nước mờ mờ
      Đi qua ngõ giữa tình cờ gặp anh
      Vào vườn hái quả cau xanh
      Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
      Trầu nầy ăn thật là cay
      Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
      Dù chẳng nên vợ nên chồng
      Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
      Cầm lược thì nhớ tới gương
      Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau

  • Duyên ta là ngãi tình cờ

    Duyên ta là ngãi tình cờ
    Bấy lâu luống những ngẩn ngơ chờ chàng
    Gặp nhau đây đá thử vàng
    Miếng trầu thết đãi dạ mang chữ tình
    Tương tư buồn bực trong mình
    Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười
    Quên sầu thiếp gượng làm tươi
    Đồ huê nguyệt sợ miệng cười thế gian
    Trốn cha trốn mẹ theo chàng
    Vì chàng nên thiếp lạc ngàn lên đây
    Đến đây thiếp ở lại đây
    Bao giờ quế mọc xanh cây mới về
    Đã đành nên thiếp nên thê
    Nên khăn nên gối không vê cũng tròn
    Non mòn nhưng nghĩa không mòn…

  • Tính về trình với mẹ cha

    Tính về trình với mẹ cha
    Phận tính là gái như hoa giữa đường
    Tình trông thấy tính cũng thương
    Tình về thu xếp quê hương cửa nhà
    Tình về trình với mẹ cha
    Rằng tình gặp khách đường xa quê người
    Hồng nhan tình chín, tính mười
    Muốn cho tình tính kết đôi giao hòa

  • Khó thay công việc nhà quê

    Khó thay công việc nhà quê
    Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
    Tháng chạp thì mắc trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ ruộng ra
    Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
    Tháng năm gặt hái vừa rồi
    Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
    Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
    Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
    Tháng sáu tháng bảy khi vừa
    Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
    Tháng tám lúa giỗ đã đành
    Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
    Khó khăn làm mấy tháng trời
    Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
    Cắt rồi nộp thuế nhà công
    Từ rày mới được yên lòng ấm no.

  • Năm ngoái lên ngọn sông Ngâu

    Năm ngoái lên ngọn sông Ngâu
    Dầm sương dãi nắng chẳng tìm đâu bằng nàng
    Năm nay anh về, lắm bạc nhiều vàng
    Ðể anh sắm sửa thời nàng lấy anh
    Lấy anh, anh sắm sửa cho
    Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời
    Khuyên em có bấy nhiêu lời
    Thủy chung như nhất là người phải nghe
    Mùa đông lụa lụa the the
    Mùa hè bán bạc hoa xòe sắm khăn
    Sắm gối thì phải sắm chăn
    Sắm gương, sắm lược, sắm ngăn đựng trầu
    Sắm cho em đôi lược chải đầu
    Cái ống đựng sáp, vuốt đầu cho xinh

  • Trầu này trầu quế trầu hồi

    Trầu này trầu quế trầu hồi
    Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
    Trầu này trầu tính trầu tình
    Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình lấy ta
    Trầu này têm tối hôm qua
    Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng
    Trầu này không phải trầu hàng
    Không bùa không thuốc sao chàng không ăn?
    Hay là chê khó chê khăn?
    Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu

  • Cái quạt mười tám cái nan

    Cái quạt mười tám cái nan,
    Ở giữa phết giấy, hai nan hai đầu.
    Quạt này anh để che đầu,
    Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.
    Ước gì chung mẹ chung thầy,
    Để em giữ cái quạt này làm thân!
    Rồi ta chung gối, chung chăn,
    Chung quần chung áo, chung khăn đội đầu.
    Nằm thời chung cái giường Tàu,
    Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi.
    Ăn cơm chung cả một nồi,
    Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa.
    Chải đầu chung cả lược ngà,
    Soi gương chung cả nhành hoa giắt đầu.

  • Nghĩ rằng em đã có chồng rồi

    Nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
    Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
    – Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán con chi!
    Mười lăm mười tám, sao chẳng cho đi lấy chồng?
    Ôi ông trời ơi, ông ở bất công,
    Người ta có cả, sao tôi không có gì?
    Một mai quá lứa, nhỡ thì,
    Tuổi già kéo đến còn gì là xuân!
    Đêm nằm vuốt bụng khấn thầm,
    Xin ông thí bỏ một chồng cho xong.
    Rồi tôi sẽ tạ ơn ông,
    Con bò to béo, cho xứng với anh chồng béo to!

