Tìm kiếm "nguyệt"

  • Kể từ ngày xa cách người thương

    Kể từ ngày xa cách người thương
    Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
    Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
    Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
    Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
    Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
    Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
    Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
    Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
    Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
    Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
    Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
    Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
    Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình.

  • Anh về đào lỗ sau hè

    – Anh về đào lỗ sau hè
    Chôn con giết vợ mới ve được nàng
    – Em không ưng thời chớ
    Em không thương không nhớ thời thôi
    Em biểu chôn con giết vợ
    Anh đứng ngồi với ai
    Ví dầu áo rách còn một chéo vai
    Bần cùng đi nữa anh không sai lời nguyền
    Em đừng ham đồng bạc đồng tiền
    Xui chôn giết vợ thêm phiền lòng anh
    Em còn tuổi trẻ đầu xanh
    Đừng bày chuyện ác, ông trời hành khổ thân

  • Tóc mai đã lỗi câu thề

    Tóc mai đã lỗi câu thề
    Nâng niu thằng Chệch, tứ bề sọ không
    Trên đầu nó vấn đuôi nhồng
    Hàm răng trắng nhẻ, miệng không ăn trầu
    Gẫm trông thằng Chệch thêm rầu
    Có một cái đầu chẳng để cho nguyên
    Tóc ra thì nó cạo liền
    Mua chỉ nó gióc cho liền ống chân
    Bận quần chẳng có dây lưng
    Bận áo nửa chừng, lủng lẳng dái trâu
    Còn thương thằng Chệch vì đâu
    Càng ngày càng chán, càng lâu càng buồn

  • Tôi đây khách lạ xa đàng

    Tôi đây khách lạ xa đàng
    Tới đây hát đối biết nàng ở Dùi Chiêng
    Mai ngày tôi trở lại Bình Yên
    Thương mấy cô ở lại có chiêng mà không dùi
    Về nhà lòng những ngậm ngùi
    Nghĩ thương thân phận có dùi mà không chiêng
    Trăm lạy ông trời cho tôi trở lại chốn đào nguyên
    Để có ta, có bạn, có chiêng, có dùi.

    Dị bản

    • Như tôi đây là khách qua đường
      Đến đây ông Bá Doãn bắt tôi hát với mấy nường Dùi Chiêng
      Ngày mai đây tôi trở gót Bình Yên
      Các cô ở lại có chiêng không dùi
      Còn tôi lòng dạ bùi ngùi
      Đêm nằm trơ trọi chỉ có dùi không chiêng
      Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
      Có ta có bạn có chiêng có dùi.

  • Một mừng Tần Tấn gặp nhau

    Một mừng Tần Tấn gặp nhau,
    Hai mừng ngỏ ý Trần Châu một nhà
    Ba mừng vui vẻ giao hòa
    Bốn mừng đây đó trước xa sau gần
    Năm mừng đi lại ân cần
    Sáu mừng không để đêm xuân mơ màng
    Bảy mừng nên đạo cương thường
    Tám mừng giải tỏ lời nguyền thề chung
    Chín mừng tiếp khách non bồng,
    Mười mừng kết nghĩa loan phòng từ đây

  • Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận

    – Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
    Hỏi đó một lời cho tận nhơn tâm
    – Hễ gặp tri âm dẫu nói cả năm anh không mỏi,
    Vậy chớ con bạn mình muốn hỏi sự chi?
    – Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
    Anh ôi, vậy chớ người Tây sao sướng hẳn hòi,
    An nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
    – Người có vinh có nhục, cũng như nước có đục có trong,
    Bởi vì mình ít có đồng lòng,
    Không lo học giỏi cho ròng như Tây
    – À há? Thật họ hay, nên làm thầy mình chịu dở,
    Mình chẳng lo mình, mấy thuở được nên?
    – Phận em là gái còn phải trái xét nhằm,
    Huống gì nam tử cam tâm
    Nếu không lo học tập, hổ thầm phận trai.

