Này đây chính gạo tám xoan
Bao phen vất vả gian nan mới thiềng
Bây giờ ta giã cho kiên
Phòng khi yến ẩm dâng lên chớ chầy
Đã no rồi lại thêm say
Mừng rằng nay đã hây hây thái bình
Tìm kiếm "giã giò con cò"
-
-
Vè kể giăng
Mồng một cho tới mồng năm
Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
Mồng sáu, mồng bảy trở đi
Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
Mồng chín giăng ánh vườn đào
Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
Mười một sáng cả vườn dâu
Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
Mười ba giăng gió giữ duyên
Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
Gặp giăng em hỏi em chơi
Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
Đến rằm giăng đã lên cao
Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
Mười chín em định em ngồi
Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
Kể từ hăm mốt nửa đêm
Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
Cuối tháng giăng xuống biển sâu
Ba mươi mồng một ai cầu được giăng -
Gió bay cầu thấp cầu cao
Gió bay cầu thấp cầu cao,
Gió bay cầu nào con chỉ mẹ coi -
Gió đâu bằng gió Tu Bông
-
Vè Tết
Hạ lợi bước qua
Chánh ngày hăm ba
Lễ đưa ông Táo
Hai là lễ đáo
Tảo mộ ông bà
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trước
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Lo chưng đồ đạc … -
Ai đem tôi đến chốn này
Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
Trên đồn có lão quan hai
Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
Một chiếc thì chạy Cốt Na
Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
Đến mười hai giờ bốn mươi
Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
Nó quát một tiếng chẳng là
Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
Người thì ghè đá nung vôi
Người thì vác gỗ ai coi cho tường
Người thì xẻ đất đắp đường
Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
Người thì xẻ ván đóng xe
Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
Người xe hỏa, người máy rồng
Người biên kho gỗ, người trông kho dầu … -
Vè bán quán
Tui xin mời cô bác
Cùng quý vị gần xa
Đi chơi hay về nhà
Lâu lâu gặp bằng hữu
Tui mời cho đầy đủ
Không sót một người nào
Chủ quán xin mời vào
Dùng cơm hay hủ tiếu
Thịt quay cùng xá xíu
Hễ có tiền là ăn
Thịt chó xào rau cần
Thịt bò thì nhúng giấm
Gà tơ thì nấu nấm
Chim sẻ thì rô ti
Cua lột chiên bột mì
Cá lý ngư làm gỏi
Nem nướng rồi bánh hỏi
Trứng vịt, trứng gà ung
Hẹ bông nấu với lòng
Cá thu thì kho rục … -
Vè chàng Lía
Lía ta nổi tiếng anh hào
Sơn hà một góc thiếu nào người hay
Bạc tiền thừa đủ một hai
Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
Làm cho bốn biển anh hùng
Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
Kẻ nào tàn ác lâu nay
Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
Nhất nhì những bực nhà quan
Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
Nhà nào nhiều bạc dư tiền
Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
Tuy chàng ở chốn non đầu
Nhưng mà lương thực vật nào lại không
Lâu la ngày một tụ đông
Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
Mọi người trên dưới trong ngoài
Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
Tiếng tăm về đến trào đàng
Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
Nam triều chúa ngự ngai vàng
Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
Có quan ngự sử bày phô
Tâu lên vua rõ lai do sự tình
Đem việc chàng Lía chiêu binh
Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
Nào khi Lía phá xóm làng
Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
Kể tên những bậc phú hào
Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
Vua ngồi nghe rõ một hai,
Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
– Dè đâu có đứa gian tà
Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
Truyền cho mười vạn binh hùng
Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
Gập ghềnh bao quản núi non
Dậy trời sát khí quân bon lên rừng. … -
Đổng Kim Lân hồi còn nhỏ
-
Chẳng ai bội bạc như chàng
Chẳng ai bội bạc như chàng
Đang cơn cả gió chia vàng giữa sôngDị bản
-
Mẹ già như trái chín cây
Mẹ già như trái chín cây
Gió đưa trái rụng, con rày mồ côi. -
Đã mong kết nghĩa tương giao
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Cho dù có sống đến già
Cho dù có sống đến già
Cho dù béo tốt cũng là phí toi
Bây giờ pháo đã tịt ngòi
Gia tài còn lại: một vòi nước trong -
Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông
Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
Nữa mai bóng quế dãi thềm
Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
Chân đi thất thểu lời anh dặn dò -
Mẹ già như chuối ba hương
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Đường mía lau càng lâu càng ngát
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say
Ba hương lây lất tháng ngày
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
Mẹ già như áng mây trôi
Như sương trên cỏ, như lời hát ru
Lời hát ru vi vu trong gió
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
Mây trôi lãng đãng trên ngàn
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng. -
Anh chết ba năm sống lại một giờ
– Anh chết ba năm sống lại một giờ
Để xem người ngọc phụng thờ ra sao?
– Thờ chàng đĩa muối đĩa rau
Thờ cha kính mẹ mâm cao cỗ đầyDị bản
Anh nằm chết thử vài giờ
Để xem con vợ ruột nó phụng thờ ra sao?
-
Vè cô Giang
Kể từ quân Pháp sang đây
Hại người cướp của bấy nay đã nhiều
Dân tình đồ thán đủ điều
Căm gan tức chí phải liều ra tay
Anh hùng đã tỏ tài trai
Nữ nhi cũng chẳng kém loài bồng tang
Nhớ xưa phất ngọn cờ vàng
Bà Trưng, Bà Triệu chiến trường xông pha
Cai Vàng lại có bà Ba
Tây Sơn bà Phó cũng là anh thư
Xúm tay xoay lại cơ đồ
Dân yên quốc thịnh phất cờ Việt Nam … -
Ba với ba là sáu
-
Vào vườn trảy quả cau non
Vào vườn trảy quả cau non
Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên
Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa
Anh đã có vợ con chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nào?
