Lên bờ lại muốn xuống thuyền,
Vì chưng chữ ngãi chữ duyên buộc rồi.
Buộc vào thành cánh hoa hồi,
Khi lên khi xuống hai người cùng khiêng.
Buộc vào tấm lưới sợi giềng,
Khi khơi khi lộng chỉ riêng ta mình.
Chữ duyên chữ ngãi chữ tình,
Cả ba chữ ấy là in hình trong gương.
Lắng nghe nàng nói cũng tình,
Trông nàng bẻ lái càng xinh con thuyền.
Mong cho hương lửa bén duyên,
Để anh phỉ nguyện ước nguyền bấy lâu
Tìm kiếm "giang hà"
-
-
Em về thưa mẹ cùng thầy
-
Chồng em nó chẳng ra gì
Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra, xấu thiếp hổ chàng
Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà
Nói đây, có chị em nhà
Còn năm thúng thóc với vài cân bông
Em bán trả nợ cho chồng
Còn ăn hết nhịn, hả lòng chồng con
Đắng cay ngậm quả bồ hòn
Cửa nhà gia thế, chồng con kém người
Nói ra, sợ chị em cười
Con nhà gia giáo lấy người đần ngu
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu nặng mình -
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Ù à ù ập
Ù à ù ập
Nước chảy tràn ngập
Cả vũng chân trâu
Chị đỏ đi đâu?
Đi cày đi cấy
Bắt được con bấy
Đem về nấu canh
Băm tỏi băm hành
Xương sông lá lốt
Băm cho đầy thớt
Nấu cho đầy nồi
Đặt lên vừa sôi
Bắc xuống vừa chín
Chàng về chàng hỏi
Được mấy bát canh?
Tôi chiềng với anh
Được ba bốn bát
Đừng có xáo xác
Mà xóm giềng nghe
Để ra ăn de
Được ba bốn bữa. -
Đồn rằng cấy lũ thì vui
Đồn rằng cấy lũ thì vui
Ta rủ được người ta bán lợn đi
Quan năm, quan tám ngại chi
Dù đắt dù rẻ quản chi đồng tiền
Nồi đồng đem gửi láng giềng
Nồi đất để đó, chẳng phiền chẳng sao
Cổng thì rấp chông, rấp rào
Đêm khuya thanh vắng ai vào chi đây
Còn một con khuyển nhà nầy
Nếu đem đi gửi nó hay trở về
Hay là làm thịt quách đi
Gói mo luộc kỹ đem đi ăn đường! -
Em là thân phận nữ nhi
Em là thân phận nữ nhi
Thầy mẹ thách cưới làm chi bẽ bàng
Tiền thời chín hũ lồng quang
Cau non trăm thúng họ hàng ăn chơi
Vòng vàng kéo đủ mười đôi
Nhẫn ba trăm chiếc, tiền thời mười quan
Còn bao của hỏi của han
Của mất tiền cưới của mang ta về
Cưới ta trăm ngỗng nghìn dê
Trăm ngan nghìn phượng ta về làm dâu
Cưới ta chín chục con trâu
Ba trăm con lợn đưa dâu về nhà
Chàng về nhắn nhủ mẹ cha
Mua tre tiện đốt làm nhà ở riêng
Chàng về nhắn nhủ láng giềng
Quét cổng quét ngõ, ra giêng ta về
Ta về ta chẳng về không
Voi thì đi trước ngựa hồng theo sau
Ba bà cầm quạt theo hầu
Mười tám người hầu đi đủ thì thôi -
Một giờ ra ngõ ngó trông
Một giờ ra ngõ ngó trông
Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
Hai giờ ra đứng đầu làng
Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
Ba giờ giả chước đi chơi
Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
Bốn giờ gió ủ mây che
Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
Năm giờ dời gót về nhà
Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
Sáu giờ đèn hạt lưu ly
Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
Bảy giờ dọn dẹp trong giường
Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
Tám giờ tim lửng, dầu hao
Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
Chín giờ nghĩ giận phận mình
Trách răng căn số của mình mần ri
Mười giờ còn biết nói chi
Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
Mười một giờ mây lạc trăng chênh
Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai. -
Canh khuya em thức dậy, em lau nĩa rửa dĩa, dọn bàn
Canh khuya em thức dậy, em lau nĩa rửa dĩa, dọn bàn,
Tay em san rượu chát, miệng em hát một đôi câu.
Trên lầu kia tiếng chuông đánh rộ,
Dưới nhà việc trống đổ tàn canh.
Em đây lịch sự chi đó mà đi đâu năm bảy người giành?
Giả như con cá kia ở chợ, dạ ai đành nấy muaDị bản
Canh khuya em thức dậy
Em lau đĩa, dọn bàn
Tay em san rượu chát
Miệng em hát đôi câu
Trên lầu kia tiếng chuông đánh rộ
Dưới nhà việc trống đổ tàn canh
Em đây năm bảy người giành
Như cá ở chợ, dạ ai đành nấy mua.Chiều chiều rửa dĩa lau bàn
Tay sang rượu chát
Miệng hát đôi câu
Trống trên lầu vội đổ
Trống ngoài chợ tan canh
Lịch sử làm chi ba bảy người giành
Tợ như con cá rô ở giữa chợ
Ai đành nấy mua!
