Tìm kiếm "giã giò"

Chú thích

  1. Hồ dễ
    Không dễ dàng.

    Chưa chắc cây cao hồ dễ im
    Sông sâu hồ dễ muốn êm đềm

    (Buồn êm ấm - Quang Dũng)

  2. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  3. Chính thất
    Vợ cả trong các gia đình giàu sang thời phong kiến.
  4. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  5. Gia thất
    Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
  6. Mần thơ
    Viết thư (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Cui
    Một loại cây chịu nước mặn, có phiến lá lớn cứng giòn, gỗ chắc, mối mọt khó gặm, có thể dùng để đóng bàn ghế.
  8. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

  9. Ở giá
    Ở góa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  11. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  12. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  13. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.
  14. Diềm
    Lá vải thêu làm rèm che mui cáng khiêng người.
  15. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  16. Cối
    Đồ dùng để đâm, giã, xay, nghiền (ví dụ: cối giã gạo, cối đâm trầu, cối đâm bèo).

    Cối đá

    Cối đá

  17. Ông già Khốt-ta-bít
    Một nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng Ông già Khottabych của nhà văn Liên Xô Lazar Lagin. Ông là một vị thần hùng mạnh trong Nghìn lẻ một đêm, bị nhốt trong một cái bình gốm dưới đáy sông Matx-cơ-va, được cậu bé Volka giải thoát nên nguyện đi theo làm mọi điều cậu yêu cầu. Tuy nhiên, do sự khác biệt quá lớn giữa xã hội Xô Viết hiện đại và thế giới cổ tích Ba Tư ông từng sống, những suy nghĩ và việc làm của ông đều có vẻ ngớ ngẩn, lẩm cẩm và bảo thủ.

    Ở nước ta, tác phẩm Ông già Khottabych đã được dịch, xuất bản và tái bản nhiều lần. Nhân vật Ông già Khốt-ta-bít trở thành quen thuộc, đến độ người miền Bắc thường gọi những người già lẩm cẩm và bảo thủ là "cụ Khốt."