Tìm kiếm "tháng sáu"

  • Anh thương em

    Anh thương em
    Thương quấn, thương quýt
    Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc xoài
    Bồng ra ngoài đám sậy, bồng bậy vô mui
    Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi
    Để em nằm xuống đây
    Kể từ em đau ban cua lưỡi trắng
    Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
    Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.

  • Ơn Phật ơn trời

    Ơn Phật, nhờ trời
    Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
    Anh Cả nhàn thật là nhàn
    Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
    Anh Hai vặn chão đánh thừng
    Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
    Anh Tư bắt ếch, mình ơi
    Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
    Anh Sáu đánh giậm dưới sông
    Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
    Anh Tám vác gạo trên ga
    Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
    Còn anh là út thanh tân
    Có nghe anh kể, lại gần mà nghe

  • Vè chửi Thượng Bắc

    Văn thân kéo giữa ban ngày,
    Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
    Tiếc ngài có một bộ râu,
    Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
    Ngày thường độc ác gian ngoan,
    Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
    Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
    Theo Tây hại nước hại làng hại dân
    Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
    Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
    Đao gươm vây kín trong ngoài,
    Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
    Thân hào đốt cháy tư dinh,
    Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
    Phá hết của nả riêng tư,
    Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu

  • Trai ba mươi tuổi đang xoan

    Trai ba mươi tuổi đang xoan
    Gái ba mươi tuổi còn toàn nữ nhi
    Bốn mươi tuổi chưa đến thì
    Năm mươi chửa đến, đã vội chi lấy chồng
    Sáu mươi vác cuốc ra đồng
    Hỏi ông Tơ, bà Nguyệt đã lấy chồng được chưa

  • Em ơi! Chừ anh muốn làm đàn bà, không muốn làm đàn ông

    Em ơi! Chừ anh muốn làm đàn bà, không muốn làm đàn ông
    Khỏi xâu cao thuế nặng, khỏi ba đồng sáu mao
    Thôi! Chị em ơi! Đừng nói lao xao
    Có chị mô đi Huế, tôi gửi rèn một con dao cho tinh thần
    Tôi về, tôi hớt trất cục gân
    Hớt luôn cái nớ cho ra thân đàn bà

  • Cây cao bóng cả duyên mòn

    Cây cao bóng cả duyên mòn
    Ước gì tôi được chồng con với người
    Có anh như đũa có đôi
    Vắng anh em vẫn ngậm ngùi nhớ thương
    Khối tơ vương ruột tằm vấn vít
    Bởi ông Tơ bà Nguyệt chưa se
    Quan tướng nghe hiệu lệnh thì về
    Chữ dục đã vậy chữ tùy làm sao
    Muốn cho Đông liễu Tây đào
    Cảnh sầu bể thảm lẽ nào thiếp sang
    Phòng khi lỡ bước theo chàng
    Lấy ai chầu chực thánh hoàng quốc gia
    Phòng khi thiếp ở lại nhà
    Một mình thân thiếp biết là làm sao?

  • Vè con gái làng Sấu

    Con gái làng Sấu
    Hay cấu hay cào
    Cấu ra bờ rào
    Cấu vào chuồng lợn
    Nào ai có tợn
    Lấy gái làng này?
    Nó vác cả cày
    Ra đồng nó cấu
    Nó vác cả đấu
    Ra đồng nó đong
    Nó vác cả nong
    Ra đồng nó quạt
    Nó vác cả tháp
    Ra đồng nó xây
    Nó gói cả mây
    Bỏ trong giỏ nó
    Nó thắt khăn đỏ
    Nó múa gươm thần

  • Truyện Kiều em đã kể làu

    – Truyện Kiều em đã kể làu
    Đố em kể được một câu ba càng
    Kể sao cho được rõ ràng
    Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
    Bấy lâu mới được một ngày
    Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
    Nhân tình trong đạo chúng ta
    Yêu nhau mới đố một và câu chơi
    Em khôn anh mới thử lời
    Em mà giảng được là người tài hoa
    – Lạ gì đôi lứa chúng ta
    Anh đố em giảng mới là mưu sâu
    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    Em nay phận gái nữ hài
    Anh đố em giảng một bài đã xong
    Xin anh đừng có đèo bòng
    Vui gì thế sự mà mong nhân tình
    Anh đố em mà làm thinh
    Thì anh lại bảo gái trinh không tài
    Bây giờ em đố một bài
    Anh mà giảng được dây hài xin trao
    Truyền Kiều kể lại tiêu hao
    Một câu anh kể làm sao hết Kiều
    – Em đố anh lại giảng ra
    Anh giảng chẳng được người ta chê cười
    Dây hài của đáng mấy mươi
    Bây giờ anh giảng em thời đem ra
    Trăm năm trong cõi người ta
    Mua vui cũng được một vài trống canh