-
Vè bài cào
Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
Anh em quí vị đồng bào
Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
Tới đây chẳng thiếu chi người,
Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
Dòm lên mấy cái trách trên giàn
Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le … -
Em có chồng rồi như lúa đổ vào kho
Em có chồng rồi như lúa đổ vào kho
Quân canh lính gác, anh chớ có lần dò tới chi
Anh về bỏ thói ấy đi
Chồng em biết đặng, anh đi ở tù
– Qua cũng biết em như lúa đổ vào kho
Nhưng anh giả đò ăn trộm lần mò xúc chơi
Họa may có được vài hạt cũng sướng cái đời
Chồng em có bắt được, anh ở chơi năm tù
Cho tờ cải giá tha phu
Miệng thế gian đàm tiếu, họ cũng nói vợ thằng tù thuở xưa -
Em trải chiếc chiếu ra
Em trải chiếc chiếu ra
Em ngồi một góc, anh ngồi một góc
Thiếp khóc chàng than
Anh xa em vì bởi thế gian
Cho nên nước mắt nhỏ tràn năm canh
Giậm chân kêu thấu trời vàng
Kêu anh trở lại nhìn nàng thuở xưa
Mai mưa, trưa nắng, chiều xâm
Em là thục nữ có tâm đợi chờ
Khi vui chén rượu con cờ
Khi buồn hoa nở còn chờ trăng thanh
Chiều rày em mới xa anh
Trăm hoa cùng héo, chín mười nhành cùng khô
Cơm ăn chẳng được chỉ nước hồ dưỡng thân
Dang tay anh dứt Châu Trần
Ai xa cho biết, ai gần cho hay -
Mù u nhỏ rễ ăn lan
Mù u nhỏ rễ ăn lan
Sợ mình nói gạt qua đàng đấy thôi
Phụng hoàng chấp cánh bay xuôi
Liệu bề thương đặng, mình ơi, tôi chờ.
Nước lên khỏi bực tràn bờ,
Thương mình thương vậy, biết chờ đặng không?
Đặng không tôi cũng gắng công
Đợi cho con cá hóa rồng sẽ hay
Gặp mình may quá là may
Trông cho trời tối bắt tay đặng về -
Tài trai đâu đáng tài trai
Tài trai đâu đáng tài trai
Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
Canh trước tướng hãy còn tiền
Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
Còn tiền đánh cái cũng hay
Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba … -
Vè kẹo kéo Sa Đéc
Vè vẻ ve ve
Nghe vè kẹo kéo
Mần thiệt là khéo
Ai thấy cũng thèm
Ai thấy cũng khen
Rằng kẹo Sa Đéc
Người nào chưa biết
Quảng cáo là mua
Cô bác ông bà
Xin mời ăn thử
Ngon hay là dở
Cứ việc chê khen
Có bán có thêm
Đồng xu một miếng
Ai trả hai tiếng
Sáu miếng năm xu
Ai trả lu bù
Thì tui không bán … -
Đạo nào cao bằng đạo can trường
Đạo nào cao bằng đạo can trường,
Chồng mà xa vợ đoạn trường trời ơi.
Bấy lâu nay mình một ngả tui một nơi,
Ngày nay gặp mặt giải vơi cơn sầu.
Trống tam canh vội đổ trên lầu,
Mình có chồng rồi tôi nói cơ cầu làm chi.
Miệng thế gian ngôn dực trường phi,
Còn lo phụ mẫu sao bất thành không ai.
Bữa này mười một mai là mười hai,
Mình tui ở lại với ai bây giờ? -
Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
Hoa cam hoa quýt anh thương hoa nào
Anh thương hoa mận hoa đào
Còn bên hoa cúc lọt vào tay ai
Đào kia chưa thắm đã phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
Xin chàng đừng phụ hoa ngâu
Tham vời phú quý đi cầu mẫu đơn
Dù chàng trăm giận nghìn hờn
Bông hoa dạ hợp đương cơn Tấn Tần … -
Năm ngoái anh mới sang Tây
Năm ngoái anh mới sang Tây
Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
Lòng anh muốn lấy vợ hai
Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
Rồi ra một quán đôi quê
Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
Trước là sinh tử sinh tôn
Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
Trước con nhà sau ra con nó,
Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
Chợ rộng thì lắm gái buôn,
Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
Lòng anh ăn ở thật thà
Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
Lòng anh chẳng có như người,
Có mới nới cũ, tội trời ai mang
Lòng anh ăn ở bằng ngang
Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
– “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư” -
Vè loài vật
Ve vẻ vè ve
Cái vè loài vật
Trên lưng cõng gạch
Là họ nhà cua
Nghiến răng gọi mưa
Đúng là cụ cóc
Thích ngồi cắn chắt
Chuột nhắt, chuột đàn
Đan lưới dọc ngang
Anh em nhà nhện
Gọi kiểu tóc bện
Vợ chồng nhà sam … -
Trên trời có vẩy tê tê
Trên trời có vẩy tê tê
Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.
Một vợ tát nước bờ ao
Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
Một vợ thì đi buôn bè
Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông.
Một vợ thì đi buôn bông
Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
Một vợ thì đi buôn vôi
Không may phải nước vôi sôi ầm ầm.
Một vợ thì đi buôn mâm
Không may mâm thủng lại nằm ăn toi.
Một vợ thì đi buôn nồi
Không may nồi méo, một nồi hai vung.
Một vợ thì đi buôn hồng
Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!Dị bản
Trên trời có vẩy tê tê
Có ông bốn vợ chẳng chê vợ nào
Một vợ rửa bát cầu ao
Chẳng may gió cả dạt vào bụi tre
Một vợ thì đi buôn bè
Chẳng may gió cả nó đè xuống sông
Một vợ thì đi buôn bông
Chẳng may gió cả nó bồng lên mây
Một vợ thì đi buôn cây
Chẳng may gió cả cuốn bay lên trời.
Chú thích
-
- Hồi
- Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.
-
- Riềng
- Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phỉ nguyền
- Thỏa lòng mong ước.
-
- Sêu
- (Nhà trai) đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong những dịp lễ tết.
-
- Tổ tôm
- Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.
-
- Xóc đĩa
- Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.
-
- Bồ hòn
- Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.
-
- Gia thế
- Thế lực, tầm ảnh hưởng của một gia đình.
-
- Gia giáo
- Có nền nếp, có giáo dục (thường nói về gia đình phong kiến thời trước).
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Đỏ
- Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
-
- Bấy
- Cua mới lột xác, vỏ còn mềm (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Xương sông
- Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...
-
- Lá lốt
- Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.
-
- Chiềng
- Trình, trình bày (từ cổ).
-
- Xáo xác
- Xào xạc, lao xao.
-
- Ăn de
- Ăn nhín, ăn dè.
-
- Cấy lũ
- Hình thức cấy thuê/mướn tập thể thời xưa. Mỗi lũ gồm khoảng 15 đến 50 người, đứng đầu là một trưởng nhóm. Khoảng 4 giờ sáng người trưởng nhóm đến từng xóm thổi chiếc tù và làm bằng sừng trâu phát ra âm thanh rất đặc biệt gọi công đi cấy. Khi đã đông đủ, người trưởng nhóm dẫn công cấy ra đồng vừa đi vừa thổi như vừa động viên, vừa thúc dục. Công việc cấy lũ thường là phụ nữ làm.
-
- Rấp
- Che chắn, ngăn lại.
-
- Khuyển
- Chó (từ Hán Việt)
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Giả chước
- Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
-
- Đèn lưu ly
- Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.
-
- Tim
- Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Căn số
- Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
-
- Mần ri
- Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Tước
- Chim sẻ (từ Hán Việt).
-
- Rượu chát
- Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
-
- Nhà việc
- Từ cũ, chỉ nơi làm việc của chính quyền địa phương (ban hội tề) tại một làng thời triều Nguyễn và thời Pháp thuộc ở miền Nam nước ta.
-
- Tợ
- Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Bài cào
- Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
-
- Đồng bào
- Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
-
- Trách
- Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Cải giá tha phu
- Lấy chồng khác vì chồng cũ đi lưu lạc không về.
-
- Đàm tiếu
- Bàn tán (đàm) và chê cười (tiếu).
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Châu Trần
- Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
(Truyện Kiều)
-
- Mù u
- Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.
-
- Lọ hồ
- Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
-
- Cái
- Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
-
- Kẹo kéo
- Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Sa Đéc
- Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.
-
- Can trường
- Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
(Truyện Kiều)
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Ăn nói cơ cầu
- Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Ngôn dực trường phi
- Lời nói có cánh, có thể bay xa.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Từ bi
- Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...
-
- Mận
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Ngâu
- Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).
-
- Mẫu đơn
- Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...
-
- Dạ hợp
- Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Phát tài
- (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
-
- Sinh tử sinh tôn
- Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
-
- Công môn
- Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
-
- Tư túi
- Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
-
- Thúc sinh
- Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.
Khách du bỗng có một người
Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích Châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri
-
- Hoạn Thư
- Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
-
- Cắn chắt
- Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).
Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
cười lia dăm hạt cốm
giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân
(Người không về - Hoàng Cầm)
-
- Sam
- Một sinh vật biển thuộc bộ giáp xác. Sam thường đi thành cặp ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái, gọi là đôi sam. Dân gian ta có thành ngữ "thương như sam" hoặc "dính như sam."
-
- Tê tê
- Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.
-
- Cơn táp
- Cơn gió lốc.