Tìm kiếm "máu điên"

  • Vè đi phu Cửa Rào

    Từ ngày có mặt thằng Tây
    Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
    Tai vạ trửa dân
    Hắn mần đã nghiệt:
    Khắp nơi ráo riết
    Giở sổ đếm người
    Kể chi lão phụ con trai
    Người đi phu cũng tội
    Kẻ ở nhà cũng tội
    Vua quan bối rối
    Họ đập đánh lút đầu:
    – Phu phải đi cho mau
    Việc quan cần cho kịp!
    Một ngày phải kíp
    Để kiểm phu chợ Lường

  • Trăm năm đôi chữ tình duyên

    Trăm năm đôi chữ tình duyên
    Lấy lời vàng đá mà nguyền non sâu
    Ngày thăm thẳm nhớ non sâu
    Đêm khuya vò võ dạ sầu đăm đăm
    Tiếc về đôi chữ tình thâm
    Cho nên bối rối ruột tằm chẳng khuây
    Tình thâm kẻ đấy người đây
    Đã xe chỉ thắm còn lay cành sầu
    Biết nhau xin nhớ lời nhau
    Chơi hoa phải giữ lấy màu cho hoa.

  • Chén tình là chén say sưa

    Chén tình là chén say sưa
    Nón tình em đội nắng mưa trên đầu
    Lược tình em chải trên đầu
    Gương tình soi mặt làu làu sáng trong
    Ngồi buồn nghĩ đến hình dong
    Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta
    Duyên đôi ta thề nguyền từ trước
    Biết bao giờ ta được cùng nhau?
    Tương tư mắc phải mối sầu
    Đây em cũng giữ lấy màu đợi anh.

  • Canh một dọn cửa dọn nhà

    Canh một dọn cửa dọn nhà
    Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
    Canh tư bước sang canh năm
    Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
    Bõ công cha mẹ sắm sanh
    Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
    Nghi vệ đóng hai bên đường
    Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
    Kẻ chiêng người trống đua nhau
    Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
    Rước vinh quy về nhà bái tổ
    Ngả trâu bò làm lễ tế thần
    Để cho bảy huyện nhân dân
    No say được đội hoàng ân từ rày

  • Ðứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân, thấy nước xanh xanh như tàu lá

    Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân thấy nước xanh xanh như tàu lá
    Đứng bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn, thấy phố xá nghênh ngang
    Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn
    Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu
    Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
    Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

  • Tình cờ ta gặp nhau đây

    Tình cờ ta gặp nhau đây
    Quả cau ta bổ, chia tay mời chào
    Ðôi ta kết nghĩa tương giao
    Nào là quả mận, quả đào đong đưa
    Bùi ngùi quả ấu, quả dừa
    Xanh xanh quả mướp, quả dưa, quả bầu
    Hạt tiêu cay đắng dãi dầu
    Ớt kia cay đắng ra màu xót xa
    Mặt kia mà tưới nước hoa
    Ai đem mướp đắng mà hòa mạt cưa
    Thủy chung cho bác mẹ ưa
    Ðừng như đu đủ nắng mưa dãi dầu
    Yêu nhau đá bắc nên cầu
    Bồ quân lúc chín ra màu tốt tươi
    Hẹn chàng cho đủ mười mươi
    Thì chàng kết tóc ở đời với em

  • Thuyền ai ba bốn chiếc nghinh ngang

    Thuyền ai ba bốn chiếc nghinh ngang
    Chiếc nào chưa vợ để thế gian đi nhờ?
    Để làm chi lững đững lờ đờ
    Kẻ đi không dứt, người ngồi chờ căn duyên
    Gá lời kêu chàng ở dưới thuyền
    Đưa em qua đó, hết nhiêu tiền trả cho!
    Làm người đừng có so đo
    Ta chưa trốn chợ lật đò mấy khi
    Chèo thuyền ra rước mau đi
    Kẻo mà thục nữ chờ lâu mất lòng
    – Thuyền anh ba bốn chiếc bộn bề
    Chiếc vô Gia Định, chiếc về Nha Trang
    Còn dư một chiếc đưa nàng
    Em ơi bước xuống để chàng đưa qua
    Đưa em về tới quê nhà
    Chữ ân là nặng, còn là chữ duyên

  • Tôi chào cô Hai như sao mai rạng mọc

    Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
    Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
    Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
    Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
    Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
    Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
    Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
    Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
    Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
    Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
    Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
    Hỏi cho biết cửa biết nhà
    Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô.