Để em tìm vào hầu hạ thay anh
Chẳng tham nhà ngói rung rinh
Tham về một nỗi anh xinh miệng cười
Miệng cười anh đáng mấy mươi
Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm -
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Dấn thân vào những chỗ hang sâu
Quanh năm cơm nắm nước bầu
Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
Dưới lò giếng lần đi từng bước
Đào khoét ra mới được đồng công
Suốt ngày cặm cụi lao lung
Than già, đá rắn cũng không quản gì
Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
Lưng gò vào như gấp làm đôi
Loanh quanh xoay xở hết hơi
Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
Mới là giờ vội vã trèo lên
Trong ra non nước hai bên
Biết mình còn sống ở trên cõi trần.
Chú thích
-
- Gạo tám xoan
- Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.
-
- Thiềng
- Thành (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
-
- Kiên
- Bền, chắc, làm cho bền chắc.
-
- Yến ẩm
- Tiệc rượu (từ Hán Việt).
-
- Chầy
- Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Tu Bông
- Một địa danh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tại đây có núi Hoa Sơn, còn gọi là Tô Sơn, sau đọc trại ra thành Tu Hoa, rồi Tu Bông. Tại đây nổi tiếng nhiều gió nên còn có tên là Tụ Phong Xứ (nơi tụ gió). Vùng đất này ngày xưa cũng nổi tiếng có nhiều trầm hương.
-
- Hạ lợi
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chánh
- Chính.
-
- Ông Táo
- Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."
-
- Lễ đáo
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Tảo mộ
- Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
-
- Dĩ chí
- Cho đến (từ Hán Việt).
-
- Nêu
- Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Bãi Cháy
- Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Quan hai
- Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
-
- Cửa Lục
- Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Síp lê
- Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
-
- Bằng hữu
- Bạn bè (từ Hán Việt).
-
- Hủ tiếu
- Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.
-
- Xá xíu
- Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Rô ti
- Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Nem nướng
- Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.
-
- Bánh hỏi
- Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.
-
- Hẹ
- Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Lía
- Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)
-
- Sơn hà
- Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Lý Thường Kiệt)Dịch thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
-
- Chiêu binh mãi mã
- Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
-
- Dung
- Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
-
- Lâu la
- Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
-
- Trào đàng
- Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).
Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.
(Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)
-
- Bá quan
- Từ chữ Hán Việt bá 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
-
- Ngự sử
- Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
-
- Lai do
- Nguyên do sự việc.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phú hào
- Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Dè
- Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Binh nhung
- Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
-
- Nam hoàng
- Vua nước Nam.
-
- Quản
- E ngại (từ cổ).
-
- Đổng Kim Lân
- Kép chính trong vở tuồng Sơn Hậu (cũng thường gọi là San Hậu), một vở tuồng khuyết danh rất phổ biến từ cuối thể kỉ 18, sau cũng được chuyển thể thành cải lương. Xem trên YouTube.
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Bông
- Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
-
- Tương giao
- Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
-
- Trẩy
- Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Đồng sinh đồng tử
- Sống chết có nhau.
-
- Đồng lần
- Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
-
- Quân thân
- Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Chuối ba hương
- Còn gọi là chuối bà hương, một loại chuối lùn, quả khi chín rất dễ rụng.
-
- Người ngọc
- Người đẹp, được ví như ngọc.
-
- Đồ thán
- Nghĩa đen là bùn than (từ Hán Việt), nghĩa bóng chỉ sự khốn khổ của dân chúng.
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Hai Bà Trưng
- Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.
-
- Bà Triệu
- Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà vương nan(Vung giáo chống cọp dễ
Giáp mặt vua Bà khó)Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.
-
- Cai Vàng
- Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
-
- Bà Ba Cai Vàng
- Người vợ thứ ba của Cai Vàng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Miên, biệt hiệu là Hồng Y liệt nữ, người ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Cai Vàng tử trận vào tháng 8 năm 1862, bà tiếp tục lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu đến gần một năm sau mới giải tán lực lượng, rồi đi tu.
-
- Tây Sơn
- Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
-
- Bùi Thị Xuân
- Nữ tướng của vương triều Tây Sơn, đồng thời là vợ Thái phó Trần Quang Diệu (nên nhân dân cũng gọi là bà Phó). Bà là người thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tài năng và dũng cảm, bà cùng chồng là hai trụ cột của vương triều Tây Sơn. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà cùng con gái bị voi giày (năm 1802).
-
- Anh thư
- Người phụ nữ anh hùng, tài năng hơn người (từ Hán Việt).
Kìa cái chết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
(Hận Nam Quan - Hoàng Cầm)
-
- Đủng đỉnh
- Còn gọi là cây đùng đình hay cây móc, là môt loài cây thuộc họ cau, lá cây có hình dáng giống như đuôi cá. Cây đủng đỉnh mọc hoang tại miền Nam nước ta. Trước đây, dân Nam Bộ thường dùng lá cây đủng đỉnh để làm cổng chào trong đám cưới.
-
- Tề
- Kìa (phương ngữ miền Trung).
-
- Hiền thê
- Vợ hiền (từ Hán Việt).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Trảy
- Hái, ngắt.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Giòn
- Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.