Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
Nên thì tớ ở tớ ăn
Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
Tháng năm công việc ê hề
Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
Tớ ở chưa được nửa năm,
Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên …
Tìm kiếm "một hai"
-
-
Vè đội Cấn
Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
Nước Nam mình phút dậy can qua
Thái Nguyên nay có một tòa
Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
Ông Đội ra đi trước cầm binh
Rủ nhau lập tiểu triều đình
Những là cai đội khố xanh bằng lòng
Duy phó quản bất tòng quân lệnh
Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
Sai người mở cửa nhà pha
Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
Rồi ra làm lễ tế trời
Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang … -
Bài thơ thuốc lào
Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
Ai là chẳng bạn thân với điếu
Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
Bạn tâm giao với cái điếu cày.
Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
Nội các thức say sưa nghiện ngập,
Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
Khi lòng ta tư lự không yên,
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
Vùi điếu đi cho hết đa mang.
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
Thật là lời chí lý không ngoa.
Thuốc lào, ta hút điếu ta,
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm… -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Bói cho một quẻ trong nhà
Dị bản
Bói cho một quẻ trong nhà
Con heo bốn cẳng, con gà hai chân
-
Hai tay cầm bốn trái dưa
Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
Hai tay cầm bốn lượng vàng
Vàng thời bỏ được, nghĩa chàng em không buôngDị bản
Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
Hai tay đeo bốn chiếc vàng
Của cha mẹ sắm của chàng một đôi.Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
Tay cầm cuốn sách bìa vàng
Sách bao nhiêu chữ, dạ thương chàng bấy nhiêuHai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
Một trái thì để đầu giàn
Bao nhiêu bồ hóng thương chàng bấy nhiêu
-
Một mẹ mà đẻ tám con
Một mẹ mà đẻ tám con
Bốn con bạc bụng, ba con xanh đầu,
Dân gian chốn chốn đâu đâu,
Còn một con nữa chia nhau ăn cùngLà gì?Mặt đất, trái đất. Xem chú thích Tam sơn, tứ hải.
-
Phụ mẫu thiếp cũng như phụ mẫu chàng
Dị bản
Phụ mẫu thiếp cũng như phụ mẫu chàng
Khắc một bia đá bốn chữ vàng thờ chung
-
Tam thủ nhất vĩ
-
Quân sư phụ là tam cương giả
Quân sư phụ là tam cương giả,
Đi một chuyến đò đắm cả cứu ai?
– Anh liều nhảy xuống sông ba,
Trên đầu đội chúa, lưng cõng cha, tay dắt thầy.Dị bản
Quân, sư, phụ tam cương giả
Qua chuyến đò đầy, đò ngả cứu ai?
– Thầy, cha thì xoác hai vai
Trên lưng cõng chúa, bỏ ai cũng không đành
-
Ba mươi anh không đi tết
Ba mươi anh không đi tết
Rạng ngày mồng Một, anh không đi đến lạy bàn thờ
Hiếu trung mô nữa mà biểu em chờ uổng công
– Hôm Ba mươi anh mắc lo việc họ
Sáng mồng Một anh bận việc làng
Ông bà bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi!Dị bản
– Tối ba mươi anh không về lễ tết
Sáng mùng một anh không lạy giường thờ
Hiếu trung chi anh nữa mà khiến em đợi chờ uổng công
– Anh làm trai nam nhơn chi chí
Em làm gái thục nữ chi trinh
Em với anh nghĩa nghĩa tình tình
Phụ mẫu nhà chưa định, hai đứa mình dám đâu
-
Năm quan tiền tốt bó mo
Năm quan tiền tốt bó mo
Làm tờ kí chỉ, chị cho chuộc chồng
Măng non nấu với gà đồng
Chơi nhau một trận xem chồng về ai?
Già gan cướp được chồng người
Non gan hết vía rụng rời chân tay.