  • Duyên ta là ngãi tình cờ

    Duyên ta là ngãi tình cờ
    Bấy lâu luống những ngẩn ngơ chờ chàng
    Gặp nhau đây đá thử vàng
    Miếng trầu thết đãi dạ mang chữ tình
    Tương tư buồn bực trong mình
    Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười
    Quên sầu thiếp gượng làm tươi
    Đồ huê nguyệt sợ miệng cười thế gian
    Trốn cha trốn mẹ theo chàng
    Vì chàng nên thiếp lạc ngàn lên đây
    Đến đây thiếp ở lại đây
    Bao giờ quế mọc xanh cây mới về
    Đã đành nên thiếp nên thê
    Nên khăn nên gối không vê cũng tròn
    Non mòn nhưng nghĩa không mòn…

  • Chăn đơn gối chiếc nửa hòng

    Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
    Cạn sông lở núi ta đừng quên nhau
    Từ ngày ăn phải miếng trầu
    Miệng ăn xôi đỏ dạ sầu đăm chiêu
    Biết rằng thuốc dấu hay bùa yêu
    Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
    Làm cho quên mẹ quên cha
    Làm cho quên cửa quên nhà
    Làm cho quên cả đường ra lối vào
    Làm cho quên cá dưới ao
    Quên sông tắm mát, quên sao trên trời
    Đất Bụt mà ném chim trời
    Ông Tơ bà Nguyệt xe dây nhợ nửa vời ra đâu
    Cho nên cá chẳng bén câu
    Lược chẳng bén dầu, chỉ chẳng bén kim
    Thương nhau nên phải đi tìm
    Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn.

  • Bồng bồng đổ lộc ra hoa

    Bồng bồng đổ lộc ra hoa
    Một đàn vợ lính trẩy ra thăm chồng
    Trẩy ra có gánh có gồng
    Trẩy ra thăm chồng bảy bị còn ba
    “Nào ai nhắn nhủ mi ra?
    Mi ngồi mi kể con cà con kê
    Muốn tốt quảy bị mà về
    Việc quan anh chịu một bề cho xong”
    Xưa kia anh ở trong phòng
    Bây giờ anh đã vào trong hàng quyền

  • Anh muốn tìm dòng nước trong

    Anh muốn tìm dòng nước trong
    Nên đi ngược dòng sông Cái
    Hay vì bị bùa ngải
    Nên anh bỏ bãi lên nguồn?
    Thuyền anh dù thuận gió đi luôn
    Đến đầu Thác Ngựa cũng phải cuốn buồm trở lui
    Thề xưa lời đã nặng lời
    Anh cố xa em đi nữa
    Nếu chẳng phải ý trời thời cũng khó xa
    Anh đi em ở lại nhà
    Biển sâu em lặn lội nuôi mẹ già đợi anh

  • Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại

    Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại
    Lo kinh thương mãi mại
    Tính công nghệ nông tang
    Không ham nhiều bạc lắm vàng
    Mai sau sanh chuyện điếm đàng bỏ em
    – Qua đây muốn kiếm một nàng
    Thạo thông đường buôn bán
    Rao cùng thôn quán mà chưa đáng chỗ nào
    Thiếu chi những chị má đào
    Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh

  • Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
    Anh nhìn lên trời thấy sao mấy cái?
    Trâu ngoài đồng đực, cái mấy con?
    Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu?
    Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào?
    Trai anh đối đặng, em mở rào cho anh vô
    – Anh nhìn trời cao thấy sao nhiều cái
    Trâu ngoài đồng đực, cái hai con
    Chuối non sáu bẹ, chuối mẹ mười hai tàu
    Đất Ba Xuyên một mẫu bảy mươi hai sào
    Anh đà đối đặng, em mở rào cho anh vô

  • Khoan khoan gá nghĩa

    Khoan khoan gá nghĩa
    Thủng thỉnh giao hòa
    Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
    Anh em thúc bá thế nào?
    Nói ra em biết âm hao em tường
    Hà miền, hà thị, hà phương,
    Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
    Và đây lời hỏi sau cùng,
    Nói ra cho em biết đã tơ hồng đâu chưa ?
    – Xa xôi chi đó mà hỏi miền hỏi thị
    Lạ lùng chi em mà hỏi quán hỏi quê
    Bình Dương vốn thật quê chàng,
    Lánh nơi thành thị lạc đàng núi non
    Xuân xanh hai tám tuổi tròn,
    Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông.