  • Khăn anh nàng lấy vá vai

    Khăn anh nàng lấy vá vai
    Bây giờ nàng đã nghe ai dỗ dành?
    Chẳng nên, tháo chỉ lấy mụn trả anh
    Để anh đem bán lấy hai trăm vàng
    Một trăm anh đưa cho nàng
    Còn một trăm nữa để quàng cây đa
    Chứ em không nhớ lời thề nguyện với ta
    Sông có Nhị Hà, núi có Tản Viên
    Bây giờ nàng ở thế sao nên?
    Tôi khấn Nam Tào, Bắc Đẩu biên tên rành rành
    Đã yêu anh, thời quyết với anh
    Nhà tre, rui nứa , lợp tranh vững vàng
    Chớ tham nhà gỗ bức bàn
    Gỗ lim chẳng có, làm xoàng gỗ vông
    Chỉ nhọc mình thôi lại luống công
    Ðến khi gỗ mục, lại nằm nhà tre
    Còn duyên anh bảo chẳng nghe!

  • Anh đứng ở Nha Trang

    Anh đứng ở Nha Trang
    Trông sang xóm Bóng
    Ánh trăng lờ mờ, lượn sóng lăn tăn
    Gần nhau chưa kịp nói năng
    Bây giờ sông cách, biển ngăn ngại ngùng!
    Biển sâu con cá vẫy vùng
    Sông sâu không dễ mượn dòng đưa thư
    Anh nguyền cùng em:
    Bao giờ Hòn Chữ bẻ tư
    Biển Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em

  • Ngó lên đám đất thổ

    Ngó lên đám đất thổ
    Thấy bầy chim đỗ
    Một con mổ
    Chín mười con bay
    Em thương anh từ chín tháng nay
    Còn ba tháng nữa thì đầy một năm
    Buồn sao buồn tối buồn tăm
    Buồn ăn không đặng, buồn nằm không yên
    Ví dù cha dứt mẹ riềng
    Khổ em em chịu, em cũng nguyền theo anh.

  • Trách thân mà lại giận trời

    Trách thân mà lại giận trời,
    Trách chàng quân tử ở ra người thờ ơ.
    Phòng không để thiếp đợi chờ,
    Năm canh vò võ những là thở than.
    Nào khi họp mặt chén vàng,
    Non nguyền biển hẹn tưởng chàng chẳng quên.
    Ai ngờ ra dạ bạc đen,
    Say bên nhan sắc bỏ bên ngãi tình.
    Để cho em vò võ một mình,
    Tương tư khắc khoải, bệnh thất tình đầy vơi.
    Trách thân mà lại giận trời.

  • Gặp mặt em lúc đêm thanh trăng tỏ

    – Gặp mặt em lúc đêm thanh trăng tỏ
    Hát hò chơi cho rõ nhân tình
    Phòng loan thục nữ một mình
    Hay là đã kết duyên tình cùng ai?
    – Vẳng nghe ai hát, lòng em bát ngát thêm phiền,
    Cô phòng còn giữ dạ thuyền quyên
    Chờ người nhơn nghĩa, em nguyền trao thân

  • Nhớ khi rửa bát cầu ao

    Nhớ khi rửa bát cầu ao,
    Ta cầm nắm đũa ta trao cho mình.
    Nhớ khi ngồi quán, ngồi đình,
    Ngồi phủ, ngồi huyện có mình, có ta.
    Nhớ khi ngồi gốc cây đa,
    Vặt nắm cỏ gà thề nguyện chỉ thiên.
    Nhớ khi chiếc đũa, đồng tiền,
    Bẻ tam, bẻ tứ kết nguyền cùng nhau.
    Nhớ khi mình trước, ta sau,
    Có một miếng trầu cũng xẻ làm hai.
    Bây giờ mình đã nghe ai,
    Đi qua ghé nón chạm vai không chào.
    Một là vô ý không chào,
    Hai là mình có nơi nào mình quên.