Măng trúc nấu với gà mai
Chơi nhau một trận, về ai thì về.Dị bản
Năm quan tiền tốt bó mo
Làm tờ kí chỉ, chị cho chuộc chồng
Măng non nấu với gà đồng
Chơi nhau một trận xem chồng về ai
Chồng về chị cả hay về chị hai
Chơi cho trận nữa về ai thì về
-
Buổi mai ngủ dậy
Buổi mai ngủ dậy
Ra tắm bể Đông
Đạp cây xương rồng
Kéo lên chín khúc
Gặp mệ bán cá úc
Đổ máu đầu cầu
Gặp mệ bán dầu
Dầu trơn lầy lẫy
Gặp mệ bán giấy
Giấy mỏng tanh tanh
Gặp mệ bán chanh
Chanh chua như dấm
Gặp mệ bán nấm
Nấm lại một tai
Gặp mệ bán khoai
Khoai lọi một cổ … -
Xỉa cá mè
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Tay nào đẹp
Đi bẻ ngô
Tay nào to
Đi dỡ củi
Tay nào nhỏ
Hái đậu đen
Tay lọ lem
Ở nhà mà rửaDị bản
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Chân nào đẹp
Thì đi buôn men
Chân nào đen
Ở nhà làm chó
Ai mua men?
Mua men gì?
Men vàng
Đem ra ngõ khác
Ai mua men?
Mua men gì?
Men bạc
Men bạc vác ra ngõ này
Một quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Hai quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Ba quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Bốn quan bán chăng?
chừng chừng chẳng bán!
Năm quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Sáu quan bán chăng?
chừng chừng chẳng bán!
Bảy quan bán chăng?
chừng chừng chẳng bán!
Tám quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Chín quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Mười quan bán chăng?
Chừng chừng chẳng bán!
Tôi gởi đòn gánh
Tôi đi ăn cỗ
Đi lấy phần về cho tôi
Nào phần đâu?
Phần tôi để ở gốc đa
Chó ăn mất cả!
Tôi xin đòn gánh
Đòn gánh gì?
Đòn gánh tre!
Làm bè chó ỉa!
Đòn gánh gỗ?
Bổ ra thổi!
Đòn gánh lim?
Chìm xuống ao
Đào chẳng thấy
Lấy chẳng được!
Xin cây mía
Ra vườn mà đẵn.
Video
-
Hôm qua tát nước đầu đình
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin.
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai cậy cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho.
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.Dị bản
Áo anh rách lỗ bàn sàng
Cậy nàng mua vải vá quàng cho anh
Vá rồi anh trả tiền công
Đến lúc lấy chồng anh giúp của cho:
Giúp cho một quả xôi vò,
Một con heo béo, một vò rượu tǎm.
Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm,
Đôi áo nàng bận đôi vòng nàng đeo.
Giúp cho quan mốt tiền cheo,
Quan nǎm tiền cưới, lại đèo bông tai
Giúp cho một rổ lá gai
Một cân nghệ bột với hai tô mè
Giúp cho năm bảy lạng chè
Cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than
Giúp cho đứa nữa nuôi nàng
Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…Áo anh đã rách hai tay
Cậy nàng so chỉ và may cho cùng
Vá rồi anh trả tiền công
Mai mốt lấy chồng anh giúp của cho
Giúp cho quan mốt tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đeo mâm chè
Giúp cho nửa giạ hột mè
Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô
Giúp cho cái ấm, cái ô
Cái niêu sắc thuốc, cái bồ đựng than
Anh giúp cho một đứa nuôi nàng
Lâu ngày chẵn tháng rồi chàng tới thăm…
Video
-
Quả cau nho nhỏ
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con một chồng.Dị bản
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút thật là của em.Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
Cái Cả đã biết dọn hàng,
Thằng Hai đi học về tràng khoa thi.
Cái Ba buôn bán đủ nghề,
Còn hai đứa nhỏ vẫn thì ăn chơi.
