Tìm kiếm "Giờ Ngọ"

Chú thích

  1. Nữ thần phù hộ người đi biển. Theo Sơn Nam: “Bà là nhân vật có thật nhưng lần hồi được thêu dệt về sự linh thiêng. Nhờ tu tiên (theo đạo Lão Tử), tuy ngồi nhà Bà vẫn thấy người đi biển đang bị đắm thuyền, bèn dùng bùa phép để cứu vớt.”
  2. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  3. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  4. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  5. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  6. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  7. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  8. Cái Mơn
    Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.

    Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.

  9. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

  10. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  11. Hữu
    Bên phải (từ Hán Việt).
  12. Tả
    Bên trái (từ Hán Việt).
  13. Thiên Lý Mã, Vạn Lý Vân
    Tên hai con ngựa được nhắc đến trong tác phẩm Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa kể về dòng họ Dương của danh tướng Dương Nghiệp đời Bắc Tống, Trung Quốc. Đây là hai con ngựa quý của Bát Vương (Thiên Lý Mã nghĩa là ngựa chạy ngàn dặm, còn Vạn Lý Vân nghĩa là mây bay vạn dặm).
  14. Câu
    Con ngựa non (từ Hán Việt).
  15. Tế
    Chạy lồng lên, chạy nước đại.
  16. Lạc Thổ
    Tên nôm là làng Hồ, một làng nay thuộc thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm bên dòng sông Đuống. Trước đây vùng đất này từng trải qua nhiều lần sát nhập và phân tách thành các làng Song Hồ, Đông Hồ, có nghề truyền thống là làm vàng mã.
  17. Tày
    Bằng (từ cổ).
  18. Thật ra dơi là một loài thú chứ không phải chim.
  19. Diệc
    Một loài chim giống như cò, thức ăn chủ yếu là côn trùng, cá... Diệc mốc có bộ lông màu nâu. Ngoài ra còn có diệc ba màu, diệc xanh...

    Chim diệc đang bắt cá

    Chim diệc đang bắt cá

  20. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  21. Phướn
    Còn gọi là phượng hoàng đất, một loài chim có đuôi rất dài.

    Phướn đất

    Phướn đất

  22. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  23. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  24. Cú mèo
    Một loài cú có mắt giống mắt mèo nên có tên vậy. Loài này cũng có tên là cú lợn vì có tiếng kêu giống tiếng lợn. Theo tín ngưỡng dân gian, cú mèo mang lại điềm xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  25. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  26. Phú Chiêm
    Tên một làng thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với đặc sản mì Quảng Phú Chiêm.

    Mì Quảng Phú Chiêm

    Mì Quảng Phú Chiêm

  27. Cao lầu
    Món mì được xem là đặc sản của thị xã Hội An. Cao lầu nhìn khá giống mì Quảng với có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống... Khác với mì Quảng, cao lầu có rất ít nước dùng.

    Cao lầu

    Cao lầu

  28. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  29. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  30. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  31. Tam Kỳ
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
  32. Cơm gà Tam Kỳ
    Đặc sản cơm gà của Tam Kỳ, Quảng Nam. Khác với cơm gà ở những nơi khác, cơm gà ở Tam Kỳ chỉ được làm từ gà thả vườn (gà ta), thịt chắc, dai, thơm, có vị ngọt đặc trưng. Phần cơm vàng ươm ăn kèm cũng được nấu kì công không kém. Gạo nấu cơm phải là loại thơm, khi chín dẻo và không bị nát. Gạo được vo thật sạch, để ráo nước rồi cho vào nấu với nước luộc gà cùng ít bột nghệ. Khi nấu phải canh lửa và nước để cơm chín vàng ươm, dẻo, nhưng tơi chứ không dính vào nhau, lại thoang thoảng hương thơm hấp dẫn.

    Cơm gà Tam Kỳ

    Cơm gà Tam Kỳ

  33. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  34. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  35. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  36. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  37. Quế Sơn
    Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.

    Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.

  38. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  39. Bàn Lãnh
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ sông Thu Bồn.
  40. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  41. Cá trôi
    Một loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có thể nặng đến vài kí. Thị cá trôi ăn mát và ngọt, thường dùng nấu canh chua hoặc kho. Phần đầu là phần ngon nhất của cá trôi.

