Tìm kiếm "quy"

  • Giàu thì thịt cá cơm canh

    Giàu thì thịt cá cơm canh
    Khó thì rau muối cúng anh tôi đi lấy chồng
    Hỡi anh xấu số, chồng cũ tôi ơi
    Có khôn thiêng về hưởng đĩa xôi nhang đèn
    Anh đà hết kiếp, xin chớ ghen
    Để cho người khác cầm quyền thê nhi
    Miệng em khóc, tay bưng cái thần vì
    Tay em gạt nước mắt tay thì thắp nhang
    Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn
    Em cầm lòng chẳng được nên sang ngang từ rày

    Dị bản

    • Giàu thì thịt cá cơm canh
      Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng
      Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
      Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
      Thôi anh đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
      Để cho người khác cầm quyền thê nhi
      Miệng em khóc, tay em bế ẵm cái ông cái thần vì
      Tay em gạt nước mắt, tay em thì thắp nén nhang
      Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn!

  • Con chim nó kêu

    Con chim nó kêu
    Tê lao xao xác
    Tê lao xào xạc
    Mụ ơi hỡi mụ
    Đứng lại mà xem
    Con vượn nó trèo
    Từ trái núi nọ
    Qua lối nọ đàng tê
    Mắt trông thấy trai
    Tang tình lịch sự
    Cái quần bốp tím
    Cái lông nhím bạc
    Cái lược đồi mồi
    Tình tính tinh mồi
    Lòng em quyết theo
    Em rút cái neo
    Cho con thuyền chạy

  • Mưa từ trong Quảng mưa ra

    Mưa từ trong Quảng mưa ra
    Mưa khắp Hà Nội mưa qua Hải Phòng
    Hạt mưa trong thực là trong
    Mưa xuống sông Hồng mưa cả mọi nơi
    Hạt mưa vẫn ở trên trời
    Mưa xuống hạ giới cho người làm ăn
    Tháng Giêng là tiết mưa xuân
    Đẹp người thục nữ thanh tân má hồng
    Muốn cho đây đấy vợ chồng
    Hay còn quyết chí một lòng chờ ai?
    Tháng Giêng bước sang tháng Hai
    Mưa xuân lác đác hoa nhài nở ra
    Tháng Hai bước sang tháng Ba
    Mưa rào mát mẻ nở hoa đầy cành

  • Anh ơi giữ đạo tam cang

    Anh ơi giữ đạo tam cang
    Dù sanh dù tử cũng giữ cho toàn trước sau
    Anh ơi đừng có ham giàu
    Tỉ như con chim kêu núi Bắc, con cá sầu biển Đông
    Có duyên thì vợ thì chồng
    Không duyên ở vậy lập vườn hồng trồng hoa
    Hỡi người bạn cũ gần xa
    Ham nơi phú quý bỏ nghĩa ta sao đành

  • Hôm qua em đến chơi nhà

    Hôm qua em đến chơi nhà
    Đồn chàng đi vắng mẹ cha đi tìm
    Đồn rằng chàng ở chợ Lim
    Sắm quần sắm áo đi tìm chàng ngay
    Tìm chàng bảy tám hôm nay
    Hôm qua là chín, hôm nay là mười
    Tìm chàng chúng bạn em cười
    Lòng em ở thẳng thì giời giúp cho
    Tay cầm tiền quý bo bo
    Xem một quẻ số tìm cho thấy chàng

  • Con chim xanh đậu nhành đu đủ

    Con chim xanh đậu nhành đu đủ
    Nhắc dân làng nhiệm vụ hộ đê
    Quản chi công việc nặng nề
    Cốt sao bảo vệ được đê vững vàng
    Hộ đê, có tổng, có làng
    Hộ đê đâu phải một làng mà thôi
    Dù mưa dù nắng mặc trời
    Làng trên xóm dưới người người quyết tâm
    Khó khăn cũng phải dấn thân
    Lo xong bổn phận công dân mỗi người

  • Trăm khúc sông, khúc lở khúc bồi

    Trăm khúc sông, khúc lở khúc bồi
    Miệng chàng nói thế, chàng ngồi chàng trông
    Gió bên đông xin chàng gỡ giúp
    Ngón tay tháp bút mà chấm chậu lan
    Dù ai nói ngang chàng đừng ngao ngán
    Trước thì là bạn sau nên vợ chồng
    Em còn trong tròng xin chàng thong thả
    Em quyết trận này trả của lấy anh
    Em hai mươi tuổi xuân xanh
    Thầy mẹ ép uổng dỗ dành vào cửa người ta
    Cho nên duyên chẳng thuận hòa
    Vợ chồng xung khắc xót xa nhiều bề

  • Chắp tay con lạy bác, bác ơi

    – Chắp tay con lạy bác, bác ơi!
    Bác già rồi, đừng có thấy chuối, thấy xôi mà bác thèm
    – Ít nhiều chi qua cũng lớn tuổi hơn mấy em
    Qua già lẩm cẩm, qua có quyền thèm tứ tung!

