Tìm kiếm "tài"

Chú thích

  1. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  2. Vua Lê chúa Trịnh
    Một thời kì trong lịch sử nước ta, kéo dài từ năm 1545, khi Trịnh Kiểm thâu tóm toàn bộ binh quyền nhà Lê, cho đến năm 1786, khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc đánh Thăng Long "phù Lê diệt Trịnh." Trong giai đoạn này mặc dù nhà Lê trên danh nghĩa vẫn tồn tại, nhưng thực chất quyền hành nằm cả trong tay các chúa Trịnh. Quan hệ vua Lê-chúa Trịnh thật ra là quan hệ cộng sinh: Vua Lê muốn tồn tại được phải nhờ cậy vào thế lực của chúa Trịnh; ngược lại, Chúa Trịnh muốn tiêu diệt được các đối thủ của mình cũng phải dựa vào “cái bóng” của vua Lê.
  3. Có bản chép: Thờ cha, kính mẹ mới là đạo con.
  4. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  5. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.
  6. Oằn
    Cong xuống, trĩu xuống vì sức nặng.
  7. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  8. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  10. Sình
    Bùn lầy (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  12. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Cao Thắng
    (1864 – 1893) Quê xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng và là một chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) thuộc phong trào Cần Vương. Ông có công chế tạo súng cho nghĩa quân, gây ra tổn thất lớn cho thực dân Pháp. Tháng 11/1893, Cao Thắng hi sinh trong trận tấn công đồn Nu (Thanh Chương) khi mới 29 tuổi.
  15. In đồ: Giống như in.
  16. Dầu chai
    Cũng gọi là dầu rái, làm từ nhựa cây dầu con rái (cây dầu chai). Nhựa cây dầu chai rất dính, không thấm nước và khi khô lại thì rất cứng nên nhân dân ta thường dùng để trét lên đáy ghe thuyền. Dầu chai sẽ lấp vào những kẽ ván thuyền và thấm vào gỗ ván thuyền, làm cho đáy thuyền trở nên không thấm nước và bảo vệ được gỗ thuyền khỏi bị ăn mòn do tác dụng của nước và muối.

    Một trong những cách làm ghe thuyền khác rất phổ biến là "đan" thuyền bằng nan tre, sau đó trét (sơn, quét) lên một lớp dầu chai thật dày để thuyền không thấm nước. Thúng chai và thuyền nan là hai ví dụ của cách làm này.

    Cây dầu con rái (dầu rái, dầu chai).

    Cây dầu con rái

    tau

    Mô hình thuyền Hoàng Sa, lườn thuyền bằng nan tre trát dầu rái.

  17. Khác thể
    Chẳng khác nào, giống như.
  18. Sao Hầu
    Cũng gọi là sao Hậu, tên chòm sao (gồm một ngôi sao) trong nhóm sao Thiên Thị Viên trong thiên văn cổ Trung Quốc. Nhóm sao này phân bố xung quanh cực bắc và nhóm sao Bắc Đẩu. Chúng được nhìn thấy quanh năm từ các vĩ độ trung bình của bán cầu Bắc.

    Nhóm Thiên Thị Viên

    Nhóm Thiên Thị Viên

  19. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  20. Đây là hai câu 791 và 792 trong Truyện Kiều:

    Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
    Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai:
    Biết thân đến bước lạc loài,
    Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
    Vì ai ngăn đón gió đông,
    Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.

    Đây là lúc Kiều quyết định bán mình chuộc cha.

  21. Hai chữ Kim Trọng 金重 nếu ghép lại thì thành chữ chung 鍾, ý nói chung tình. Lưu ý, ở đây tác giả dân gian đã mượn hiện tượng đồng âm vì thực chất chữ chung 鍾 này có nghĩa là cái chuông, còn chữ chung với nghĩa chỉ sự chung tình, chung thủy thì là 終.
  22. Lương nông
    Nhà nông thành thạo, nhà nông giỏi (từ Hán Việt).
  23. Cà Đó
    Một địa danh ở xã Đức Lương, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây nổi tiếng có thuốc lá rất ngon.
  24. Nồi hai
    Nồi nấu được hai lon gạo.
  25. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  26. Lê Ngô Cát
    Sử gia thời Tự Đức, người biên soạn và bổ sung cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, một cuốn sách về lịch sử nước ta dưới dạng thơ vè, nguyên là của một tác giả vô danh cuối đời Lê. Ông tự là Bá Hanh, hiệu Trung Mại, quê ở xã Hương Lang, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Tây, nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Không tha thiết với công danh, nên làm quan không bao lâu thì ông cáo quan về vui thú điền viên. Ngày 20-5-1875, ông mất tại Cao Bằng, hưởng dương 48 tuổi.
  27. Có bản chép: có.
  28. Câu ca dao này tương truyền chính là của Lê Ngô Cát tự cười mình. Giai thoại kể, khi ông dâng tập Đại Nam quốc sử diễn ca lên vua Tự Đức, vua đọc đến đoạn “Triệu thị” (tức Bà Triệu) cưỡi voi đánh quân Ngô, liền phê “Như thế hèn cho đàn ông nước Nam lắm,” sau đó thưởng cho ông tấm lụa và hai đồng tiền.