    Cá trôi

    Cá trôi

  42. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  43. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  44. Sương sa
    Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.

    Sương sa cacao-dừa

    Sương sa cacao-dừa

  45. Khúc Lũy
    Tên một thôn thuộc địa phận xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  46. Chợ Cầu Mống
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có đặc sản bê thui Cầu Mống rất nổi tiếng.

    Bê thui Cầu Mống

    Bê thui Cầu Mống

  47. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  48. Chợ Được
    Một địa danh thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần nữ thần Phường Chào vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên muốn lập chợ. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, và tổ chức lễ rước Bà hằng năm.

    Lễ rước Bà Chợ Được

    Lễ rước Bà Chợ Được

  49. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  50. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  51. Cá nục hấp cuốn bánh tráng
    Một đặc sản của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Món này gồm cá nục (to nhỏ tùy cách ăn và tùy địa phương) được hấp chín, cuộn với bánh tráng và rau muống, chấm với các loại nước chấm như nước mắm hoặc mắm cái. Bánh tráng có thể là bánh tráng sống hoặc nướng, được trụng sơ với nước cho mềm.

    Cá nục cuốn bánh tráng

    Cá nục cuốn bánh tráng

  52. Hội Nõ Nường
    Còn gọi là lễ hội Trò Trám, diễn ra vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở xóm Trám, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Trò Trám là lễ hội phồn thực của người Việt cổ nhằm tôn vinh sức sống con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội này gồm ba phần chính:

    1. Lễ mật tắt đèn hay lễ hội "Linh tinh tình phộc," diễn ra tại Miếu Trò vào đêm ngày 11 tháng Giêng. Chủ tế đưa cho người con trai một vật bằng gỗ gọi là Nõ (tượng trưng cho sinh khí thực nam) và người con gái một vật hình mui rùa gọi là Nường (tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Sau đó, đèn đóm được tắt hết, người chủ tế sẽ hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc". Cứ sau mỗi câu hô, đôi trai gái phải rướn người lên, giơ cao dùi gỗ, mui rùa để miệng há rồi chọc mạnh vào nhau. Nếu cả ba lần đều đâm trúng thì đó là điềm lành báo trước một năm mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn thuận lợi.

    2. Lễ rước lúa thần được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Lễ hội này ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là dịp để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa

    3. Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp, còn có tên gọi khác là "Bách nghệ khôi hài," bao gồm những màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem.>

    Linh tinh tình phộc

    Linh tinh tình phộc

  53. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  54. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  55. Neo
    Vật nặng để thả xuống cắm chặt vào đáy nước nhằm giữ cho thuyền đứng yên lại.

    Mỏ neo

    Mỏ neo

  56. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  57. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  58. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  59. Tôi
    Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.

    Tôi cán cuốc thép

    Tôi lưỡi cuốc thép

  60. Già
    Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
  61. Quỳnh, giao
    Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

  62. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  63. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  64. Cồn Lợi
    Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
  65. Ba Lai
    Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng TrômBa Tri.
  66. Chợ Giữa
    Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  67. Mỹ Hòa
    Tên một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  68. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  69. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  70. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  71. Bà Hiền
    Tên một con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
  72. Tân Thủy
    Tên một xã nằm ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  73. Sóc Sãi
    Tên một con rạch dài 9km, hình dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông.
  74. Xẻo Sâu
    Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
  75. Thạnh Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
  76. Gảnh
    Địa danh có thể là gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gảnh là nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên.
  77. Phong Nẫm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.
  78. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  79. Cơn táp
    Cơn gió lốc.
  80. Tông đường
    Tổ tông, dòng họ (từ Hán Việt). Ở miền Nam, từ này cũng được phát âm thành tông đàng.
  81. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  82. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  83. Có bản chép: cô dì mình thụ thai.
  84. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  85. Sam
    Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."

    Đôi sam

    Đôi sam

  86. Kẹo kéo
    Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.

    Kẹo kéo

    Kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

  87. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  88. Sa Đéc
    Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.

    Làng hoa Sa Đéc

    Làng hoa Sa Đéc

  89. Ngư lương
    Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
  90. Tử hổ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  91. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  92. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  93. Cá thơm
    Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
  94. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  95. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  96. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  97. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  98. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  99. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  100. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  101. Có bản chép: nghĩa liệt.
  102. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  103. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  104. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  105. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  106. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)