    Dị bản

    • Anh nghĩ rằng em đã có chồng rồi,
      Sao em chưa có, đứng ngồi vân vi?
      – Ôi thầy mẹ ơi, cấm đoán em chi!
      Mười lăm mười tám, sao chưa cho đi lấy chồng?
      Ới ông trời ơi, sao ông ở không công?
      Người ta có cả, sao tôi không có gì?
      Duyên em đã lỡ, em trách ông Tơ Hồng sao ông khéo trêu ngươi
      Cứ đêm đêm tôi nằm, tôi vuốt bụng, tôi gọi Trời,
      Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng.
      Tôi về làm lễ tế ông,
      Mổ con bò béo, ông cho tôi lấy anh chồng cho nó to,
      Bõ công ôi đi mượn chú lái mổ bò. 

Chú thích

  1. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  2. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  3. Ba Rền
    Tên một dãy núi thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.
  4. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Họ
    Những người thuộc đàng trai (hoặc đàng gái) trong đám cưới. Cũng gọi là họ nhà trai, họ nhà gái.
  7. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  8. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  9. Huyền
    Màu đen (từ Hán Việt).
  10. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  11. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  12. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Đào, kép
    Vai diễn trong một vở tuồng, chèo, cải lương... Đào là vai nữ, kép là vai nam. Cô dâu, chú rể trong đám cưới đôi khi cũng gọi là đào kép.

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

  14. Tam cúc
    Một trò chơi bài lá dân gian từng rất phổ ở miền Bắc, thường được chơi trong những khi rỗi rãi hoặc các dịp lễ tết. Bộ bài tam cúc có 32 lá với các quân tương tự như cờ tướng, chia làm hai loại là đỏ và đen. Xem thêm Cách chơi tam cúc.

    Bộ bài tam cúc

    Bộ bài tam cúc

  15. Hàng xứ
    Người ở nơi khác, xa lạ, không quen biết.
  16. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  17. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  18. Giấn
    Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
  19. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  20. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  21. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  22. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  23. Khám
    Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.

    Khám thờ

    Khám thờ

  24. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  25. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  26. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  27. Rồi thì.
  28. Lợt
    Lạt, nhạt.
  29. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  30. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  31. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  32. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  33. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  34. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  35. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  36. Minh
    Sáng suốt (từ Hán Việt).
  37. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  38. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  39. Kim Trọng là một thư sinh nên còn được gọi là Kim sinh.
  40. Lầu xanh
    Từ chữ thanh lâu, chỉ nhà thổ, nơi gái điếm hành nghề. Ở Trung Hoa ngày trước, nhà thổ thường sơn màu xanh nên gọi như vậy.
  41. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  42. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  43. Từ Hải
    Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:

    Trơ như đá, vững như đồng,
    Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

  44. Tiền Đường
    Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
  45. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  46. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  47. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  48. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  49. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  50. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  51. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  52. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  53. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  54. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  55. Bửa
    Bổ (phương ngữ miền Trung).
  56. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  57. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  58. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  59. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  60. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  61. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  62. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  63. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  64. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  65. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  66. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  67. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  68. Quế, hồi là những loài cây quý hiếm. Loan, phượng là những con vật thiêng, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Ở đây ý nói sự tương kính, luyến ái giữa đôi trai gái mời trầu nhau. (Trầu quế cũng là tên một loại trầu ở nước ta.)
  69. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  70. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  71. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  72. Thân
    Thân thiết, gần gũi.
  73. Giường Tàu
    Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
  74. Hộp trầu
    Hộp đựng trầu cau.

    Hộp trầu.

    Hộp trầu.

  75. Dầu hồi
    Dầu ép từ quả hồi, dùng bôi tóc để dưỡng tóc.

    Quả hồi.

    Quả hồi.

  76. Nước hoa
    Nước nấu với hoa để gội đầu cho thơm.
  77. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  78. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt