Tìm kiếm "Giờ Ngọ"

  • Vè tàu điện

    Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
    Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
    Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
    Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
    “La ga” thì ở Thụy Chương
    Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
    Bồi bếp cho chí bồi bàn
    Chạy tiền kí cược đi làm sơ vơ

  • Rắp toan cưỡi ngựa ra về

    Rắp toan cưỡi ngựa ra về,
    Chàng đề câu đối thiếp đề câu thơ,
    Mải vui ngồi chốn đám cờ,
    Tưởng nhân duyên ấy bao giờ cho quên.
    Chàng về giữ việc bút nghiên,
    Đừng ham nhan sắc mà quên học hành.
    Một mai kiếm được khoa danh,
    Trước là rạng nghiệp sau mình vinh thân.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Sáng trăng vằng vặc

    Sáng trăng vằng vặc
    Vác cặc đi chơi
    Gặp con vịt trời
    Giương cung định bắn
    Gặp cô yếm thắm
    Đội gạo lên chùa
    Giơ tay bóp vú
    Khoan khoan tay chú
    Đổ thúng gạo tôi
    Hôm nay ba mươi
    Ngày mai mồng một
    Để tôi đội gạo
    Lên chùa cúng Bụt
    Bụt ngoảnh mặt đi
    Đức Thích Ca mở miệng cười khì,
    “Của tam bảo, để làm gì chẳng bóp.”

  • Anh muốn trông

    Anh muốn trông
    Anh lên Ba Dội anh trông
    Một Dội anh trông
    Hai Dội anh trông
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ
    Anh ngồi anh nghĩ
    Thở vắn than dài
    Trúc nhớ mai
    Thuyền quyên nhớ khách
    Quan nhớ ngựa bạch
    Bóng lại nhớ cây
    Anh nhớ em đây
    Biết bao giờ cho được
    Đạo vợ chồng chẳng trước thì sau
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Chén tình là chén say sưa

    Chén tình là chén say sưa
    Nón tình em đội nắng mưa trên đầu
    Lược tình em chải trên đầu
    Gương tình soi mặt làu làu sáng trong
    Ngồi buồn nghĩ đến hình dong
    Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta
    Duyên đôi ta thề nguyền từ trước
    Biết bao giờ ta được cùng nhau?
    Tương tư mắc phải mối sầu
    Đây em cũng giữ lấy màu đợi anh.

  • Dò chân ra bãi cát dài

    Dò chân ra bãi cát dài
    Nỡ nào liễu bỏ nhành mai héo sầu
    Anh thương em vì bởi miếng trầu
    Ông Tơ bà Nguyệt ngồi rồi ước mơ
    Giàu sang phú quý, ba bốn bặc giường thờ
    Màn the gấm phủ thao rời điểm trang
    Bây giờ than thiệt với chàng
    Bần mà gặp phú luận bàn làm sao

  • Cái niêu bằng quả trứng gà

    Cái niêu bằng quả trứng gà
    Hết ba lẻ gạo chú là chú ơi
    Hết nước tôi đổ mồ hôi
    Hết ba miếng củi tôi ngồi tôi lo
    Nhà chú lắm gạo nhiều kho
    Chú cho ăn ít chẳng cho ăn nhiều
    Một bữa có một lưng niêu
    Chú thím tưởng nhiều bỏ bớt gạo ra
    Bây giờ đã đến tháng ba
    Giao trâu cho chú tôi ra tôi về
    Chú thím vác tiền đi thuê
    Tôi chẳng ở nữa tôi về nhà tôi

  • Ra vườn ngắt một cành chanh

    Ra vườn ngắt một cành chanh
    Con dao lá trúc gọt quanh tứ bề
    Đôi ta đã trót lời thề
    Con dao lá trúc để kề tóc mai
    Bây giờ chàng đã nghe ai
    Nghe trăng nghe gió, nghe ai mặc lòng
    Tưởng rằng chàng ở một lòng
    Ngờ đâu chàng lại đèo bòng đôi nơi

  • Thuyền anh đà đến bến anh ơi

    Thuyền anh đà đến bến anh ơi
    Sao anh chẳng bắt cầu noi lên bờ?
    Ðặng cơn nước đục lờ đờ
    Cắm sào đợi nước bao giờ cho trong?
    Con sông kia nước chảy đôi dòng
    Ðèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào?
    Trông thấp em lại trông cao
    Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời
    Em ơi gần bến xa vời

  • Công tôi gánh gánh gồng gồng

    Công tôi gánh gánh gồng gồng
    Giờ ra theo chồng bảy bị còn ba
    Xưa kia ở cùng mẹ cha
    Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
    Từ ngày tôi về cùng anh
    Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi
    Đất rắn nặn chẳng nên nồi
    Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng
    Có lấy thì lấy cách sông
    Để tôi lấy chồng cách ngõ anh ra

    Dị bản

    • Công tôi gánh gánh gồng gồng
      Trở ra theo chồng bảy bị còn ba
      Xưa tôi ở cùng mẹ cha
      Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
      Bây giờ tôi về cùng anh
      Anh tham nhan sắc, anh tình phụ tôi
      Đất sỏi nặn chẳng nên nồi
      Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng
      Anh đi lấy vợ cách sông
      Để tôi lấy chồng giữa ngõ anh ra

    • Xưa kia ở với mẹ cha
      Mẹ cha yêu quý như hoa trên cành
      Từ ngày tôi ở với anh
      Anh đánh anh chửi anh tình phụ tôi
      Đất xấu chả nặn nên nồi
      Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng

  • Phụ đồng ếch

    Hồn ếch ta đã về đây
    Mãi năm khô hạn ta nay ở bờ
    Ở bờ những hộc cùng hang
    Tay thì cá giỏ, tay thì cần câu
    Nó có chiếc nón đội đầu
    Khăn vuông chít tóc ra màu xinh xinh
    Nó có cái quạt cầm tay
    Nó có ống nứa bỏ đầy cóc con
    Nó có chiếc cán thon thon
    Nó có sợi chỉ thon thon mà dài
    Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
    Nó giật một cái đã sai quai hàm
    Mẹ ơi lấy thuốc cho con
    Lấy những lá ớt cùng là xương sông
    Ếch tôi ở tận hang cùng
    Bên hè rau muống, phía trong bờ dừa
    Thằng măng là con chú tre
    Nó bắt tôi về làm tội lột da
    Thằng hành cho chí thằng hoa
    Mắm muối cho vào cay hỡi đắng cay

  • Em về thưa với mẹ cha

    Em về thưa với mẹ cha
    Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
    Anh có cái cối giã bèo
    Anh xin bán để nộp cheo cho làng
    Bao giờ anh cưới được nàng
    Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
    Toà này hương lí đánh bài
    Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
    Một bên thì hát ả đầu
    Một bên hai họ têm trầu bổ cau
    Làng trên xóm dưới đồn nhau
    Đám cheo nhà ấy, đứng đầu tổng ta
    Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
    Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo.

  • Vè bài cào

    Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
    Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
    Anh em quí vị đồng bào
    Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
    Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
    Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
    Tới đây chẳng thiếu chi người,
    Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
    Dòm lên mấy cái trách trên giàn
    Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le

  • Trai nam nhi lược ngà búi tóc

    Trai nam nhi lược ngà búi tóc
    Dây lưng thì nhuộm sắc hoa hiên
    Vui chơi xe lọ, ống tiêm
    Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh
    Có phen vui thú lều tranh
    Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm
    Chiếu bắt khom để mà che gió
    Thế rồi mang xe lọ giăng ra
    Nạo kì đến sái mười ba
    Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi
    Trông người như cái ma trơi
    Tóc xù cổ ngẵng, nằm phơi xương sườn
    Hết thuốc chúng bạn hết thương
    Vợ con cũng mất với nường phù dung!

  • Bấy lâu ta ở với ta

    Bấy lâu ta ở với ta
    Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
    Bây giờ khố bẹ đi giày
    Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
    Mấy đời khoai sắn nở hoa
    Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
    Bấy lâu vua trị một mình
    Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
    Văn nhân khoa mục ở rồi
    Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
    Những anh phơ phất loàng xoàng
    Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
    Các quan trung nghĩa trong triều
    Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
    Những quân vô nghĩa, nịnh thần
    Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
    Trị dân lắm sự tham tàn
    Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
    Muốn cho bể lặng, sông trong
    Cách hết lũ ấy mới mong thái bình

  • Vè Đông Kinh

    Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
    Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
    Ngẫm xem con tạo xoay vần
    Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
    Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
    Bỗng giật mình sực thức cơn mê
    Học, thương, xoay đủ mọi nghề
    Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
    Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
    Chưa học bò vội chạy đua theo
    Khi lên như gió thổi diều
    Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
    Cách hoạt động người mình còn dại
    Sức oai quyền ép lại càng mau
    Tội nguyên đổ đám nho lưu
    Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên

Chú thích

  1. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  2. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  3. Thụy Khuê
    Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.

    Lò rượu sen Thụy Chương

    Lò rượu sen

  4. Nhà ga Sở Xe điện Hà Nội được xây năm 1889 ở làng Thụy Khuê (tên cũ là Thụy Chương), phía gần sông Tô Lịch, nay là nhà số 67B phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

    Đi xe điện ở Hà Nội xưa

    Đi xe điện ở Hà Nội xưa

  5. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  6. Tiền kí cược
    Khoản tiền cọc, đặt trước để bảo đảm.
  7. Sơ vơ
    Người soát vé tàu, theo âm tiếng Pháp serveur.
  8. Rắp toan
    Sắp sửa (từ cũ).
  9. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  10. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  11. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  12. Tam bảo
    Ba cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng, tức là bậc giác ngộ, giáo pháp của bậc giác ngộ và những người bạn đồng học. Của chùa thường được gọi là của tam bảo.
  13. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  14. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  15. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  16. Có bản chép: Gương tàu.
  17. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  18. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  19. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  20. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  21. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  22. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  23. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  24. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  25. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  26. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  27. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  28. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  29. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  30. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  31. Tứ bề
    Bốn bề, xung quanh.
  32. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  33. Nông gia
    Nhà nông.
  34. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  35. Noi
    Đi (từ cổ).
  36. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  37. Vời
    Khoảng giữa sông.
  38. Có bản chép: Giở ra.
  39. Khăn vuông
    Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
  40. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  41. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  42. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  43. Bèo ong
    Còn gọi là bèo tai chuột, lá mọc thành cụm dày, cuộn lại dọc theo sống lá như tổ ong. Nhân dân ta thường băm bèo ong cho lợn ăn.

    Bèo ong

    Bèo ong

  44. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  45. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  46. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  47. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  48. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  49. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  50. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  51. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  52. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  53. Trắc
    Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

  54. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  55. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  56. Nường
    Nàng (từ cũ).
  57. Phù dung
    Tên gọi khác của cây thuốc phiện. Chiết xuất của loại cây này dùng làm thuốc giảm đau rất tốt, đồng thời cũng là nguyên liệu để chế thuốc phiện. Vì thế người xưa gọi thuốc phiện là "nàng phù dung" hoặc "ả phù dung."

    Cây anh túc - nguồn chiết xuất thuốc phiện

    Cây anh túc - nguồn chiết xuất thuốc phiện

  58. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  59. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  60. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  61. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  62. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  63. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  64. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  65. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  66. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  67. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  68. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  69. Phong trào Duy tân
    Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.

    Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

    Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).

    Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).

    Phan Châu Trinh

    Phan Châu Trinh

  70. Thân sĩ
    Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
  71. Ái quốc
    Yêu nước (từ Hán Việt).
  72. Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
    Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.

    Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.

  73. Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
  74. Tội nguyên
    Người đứng đầu chịu tội.
  75. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.