    Dị bản

    • – Con cúi đầu lạy bác, bác ơi
      Bác đừng thấy chuối thấy xôi mà bác thèm!
      – Dẫu gì thì qua cũng lớn hơn em
      Qua lú qua lẫn nên qua thèm của tơ

  • Quanh năm vất vả làm ăn

    Quanh năm vất vả làm ăn,
    Thuế ao thuế ruộng thuế thân thuế vườn,
    Ngày làm dạ đã không yên,
    Đêm nằm sốt ruột trống dồn thâu canh,
    Thân người ngày một mỏng manh,
    Quan trên quỷ dữ vẫn rình ở bên

  • Em nấu cơm quên đơm vào rá

    Em nấu cơm quên đơm vào rá
    Em kho cá quên bỏ đồ màu
    Ra lấy chồng sợ nỗi làm dâu
    Em đây vụng đường nội trợ, e mai sau anh buồn
    – Canh cá không ngon, miệng giòn là đặng
    Dù ai nói muối mặn, mình cứ bảo muối cay
    Quyết lòng gá nghĩa sum vầy
    Thân phụ già có chê chua chê chát, đã có anh đây đỡ lời

  • Thằng Tây nó có ống nhòm

    Thằng Tây nó có ống nhòm
    Nó nhìn nó đếm, nó nom từng người
    Sú ba dăng nó chạy đâu rồi
    Đến khi nó đến cho vài ba toong
    Thằng Tây lại chửi “cu-xoong”
    Cu li ức quá chửi không ra lời
    – Hỡi anh em những người làm mỏ
    Tay mi-nơ sẵn có nghề riêng
    Làm đâu cũng lấy bằng tiền
    Làm lò ông Thuận mất quyền lợi to
    Việc than gio trong lò chẳng khá
    Than khó làm mà giá chẳng cao
    Anh em ta đấm buồi vào!

  • Hôm qua anh đi chợ trời

    Hôm qua anh đi chợ trời
    Thấy ông Nguyệt Lão đang ngồi ở trên
    Tay thì cầm bút cầm nghiên
    Tay cầm tờ giấy đang biên rành rành
    Biên ta rồi lại biên mình
    Biên đây lấy đấy, biên mình lấy ta
    Chẳng tin lên hỏi trăng già
    Trăng già cũng bảo rằng ta lấy mình
    Chẳng tin lên hỏi thiên đình
    Thiên đình cũng bảo rằng mình lấy ta
    Quyết liều một trận phong ba
    Để cho thiên hạ người ta trông vào
    Quyết liều một trận mưa rào
    Để cho thiên hạ trông vào đôi ta

  • Kể từ ngày xa cách người thương

    Kể từ ngày xa cách người thương
    Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
    Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
    Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
    Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
    Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
    Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
    Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
    Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
    Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
    Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
    Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
    Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
    Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình.

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
    Giường anh kim phong
    Bốn bên bịt bạc
    Anh hỏi thật lòng
    Có lấy anh không
    Để anh mua nón thượng quai thâm
    Về cho mà đội
    Anh mà nói dối
    Đã có quỷ thần
    Một trăm việc mần
    Anh chăm lo cả

  • Em là con gái tỉnh Nam

    Em là con gái tỉnh Nam
    Chạy tàu vượt biển ra làm Cửa Ông
    Từ khi mới mở Cửa Ông
    Đi làm thì ít, đi rông thì nhiều
    Chị em cực nhục trăm điều
    Trước làm một lượt đã trèo cầu thang
    Đặt mình chưa ấm chỗ nằm
    Đã lại còi tầm hú gọi ra đi
    Dế kêu, suối chảy rầm rì
    Bắt cô trói cột não nề ngân nga
    Đoàn người hay quỷ hay ma
    Tay mai, tay cuốc, sương sa mịt mù
    Hai bên gió núi ù ù
    Tưởng oan hồn của dân phu hiện về.

  • Vè các loại quả

    Da dẻ vàng khè
    Là anh chàng thị
    Tròn như lợn ỉ
    Là quả dưa vàng
    Nằm đất lang thang
    Là anh dưa chuột
    Mồm nói ngọt xớt
    Là mấy cô hồng
    Xù xì lắm lông
    Là anh cu dứa
    Da đỏ như lửa
    Là thằng ớt cay

  • Răng to mắt xếch người lùn

    Răng to mắt xếch người lùn
    Bay quen ác độc lại còn khoe hay
    Ngô tao đang tốt xanh cây
    Bay đem bắt nhổ cấy đay điền vào
    Lúa, bông, lạc của dân tao
    Bay cướp, bay giật, bay nào tha chi
    Đi bộ bay chẳng muốn đi
    Bay bắt phu kéo, bay thì quỵt công
    Vác gươm hống hách đi rong
    Buồn mồm chén phở, bay không trả tiền
    Nhà tao con nối cha truyền
    Bay vào bay ở, bay liền đuổi ra
    Bay vơ mâm, bắt lợn gà
    Bay hiếp con gái bà già xôn xao
    Bay thù gì tổ tiên tao
    Chết rồi bay vẫn còn đào mả lên
    Đình chùa, nghè miếu thiêng liêng
    Tiện đường bay đạp, chả kiêng chỗ nào
    Tội bay ác độc là bao
    Phải đâm, phải chém, phải cào mặt bay!

  • Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

    Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái
    Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba
    Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ
    Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ
    Nên muốn cùng ai thố lộ đôi lời
    Cấy cày cực lắm em ơi
    Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no
    – Gái Ba Xuyên tuy quê mùa dân dã
    Tóc dài bỏ xõa áo vải bà ba
    Nắng táp mưa sa mà mịn da dài tóc
    Không đẹp bằng ai nhưng vừa vóc
    Tuy quê quýt nhưng không thích trai vườn
    Trai mà dở dở ương ương
    Ngồi không hái trái hết đường tương lai

Chú thích

  1. Thê nhi
    Vợ con (từ Hán Việt).
  2. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  3. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  4. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  6. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  7. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  8. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  9. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  10. Lim
    Địa danh nay là tên thị trấn của huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Tại đây có hội thi hát Quan họ nổi tiếng là hội Lim, được tổ chức vào ngày mười ba tháng Giêng âm lịch hàng năm.

    Xem một video về hội Lim.

  11. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  12. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  14. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  15. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  16. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  17. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  18. Thân phụ
    Cha (từ Hán Việt).
  19. Trong nghi thức cúng mụ (cúng đầy tháng), một người bồng đứa bé trên tay, vừa đung đưa vừa hát bài này.
  20. Sú ba dăng
    Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
  21. Ba toong
    Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  22. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  23. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  24. Mi nơ
    Từ tiếng Pháp miner (thợ mỏ).
  25. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  26. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  27. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  28. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  29. Truyện phong tình
    Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
  30. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  31. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  32. Tây Sương Ký
    Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
  33. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Nhị Độ Mai
    Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.

    Sau Truyện KiềuLục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.

    Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
    Sao em lại đứng với người đi xem?
    Mấy lần tôi muốn gọi em
    Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ

    (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)

  35. Hạ Nghinh Xuân
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
  36. Yên
    Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
  37. Án Anh
    Cũng gọi là Yến Anh hay Yến (Án) Tử, tự là Bình Trọng, tể tướng của nước Tề. Ông nổi tiếng trong lịch sử là thông minh, đĩnh ngộ và có tài ngoại giao.
  38. Đây là những nhân vật và tình tiết trong truyện dã sử Chung Vô Diệm.
  39. Đây là hai nhân vật trong truyện kiếm hiệp Bồng Lai Hiệp Khách.
  40. Trần ai
    Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
  41. Anh tài
    Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
  42. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  44. Kim phong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim phong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  45. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  46. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  47. Cân phân
    Bằng nhau, đồng đều.
  48. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  49. Khanh tướng
    Khanh và tướng, hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  50. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  51. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  52. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  53. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  54. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  55. Dưa vàng
    Một loại dưa cho quả lớn (có thể nặng đến 5kg), vỏ cứng màu xanh có nhiều gân trắng đan xen nhau như lưới (nên cũng gọi là dưa lưới ở miền Nam), ruột giòn, khi chín có màu vàng hoặc cam, ăn ngọt thanh.

    Quả dưa vàng

    Quả dưa vàng

  56. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  57. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  58. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  59. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  60. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  61. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  62. Nghè
    Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

  63. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  64. Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, chính phủ Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã, phải đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Đông Dương. Trong thời kì cai trị ở nước ta (1940 - 1945), các chính sách cai trị của quân đội Nhật đã khiến đời sống người dân thêm cơ cực, và đặc biệt góp phần gây nên nạn đói khủng khiếp từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 (nạn đói năm Ất Dậu), làm từ nửa triệu đến hai triệu người chết đói. Bài ca dao này có lẽ ra đời vào khoảng thời gian này.
  65. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  66. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  67. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  68. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.