-
Tay chùi nước mắt ướt nhem
Tay chùi nước mắt ướt nhem
Tại anh chậm bước nên em lấy chồngDị bản
Tay chùi nước mắt ướt mem
Tại anh chậm bước nên em có chồng
Đêm năm canh luống những phập phồng
Ruột gan nùi rối, nước mắt hồng tuôn rơi
Ớ chàng quân tử kia ơi
Cửa song loan sớm mở tối gài
Em đứng trong than thở, anh đứng ngoài thở than
Màn rồng một bức che ngang
Nỗi lòng kể mấy quan san hai đứa mình
-
Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Thanh Lâm, Đồng Sớm cũng đôi ba người
Nói ra sợ chị em cười
Lấy chồng tháng chín, tháng mười có conDị bản
Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Làng trên xã dưới cũng đôi ba người
-
Thà rằng chiếu lác có đôi
-
Công anh đi sớm về trưa
Công anh đi sớm về trưa
Mòn đường chết cỏ vẫn chưa gặp tình
Khuyên anh đừng ở một mình
Cây tre có bụi huống chi mình lẻ loi
Chú thích
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Giã
- Như từ giã. Chào để rời đi xa.
-
- Giã ơn
- Cảm tạ ơn.
Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
(Nhị Độ Mai)
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Thái Nguyên
- Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Đội Cấn
- Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Nhà pha
- Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
-
- Thị thường
- Xem thường.
-
- Tài bồi
- Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
-
- Nam bang
- Bờ cõi nước Nam.
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Quốc túy
- Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
-
- Yên vân
- Khói (yên) mây (vân).
-
- Thừa
- Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên
- Ở các vùng quê Việt Nam ngày xưa, nhân dân ta thường làm chuồng gà trên nóc của chuồng heo.
-
- Bồ hóng
- Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Quân sư phụ
- Một quan niệm Nho giáo do Khổng Tử nêu ra, sắp xếp vai trò của vua (quân), thầy (sư), rồi mới đến cha (phụ).
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tiền quý
- Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
-
- Kí chỉ
- Văn bản cam kết mang tính pháp lí, có ghi tên, điểm chỉ (từ cũ).
-
- Mệ
- Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Lọi
- Gãy lìa (phương ngữ).
-
- Cổ
- Củ (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cá mè
- Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi dân gian. Cách chơi: Đứng (hoặc ngồi) thành vòng tròn quay mặt vào nhau, hai tay chìa ra đọc bài đồng dao. Người điều khiển đứng giữa vòng tròn vừa đi vừa khẽ đập vào bàn tay người chơi theo nhịp bài ca, mỗi tiếng đập vào một tay. Tiếng cuối cùng “Rửa” rơi vào tay ai thì người đó phải ra khỏi hàng hoặc bị phạt phải làm một trò khác rồi mới được vào chơi.
-
- Đình
- Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.
-
- Xôi vò
- Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.
-
- Rượu tăm
- Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
-
- Trằm
- Hoa tai. Cũng gọi là tằm.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Quàng
- (Làm việc gì) một cách vội vã, cốt cho xong để còn làm việc khác.
-
- Quả
- Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.
-
- Bận
- Mặc (quần áo).
-
- Gai
- Cũng gọi là cây lá gai, một loại cây thường mọc hoang hoặc được trồng quanh nhà, có lá dày hình trái tim, mặt hơi sần. Lá gai thường dùng để làm bánh ít, bánh gai hoặc làm vị thuốc dân gian.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Giạ
- Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.
-
- Ang
- Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
-
- Ghè
- Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Nghiên
- Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Quan san
- Cửa ải (quan) và núi non (san), cũng nói là quan sơn (từ Hán Việt). Trong văn chương, quan san thường được dùng để chỉ đường sá xa xôi, cách trở.
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
(Truyện Kiều)
-
- Thanh Lâm
- Tên gọi của một huyện đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam kể từ thời thuộc Minh (1407-1427), hiện nay là huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
-
- Đồng Khê
- Tên nôm là Đồng Sớm, nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
-
- Cói
- Còn gọi là cỏ lác, thường mọc hoang và được trồng ở vùng ven biển, nhiều nhất ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Cói cũng có thể mọc và trồng ở ven sông lớn. Tại miền Nam, cói mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười. Cây này được trồng để làm chiếu. Ở một số vùng, nhân dân đào lấy củ cói (thân rễ) về rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô làm thuốc.
-
- Gấm
- Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.