  • Lác đác lộc cơi

    Lác đác lộc cơi
    Đôi dân nước nghĩa hồ vơi lại đầy
    Tháng giêng năm nay, ngoài em mở tiệc
    Cắt đôi mối việc vào mời trong anh
    Dân anh ở xa, mời anh ra trước
    Việc đồng cùng rước chỉ có đôi chân
    Cắt bốn trai tân để vào chân kiệu
    Ba hồi trống giục, kiệu cất lên vai
    Chân đi hàng hai, chân rùm chân bước
    Ba hồi trống trước, chân bước cho mau
    Tâm tình anh trước em sau

  • Anh làm lò đá thì có máy khoan

    Anh làm lò đá thì có máy khoan
    Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
    Anh mà làm được vẹn tuyền
    Thì anh mới được tính tiền công cho
    Công thì bốn tám đồng xu
    Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
    Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
    Nó còn lưu lại để giam giữ mình
    Thằng Tây, thằng xếp một vành
    Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
    Làm thì phoi đá, phong than
    Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
    Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
    Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
    Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
    Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi.

  • Vào tầng cũng lắm thằng Tây

    Vào tầng cũng lắm thằng Tây
    Thằng kia mũ trắng, thằng đây mũ vàng
    Đường goòng bắc dọc bắc ngang
    Nào hầm lò, nào xe cộ linh tinh
    Trôg lên núi lửa cháy bừng bừng
    Mìn nổ đùng đùng, đá chuyển vang vang
    Đường tầng như thể bậc thang
    Trèo đèo, xuống dốc, ngổn ngang tơi bời
    Trông lên những núi cùng trời
    Ngoảnh mặt kẻ trước người sau giật mình
    Mênh mông ngao ngán một màu
    Đường xa cách mấy lần tàu ai ơi.

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

  • Lạy trời mưa xuống

    Lạy trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm
    Lấy rơm đun bếp
    Lấy nếp nấu xôi
    Lấy vôi ăn trầu
    Lấy bậu về ôm
    Lấy nơm đơm cá
    Lấy rá vo gạo
    Lấy dao thái thịt
    Lấy liếp làm nhà
    Lấy hoa về cúng

  • Thấy anh nhiều ngôn ngữ

    Thấy anh nhiều ngôn ngữ
    Em đây kết chữ thốt lên lời:
    Sao trên trời sao lên mấy cái?
    Nhái ngoài đồng bắt cặp mấy con?
    Cây chuối con ốp tròn mấy bẹ?
    Cây chuối mẹ tủa mấy tàu?
    Trai nam nhơn anh mà đối đặng
    Thời gái tơ đào em đưa má cho anh hun!

    Thấy em hỏi bức
    Đây anh đối lức kẻo em lừng:
    Sao trên trời, sao vua chín cái
    Nhái ngoài đồng bắt cặp hai con
    Cây chuối con ốp tròn tám bẹ
    Cây chuối mẹ màu mười tàu
    Trai nam nhơn anh đà đối đặng
    Vậy gái quần hồng em phải đưa má cho anh!

  • Con chim nó kêu

    Con chim nó kêu
    Tê lao xao xác
    Tê lao xào xạc
    Mụ ơi hỡi mụ
    Đứng lại mà xem
    Con vượn nó trèo
    Từ trái núi nọ
    Qua lối nọ đàng tê
    Mắt trông thấy trai
    Tang tình lịch sự
    Cái quần bốp tím
    Cái lông nhím bạc
    Cái lược đồi mồi
    Tình tính tinh mồi
    Lòng em quyết theo
    Em rút cái neo
    Cho con thuyền chạy

  • Nhớ cơn chung chiếu chung giường

    Nhớ cơn chung chiếu chung giường
    Nhớ cơn chung lược, chung gương, chung phòng
    Nhớ cơn chung gối, chung mùng
    Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan
    Nhớ cơn nguyệt đổi sao tàn
    Cùng nhau thu cúc xuân lan sánh bày
    Liễu đông sánh với đào tây
    Nước non chỉ nguyện rồng mây đá vàng

  • Canh một nổi ngọn đèn loan

    Canh một nổi ngọn đèn loan,
    Chờ người thục nữ thở than đôi lời.
    Canh hai nguyệt đổi sao dời,
    Tính sao thì tính trọn đời thủy chung.
    Canh ba cờ phất, trống rung,
    Mặc cho ai thẳng, ai chùn mặc ai.
    Canh tư hạc đậu cành mai,
    Sương sa lác đác, biết ai mà tầm.
    Canh năm không ngủ, không nằm,
    Trông cho mau sáng đặng tầm người thương