    Dị bản

    • Khoan khoan gá nghĩa
      Thủng thỉnh giao hòa
      Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
      Anh em thúc bá thế nào?
      Nói ra em biết âm hao em tường
      Hà miền, hà thị, hà hương,
      Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
      Và đây lời hỏi sau cùng,
      Nói ra cho em biết đã tang bồng đâu chưa?
      – Xa xôi chi đó,
      Kẻ đơn người tống,
      Lạ lùng gì em phải hỏi han.
      Ở đây vốn thật quê chàng,
      Lánh nơi thành phố lạc đàng núi non.
      Xuân thu hai tám tuổi tròn,
      Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông .

  • Một rằng mình quyết lấy ta

    Một rằng mình quyết lấy ta
    Ta về bán cửa bán nhà mà đi
    Ta về bán núi Ba Vì
    Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
    Ta về bán hết ngựa trâu
    Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
    Bán ba mươi sáu Thổ công
    Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
    Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
    Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
    Ta về bán cả que cời
    Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
    Ta về bán trống bán kèn
    Có gì bán hết, lấy tiền cưới em

  • Nhà em không hiếm chi hoa

    Nhà em không hiếm chi hoa
    Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung
    Cây lê, cây lựu, cây tùng
    Ba bốn cây đứng đó tứ tung một vườn
    Sau hè có đám hành hương
    Trong nhà có mấy cái rương đựng đồ
    Đựng thời chén sứ, dĩa, tô
    Gạo lúa nhe giã trắng nấu nồi đồng mắt cua
    Bữa ăn chả lụa, nem chua
    Đũa mun bịt bạc, có thua chỗ nào?

  • Rạng ngày mai, lên quán mua đồ

    Rạng ngày mai, lên quán mua đồ:
    Tần ô, cá chép, tôm tép, bí đao,
    Trầu cau, bánh thuốc, mắm ruốc, ốc sò
    Thịt bò, thịt sấu, trái ấu, gân nai,
    Bột khoai, bún nấm, nước mắm, tiêu hành
    Sâm-banh, rượu chát, cô-nhắc, la ve,
    Cà phê, bánh sữa, đãi anh một bữa cho phỉ tâm tình
    Mai sau anh rõ lại, biết mình là con gái khôn.

  • Năm voi anh đúc năm chuông

    Năm voi anh đúc năm chuông
    Năm cô anh đóng năm giường bình phong
    Còn một cô bé chửa chồng
    Lại đây anh kén cho bằng lòng cô
    Một là ông Cống, ông Đồ
    Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa
    Giả tên bà Nguyệt, ông Tơ
    Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
    Rồi ra, cửa lại treo cung
    Để cho cô đẻ, cô bồng cô ru
    Ru rằng: con bú, con nô
    Con lẫy, con bò, con chững, con đi
    Ngày sau con lớn kịp thì
    Con học, con viết, con thi cùng người

  • Thiếp nay thi lễ con nhà

    Thiếp nay thi lễ con nhà
    Thấy chàng mĩ mạo, nết na dịu dàng
    Cho nên lòng muốn đa mang
    Biết rằng quân tử có màng hay không ?
    Ngẫm duyên kỳ ngộ tương phùng
    Lứa đôi ai có đẹp bằng Tương Như ?
    Cầu hoàng một khúc lẳng lơ
    Trác Văn Quân luống ngẩn ngơ lòng sầu
    Vì đâu để lấy được nhau
    Nếu không duyên nợ có đâu thế này
    Đôi ta nay gặp nhau đây
    Ba sinh âu hẳn nợ dầy chẳng không
    Xin chàng hãy quyết đành lòng
    Nâng khăn sửa túi, má hồng tựa nương
    Họa may thau lộn với vàng

Chú thích

  1. Mui, lái, mũi
    Các bộ phận của một con thuyền.
  2. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  3. Vinh hiển
    Vẻ vang, rạng rỡ vì làm nên việc lớn, có tiếng tăm.
  4. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  5. Dây chão
    Dây thừng loại to, rất bền chắc.
  6. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  7. Thanh tân
    Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
  8. Có bản chép:
    Còn em là út thanh tân
    Có nghe em kể, lại gần mà nghe
  9. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  10. Thượng Bắc
    Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
  11. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  12. Án thư
    Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
  13. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  14. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  15. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  16. Thì
    Thời, lúc.
  17. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  18. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  19. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  21. Mao
    Một cách gọi của hào.
  22. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Cho tinh thần
    Cách nói của người miền Trung, có thể hiểu thành “cho lên tinh thần, cho (có vẻ) mạnh mẽ.”
  24. Trất
    Quách (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  27. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  28. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  29. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  30. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  31. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  32. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  33. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  34. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  35. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  36. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  37. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  39. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  40. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  41. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  42. Bồng bồng
    Loại cây thân cứng, mọc vươn thẳng, lá màu xanh đậm, nhỏ thon dài, ưa nơi đất ẩm, râm mát. Hoa bồng bồng ra từ búp ngọn rồi buông xuống thành từng chùm dài, màu trắng ngà, mùi thơm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Lá bồng bồng cũng là một vị thuốc nam.

    Hoa bồng bồng

    Hoa bồng bồng

  43. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  44. Bị
    Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.

    Bị cói

    Bị cói

  45. Có bản chép:

    Bồng bồng đổ lộc ra hoa
    Một đàn con gái hái hoa bồng bồng
    Trở ra lấy chồng
    Gánh gánh gồng gồng, bảy bị còn ba...

  46. Quyền
    Cách xưng hô với người có chức vụ ngày xưa (ông quyền, cậu quyền...).
  47. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  48. Ngựa Lồng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn gọi là thác Ngựa hoặc thác Ngựa Oằn.

    Theo Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng."

  49. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  50. Kinh thương mãi mại
    Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
  51. Nông tang
    Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
  52. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  53. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  54. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  55. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  56. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  57. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  58. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  59. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  60. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  61. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  62. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  63. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  64. nghĩa là "sao, thế nào" (từ Hán Việt). Câu này có thể hiểu nôm na là quê quán ở vùng nào, thành phố nào.
  65. Bình Dương
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

  66. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  67. Thúc bá
    Chú bác (từ Hán Việt).
  68. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  69. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  70. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  71. Thầu dầu
    Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.

    Cây thầu dầu

    Cây thầu dầu

  72. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  73. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  74. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  75. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  76. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  77. Hành hương
    Một tên khác của hẹ tây, cũng có tên là hành ta hay hành tím. 

    Củ hành

    Củ hành

  78. Lúa nhe
    Thứ lúa cổ truyền, thân mảnh, ít hạt nhưng giã trắng nấu trong nồi đất, rất dẻo và thơm. Thứ lúa này mỗi gia đình chỉ cấy một ít, dùng vào việc cúng cơm mới.
  79. Đồng điếu
    Còn gọi là đồng đỏ, đồng mắt cua hoặc đồng thanh, là hợp kim của đồng (thường là với thiếc), trong đó tỉ lệ đồng nguyên chất rất cao (97%).

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

  80. Mun
    Loài cây thân gỗ, ưa sáng, mọc chậm, sống lâu. Lõi gỗ mun khi khô có màu đen bóng, cứng và bền nên khó gia công, thường dùng làm đồ gỗ quý, thủ công mĩ nghệ cao cấp. Quả và lá dùng để nhuộm đen lụa quý. Hiện mun đang trên đà tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi.

    Gỗ mun

    Gỗ mun

    Tượng Bồ đề đạt ma điêu khắc từ gỗ mun sừng

    Tượng Bồ đề đạt ma điêu khắc từ gỗ mun sừng

  81. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  82. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  83. Bí đao
    Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.

    Trái bí đao

    Trái bí đao

  84. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  85. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  86. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  87. Sâm banh
    Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
  88. Rượu chát
    Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
  89. Cô nhắc
    Từ tiếng Pháp Cognac, một loại rượu rất nổi tiếng được sản xuất từ vùng Cognac của Pháp.
  90. La ve
    Cũng gọi là la de theo giọng Nam Bộ, cách phát âm bình dân của la bière, tiếng Pháp nghĩa là bia.

    Nhãn bia Larue dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

  91. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  92. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  93. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  94. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  95. Bát
    Bát phẩm. Ở một số triều đại phong kiến ngày trước, cấp bậc quan lại được chia theo phẩm trạch, cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm.
  96. Đô
    Đô úy, một chức quan chuyên trông coi về mặt quân sự một quận dưới thời phong kiến.

    Cử nhân: cậu ấm Kỷ
    Tú tài: con đô Mỹ
    Thi thế cũng là thi
    Ới khỉ ơi là khỉ!

    (Than sự thi - Tú Xương)

  97. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  98. Mộng hùng
    Nằm mơ thấy con gấu. Từ này lấy từ một điển cố trong Kinh Thi, đại ý nói nằm mộng thấy gấu là điềm sinh con trai. Người sau hay lấy câu Mộng hiệp hùng bi làm lời chúc mừng người sinh con trai.
  99. Lẫy
    Động tác lật người từ nằm ngửa sang nằm sấp của em bé.
  100. Thi lễ
    Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
  101. Mĩ mạo
    Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
  102. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  103. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  104. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  105. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  106. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  107. Tư Mã Tương Như
    Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

    (Truyện Kiều)

  108. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  109. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  110. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  111. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  112. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  113. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau