Tìm kiếm "dầu chanh"

Chú thích

  1. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  2. Phi nghĩa
    Trái đạo đức, không hợp với lẽ công bằng.
  3. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  4. Đơn bạc
    Mỏng manh, ít ỏi. Không nhớ ơn nghĩa, không giữ được tình nghĩa trọn vẹn.
  5. Đượm
    (Nói về chất đốt) Dễ bắt lửa, cháy tốt, đều và lâu.
  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  8. Có bản chép: quản.
  9. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  10. Nói hành
    Nói xấu về người khác.
  11. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  12. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  13. Để
    Ruồng bỏ.
  14. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  15. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  16. Động tác dùng ngón trỏ và ngón cái mà vo viên cho tròn.
  17. Tiểu
    Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
  18. Thiền Quang
    Còn gọi là Thiều Quang, một ngôi chùa cổ, nay thuộc xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
  19. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  20. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  21. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  22. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  23. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  24. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  25. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  26. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  27. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  28. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  29. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  30. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  31. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  32. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  34. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  35. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  36. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  37. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  38. Quản
    E ngại (từ cổ).
  39. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  40. Chính thất
    Vợ cả trong các gia đình giàu sang thời phong kiến.
  41. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  42. Gia thất
    Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
  43. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  44. Chồn đèn
    Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
  45. Nha
    Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
  46. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  47. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  48. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  49. Theo Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính): Tối sợ kẻ trộm vào nhà thì dựng ngược một cái chổi ở cửa ra vào, và đọc [câu thần chú này].
  50. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  51. Trèo cau

    Trèo cau

  52. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  53. Thắt cổ bồng
    Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
  54. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  55. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  56. Trị thủy
    Cải tạo sông ngòi và điều tiết dòng chảy để sử dụng sức nước và ngăn ngừa lũ lụt.
  57. Các cửa ô Hà Nội
    Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách vở, báo chí, trong các tác phẩm thi ca, người ta chỉ còn nhắc đến Hà Nội 5 cửa ô.

    Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.

    Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

    Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

  58. Sông Lục Đầu
    Còn được gọi là Lục Đầu Giang, tên cũ là sông Phù Lan, quãng sông tạo thành bởi hợp lưu của sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phong thủy gọi đây là thế đất “lục long tranh châu” (sáu con rồng tranh nhau hòn ngọc). Giặc ngoại xâm nhiều lần theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng, vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Lục Đầu Giang để tấn công vào Thăng Long. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc thủy chiến dữ dội, mà lớn nhất là cuộc chiến năm 1285 giữa quân nhà Trần (Đại Việt) với giặc Nguyên Mông.

    Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.

    Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10

  59. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  60. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  61. Đền Sòng Sơn
    Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
  62. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  63. Động Hương Tích
    Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.

    Động Hương Tích

    Động Hương Tích

  64. Lý Quốc Sư
    (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).

    Tháp Báo Thiên

    Tháp Báo Thiên

  65. Hữu Sào
    Một vị vua huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

     

  66. Nữ Oa
    Tên một vị nữ thần khổng lồ có mặt trong cả trong thần thoại Trung Quốc và Việt Nam với tích "Nữ Oa đội đá vá trời." Theo đó, trước đây bầu trời được chống bởi một ngọn núi cao (gọi là trụ trời). Một hôm trụ trời bị gãy sụp, trời thủng, khắp nơi hỗn độn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Không nỡ nhìn nhân dân lâm vào cảnh cực khổ, bà Nữ Oa bèn bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc, vá lại bầu trời.

    Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

  67. Hạ Vũ
    Tên khai sinh là Tự Văn Mệnh, thường được gọi là Đại Vũ, sinh vào khoảng năm 2205 - 2200 TCN, mất khoảng 2198 - 2100 TCN. Ông là người sáng lập ra triều đại nhà Hạ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, được nhớ tới nhiều nhất bởi đã có công phát triển kỹ thuật trị thủy chinh phục các sông ngòi Trung Quốc.

     

  68. Ruột bầu, cách phát âm của một số vùng Bắc Trung Bộ.
  69. Tróc
    Bắt (từ Hán Việt).

    Cuộc săn dù ráo riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người phải đi xem đá bóng. (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  70. Dắt dẫn, bắt kẻ có tội (từ Hán Việt).
  71. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  72. Bắt trâu
    Một lối phạt vạ ngày xưa. Gia đình nào có gái chửa hoang phải nộp trâu cho làng.