    Dị bản

    • Canh một thơ thẩn vào ra
      Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
      Canh hai ngồi tựa phòng loan,
      Để cho thiếp tới thở than đôi lời.
      Canh ba đang nói đang cười
      Còn hai canh nữa mỗi người một nơi
      Canh tư cắt tóc thề nguyền
      Khởi lai minh bạch trọn niềm thủy chung.
      Canh năm cờ phất trống rung,
      Gá tiếng cùng em hỡi nghe ai!
      Đặt mình xuống chiếu không sai
      Đừng thương mà nhớ đừng sầu mà hư

    • Canh một thơ thẩn vào ra
      Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
      Canh hai thắp ngọn đèn loan,
      Chờ người quân tử thở than vài lời.
      Canh ba đương nói đương cười
      Còn hai canh nữa mỗi người một phương.
      Canh tư cất bút thề nguyền
      Khứ lai minh bạch cho tuyền thủy chung.
      Canh năm cờ phất trống rung,
      Anh gá tiếng cùng bậu chớ nghe ai.

    • Bước qua canh một, anh đốt ngọn đèn vàng,
      Chờ người bạn cũ thở than đôi lời.
      Canh hai nguyệt đổi, sao dời,
      Cùng nhau tính chuyện trọn đời thủy chung.
      Canh ba cờ phất trống rung,
      Mặc ai, ai thẳng, ai dùng, mặc ai.
      Canh tư hạc đậu nhành mai,
      Sương sa lác đác biết ai mà tầm.
      Canh năm nằm dựa phòng loan,
      Mỏi mòn chờ đợi người bạn vàng của anh.

Chú thích

  1. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  2. Tạp dịch
    Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
  3. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  4. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  5. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  6. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  7. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  8. Có bản chép: Gương tàu.
  9. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  10. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  11. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  12. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  13. Bõ công
    Đáng công.
  14. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  15. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  16. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  17. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  18. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  19. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  20. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  21. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  22. Bên tê
    Bên kia (tiếng địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng).
  23. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  24. Sông Câu Nhí
    Còn gọi là sông Câu Nhi, một nhánh sông bên tả ngạn sông Thu Bồn, bắt đầu từ làng Câu Nhi chảy ra sông Vĩnh Điện rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ, đổ nước ra Cửa Hàn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) sông được đào rộng và uốn thẳng từ làng Câu Nhi đến làng Cẩm Sa. Thời Pháp thuộc sông này được khai thông và mở rộng để chở than đá từ mỏ Nông Sơn ra cảng Đà Nẵng.
  25. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  26. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  27. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  28. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  29. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  30. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  31. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  32. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  33. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  34. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  35. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  36. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  37. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  38. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  39. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  40. Cha mẹ quê quán ở đâu, anh chị em nhiều hay ít.
  41. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  42. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  43. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  44. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  45. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  46. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  47. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  48. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  49. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  50. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  51. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  52. Cơi
    Một loại cây có lá nhỏ dài, dùng để nhuộm vải thành màu vàng lục sẫm hoặc để đánh bả cá. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Loại cây này ở xã Hùng Nhĩ, dọc bờ suối và bờ sông Bứa thấy mọc rất nhiều.

    Lá cơi

    Lá cơi

  53. Nước nghĩa
    Tục lệ kết nghĩa giữa hai làng với nhau. Đây là phong tục từ xưa của hai dân tộc Việt-Mường tại làng Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
  54. Cắt đôi mối việc
    Cử một hay hai người thay mặt mình.
  55. Chân kiệu
    Người khiêng kiệu.
  56. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  57. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  58. Goòng
    Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
  59. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  60. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  61. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  62. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  63. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  64. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  65. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  66. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  67. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  68. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  69. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  70. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  71. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  72. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  73. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  74. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  75. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  76. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  77. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  78. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  79. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  80. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  81. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  82. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  83. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  84. Rồng mây
    Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
  85. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  86. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  87. Tầm phơ tầm phất
    Từ chỉ những sự vật hoặc sự việc không có nghĩa lí gì.
  88. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  89. Khởi lai
    Trỗi dậy, như khi đang nằm thì ngồi dậy (từ Hán Việt).
  90. Minh bạch
    Rõ ràng (từ Hán Việt).
  91. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  92. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  93. Khứ lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  94. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)