  • Mở lời chào gió, chào trăng

    – Mở lời chào gió, chào trăng
    Chào quanh Núi Chúa, chào băng Sông Trà
    Mở lời chào chị em ta
    Bên hữu đàn bà bên tả đàn ông
    Mở lời chào gái nữ công
    Chào trai tiết hạnh giữa đám đông hội này
    – Khoan khoan bớ bạn khoan chào
    Lại đây ta hỏi người nào biết ta
    Từ khi cha mẹ sinh ra
    Tự lớn chí nhỏ, bạn ta mấy lần
    Xưng rằng bạn cựu bạn tân
    Lại đây ta hỏi mới giao lân kết nguyền

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Gặp nàng anh nắm cổ tay

    Gặp nàng anh nắm cổ tay
    Anh yêu vì nết, anh say vì tình
    Thiên hạ lắm kẻ giàu, xinh
    Nhưng duyên chẳng thuận, nhưng tình chẳng ưa
    Đấy đây xứng đáng cũng vừa
    Xin đừng kén chọn lọc lừa nơi nao
    Mỗi năm tuổi mẹ càng cao
    Thấy em lơ lửng ra vào, anh thương
    Mỗi người nay ở mỗi phương
    Mỗi nhà mỗi việc nhiều đường thanh vân
    Xin đem chỉ Tấn, tơ Tần
    Kết nguyền loan phượng một lần tào khang

  • Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
    Nội Nam Kì lục tỉnh có mấy cây cầu, anh biết không?
    – Thấy em hỏi tức, anh đáp phứt cho thông
    Nội Nam Kì lục tỉnh, có bảy cây cầu:
    Cầu Phú, cầu Quới, cầu Ninh, cầu Lợi, cầu Tiền
    Cầu cho cha mẹ song tuyền
    Cầu cho anh với bạn kết nguyền trăm năm

  • Vè Đông Kinh

    Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
    Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
    Ngẫm xem con tạo xoay vần
    Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
    Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
    Bỗng giật mình sực thức cơn mê
    Học, thương, xoay đủ mọi nghề
    Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
    Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
    Chưa học bò vội chạy đua theo
    Khi lên như gió thổi diều
    Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
    Cách hoạt động người mình còn dại
    Sức oai quyền ép lại càng mau
    Tội nguyên đổ đám nho lưu
    Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên

  • Sáng nay đi chợ tất niên

    – Sáng nay đi chợ tất niên
    Em đây cầm một quan tiền trong tay
    Sắm mua cũng khá đủ đầy
    Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà
    Độc bình mua để cắm hoa
    Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông
    Tính hoài mà cũng chẳng thông
    Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư

    – Vội chi, em cứ thư thư
    Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
    Sáu mươi đồng tính một tiền
    Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
    Vị chi em mới tiêu xong
    Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà
    Trái cây, cau, thuốc, thịt thà
    Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền
    Ba trăm sáu chục đồng nguyên
    Tính ra chính thị sáu tiền còn dư

Chú thích

  1. Có bản chép: Chàng về em dặn đôi lời.
  2. Truyện phong tình
    Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
  3. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  4. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  5. Tây Sương Ký
    Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
  6. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Nhị Độ Mai
    Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.

    Sau Truyện KiềuLục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.

    Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
    Sao em lại đứng với người đi xem?
    Mấy lần tôi muốn gọi em
    Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ

    (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)

  8. Hạ Nghinh Xuân
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
  9. Yên
    Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
  10. Án Anh
    Cũng gọi là Yến Anh hay Yến (Án) Tử, tự là Bình Trọng, tể tướng của nước Tề. Ông nổi tiếng trong lịch sử là thông minh, đĩnh ngộ và có tài ngoại giao.
  11. Đây là những nhân vật và tình tiết trong truyện dã sử Chung Vô Diệm.
  12. Đây là hai nhân vật trong truyện kiếm hiệp Bồng Lai Hiệp Khách.
  13. Trần ai
    Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
  14. Anh tài
    Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
  15. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  17. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  18. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  19. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  21. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  22. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  24. Gióc
    Đậu, chặp nhiều mối dây vào làm một.
  25. Áo ngắn, không che kín hạ bộ.
  26. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Dùi Chiêng
    Tên một làng nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể giống như cái dùi của cái chiêng, nên có tên gọi như vậy.
  28. Có bản chép: đảo dốc.
  29. Bình Yên
    Tên một ngôi làng nằm ở phía Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Thu Bồn.
  30. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  31. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  32. Tương truyền đây là một bài thơ của ông Tú Quỳ, một danh nhân đất Quảng Nam.
  33. Phạm Bá Doãn
    Một người dân sống ở làng Dùi Chiêng vào đầu thế kỉ 20, tương truyền là người nghĩ ra một thứ bẫy để bắt cọp mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

    Chòi bắt cọp

    Chòi bắt cọp

  34. Nường
    Nàng (từ cũ).
  35. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  36. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  37. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  38. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  39. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  40. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  41. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  42. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  43. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  44. Thuyền hai
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thuyền hai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  45. Mụn
    Mảnh vụn nhỏ (mụn vải).
  46. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  47. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  48. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  49. Nam Tào
    Vị tiên trông coi bộ sổ sinh của con người ở trần gian, tức sổ những người được sinh ra đời, gọi là sổ Nam Tào (theo điển tích xưa và theo một số tín ngưỡng dân gian).
  50. Bắc Đẩu
    Vị tiên trông coi bộ sổ tử của con người ở trần gian, tức sổ người chết, còn gọi là sổ Bắc Đẩu (theo điển tích xưa và theo một tín ngưỡng dân gian).
  51. Rui
    Thanh tre hoặc gỗ đặt theo chiều dốc của mái nhà để đỡ những thanh đặt dọc (gọi là thanh mè).

    Rui mè

    Rui mè

  52. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  53. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  54. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  55. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  56. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  57. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  58. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  59. Xóm Bóng
    Còn gọi là bến Bóng, một địa danh thuộc thành phố Nha Trang. Xóm Bóng gồm hai phần: một nằm bên bờ sông Cái, nơi sông đổ ra biển Đông qua cửa Lớn, và phần còn lại là cù lao trên sông. Giữa hai phần này là cầu xóm Bóng, đứng trên cầu có thể thấy tháp Bà Ponagar, thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Hòa.

    Tên xóm Bóng bắt nguồn từ một thói quen của làng cù lao xưa: Vào các dịp lễ vía cúng bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, những "cô bóng, bà bóng" của làng lại tập trung múa hát.

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

  60. Hòn Chữ
    Một tảng đá lớn có những tảng nhỏ sát cạnh nằm ở cửa sông Cái (Nha Trang), chu vi chừng 100 m2, cao từ mặt nước lên khoảng vài mét, thường làm du khách chú ý khi đi dọc theo cầu Xóm Bóng hay từ trên khuôn viên Tháp Bà nhìn xuống hướng Đông Nam. Trên đá có in khắc chữ, một lối chữ hình giống như những con nòng nọc nối đuôi nhau, được cho là chữ cổ của người Chiêm Thành xưa.

    Hòn Chữ

    Hòn Chữ

  61. Đất thổ
    Đất để ở.
  62. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  63. Riềng
    La rầy (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  64. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  65. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  66. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  67. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  68. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  69. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  70. Bà Nà - Núi Chúa
    Một dãy núi nằm ở phía tây thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đây là dãy núi cổ, tuổi trên 400 triệu năm, nhờ những khối đá hoa cương và thạch anh bền vững nên chóp núi còn khá cao (1.487m so với mặt nước biển). Hiện nay Bà Nà - Núi Chúa là điểm đến du lịch nổi tiếng của cả miền Trung.

    Bà Nà - Núi Chúa

    Bà Nà - Núi Chúa

  71. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  72. Giao lân
    Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
  73. Thậm
    Rất, lắm.
  74. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  75. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  76. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  77. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  78. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  79. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  80. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  81. Ở đây chàng trai chơi chữ: Phú (giàu), quý (địa vị cao, người Nam phát âm là quới), ninh (yên ổn), lợi, tiền (tiền tài).
  82. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  83. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
  84. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  85. Phong trào Duy tân
    Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.

    Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

    Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).

    Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).

    Phan Châu Trinh

    Phan Châu Trinh

  86. Thân sĩ
    Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
  87. Ái quốc
    Yêu nước (từ Hán Việt).
  88. Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
    Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.

    Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.

  89. Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
  90. Tội nguyên
    Người đứng đầu chịu tội.
  91. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  92. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  93. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  94. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  95. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  96. Thư thư
    Thong thả, từ từ, không bức bách.