Tìm kiếm "cá gáy"

  • Bây giờ túng lắm em ơi

    Bây giờ túng lắm em ơi
    Bán hết cái nồi cho chí cái vung
    Còn mười thước ruộng ngoài đồng
    Cửa nhà sạch hết trông mong nỗi gì
    Còn được cái ổ lợn con
    Nuôi chi ngoắt nghéo gầy mòn khốn thân
    Ăn thì chả có mà ăn
    Bán đi trả nợ cho xong, mẹ mày
    Kẻo mà nó kẹp đêm nay
    Đôi chân kẹp phản, đôi tay kẹp giường
    Giá nhà tôi đáng một nghìn
    Cầm bằng mấy chục cho liền đêm nay
    Bảy chục chẳng đủ nợ này
    Hai chân kẹp phản, hai tay kẹp giường
    Lạy ông tha kẹp cho tôi chạy tiền
    Tôi về tôi bán vợ tôi
    Lấy ba chục nữa cho đầy một trăm

  • Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót

    Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót
    Mẹ thương con cắt ruột xẻ hai
    Gái thương trai đứng đường đứng ngõ
    Trai thương gái tối mấy cũng đi
    Con cá giương vi vì hồ nước chảy
    Cần câu không gãy bởi ống tre cong
    Mượn người mối lại cái sự cho xong
    Để em về tề gia nội trợ coi trong coi ngoài

  • Thân em làm lẽ chẳng hề

    Thân em làm lẽ chẳng hề
    Có như chính thất mà lê giữa giường
    Tối tối chị giữ mất buồng
    Chị cho manh chiếu nằm suông chuồng bò
    Mong chồng, chồng chẳng xuống cho
    Ðến khi chồng xuống, gà đã o o gáy dồn
    Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn?
    Mày cho tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con!

  • Hồi nhỏ tôi ở với cô

    Hồi nhỏ tôi ở với cô
    Cô đánh, cô đuổi, cô xô xuống bàu
    Tôi về bắt ốc hái rau
    Mua bông kéo vải, làm giàu hơn cô
    Nhà tôi có cặp gà ô
    Đêm khuya nó gáy cho cô biết chừng
    Nhà tôi có cặp gà rừng
    Đêm khuya nó gáy cô đừng ngủ quên!

  • Bảo nhau gặt lúa vội vàng

    Bảo nhau gặt lúa vội vàng
    Mang về nhặt, suốt, luận bàn thóc dôi
    Người thì nhóm bếp bắc nồi
    Người đem đãi thóc để rồi đi rang
    Người đứng cối, kẻ giần sàng
    Nghe canh gà gáy phàn nàn chửa xong
    Trong làng già trẻ thong dong
    Sớm khuya bện chổi chớ hòng rỗi tay

  • Lấy chồng từ thuở mười lăm

    Lấy chồng từ thuở mười lăm
    Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
    Ðến năm mười tám, đôi mươi
    Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường
    Một rằng thương, hai rằng thương
    Có bốn chân giường gãy một còn ba
    Ai về nhắn mẹ cùng cha
    Chồng tôi nay đã giao hoà với tôi

    Dị bản

    • Lấy chồng từ thuở mười lăm
      Chồng chê tôi bé không nằm với tôi
      Đến khi mười tám đôi mươi
      Đang nằm dưới đất chồng lôi lên giường
      Lên giường anh nói anh thương
      Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương
      Anh thương em chi hung rứa
      Cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh

  • Cái cò là cái cò con

    Cái cò là cái cò con
    Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà
    Mẹ đi lặn lội đồng xa
    Mẹ sà chân xuống, phải mà con lươn
    Ông kia có cái thuyền buồm
    Chở vào rừng rậm xem lươn bắt cò
    Ông kia chống gậy lò dò
    Đi vào bụi rậm xem cò bắt lươn
    Con cò cắp cổ con lươn
    Con lươn cũng cố quấn quanh cổ cò
    Hai con, cò kéo, lươn co
    Con lươn tụt xuống con cò bay lên

    Dị bản

    • Con cò là con cò con,
      Mẹ đi xúc tép để con coi nhà.
      Mẹ đi lặn lội đường xa,
      Chân mẹ la đà đạp phải khúc lươn.
      Ông kia có chiếc thuyền lườn,
      Chở vào bụi rậm, xem lươn bắt cò.
      Ông kia chống gậy lò rò,
      Đi vào bụi rậm, xem cò bắt lươn.
      Con cò cố níu con lươn,
      Con lươn cũng cố mưu toan kéo cò.
      Hai con cò kéo lươn co,
      Con lươn thụt xuống, con cò bay lên.

  • Một năm là mấy tháng xuân

    Một năm là mấy tháng xuân
    Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
    Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
    Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
    Bảy mươi chống gậy ra đi
    Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.
    Bảy mươi chống gậy ra ngồi
    Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?

  • Một đêm là năm trống canh

    Một đêm là năm trống canh
    Tôi kể ngọn ngành cho chúng bạn nghe:
    Canh một thì đi cất te
    Canh hai trở về nấu cám lợn ăn
    Canh ba đổ gạo vô đâm
    Canh tư nhấm trấu bắc hầm nồi ngô
    Canh năm chợp mắt lơ mơ
    Chồng vừa vào rờ, gà gáy rạng đông
    Năm canh nỏ bén hơi chồng
    Vì con mụ cả, khổ không hỡi trời!
    Cái cảnh chồng chung cực lắm chị em ơi!

  • Tháng giêng là nắng hơi hơi

    Tháng giêng là nắng hơi hơi
    Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
    Thứ nhất là nắng tháng ba
    Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
    Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
    Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
    Tháng bảy là nắng vừa vừa
    Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
    Tháng chín nắng gắt nắng gay
    Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
    Tháng một là nắng mùa đông
    Tháng chạp có nắng nhưng không có gì

    Dị bản

    • Tháng giêng thì nắng hơi hơi
      Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
      Tháng ba được trận nắng già
      Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
      Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
      Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
      Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
      Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
      Tháng chín nắng ớt, nắng cay
      Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn

  • Buồn về một tiết tháng giêng

    Buồn về một tiết tháng giêng
    May áo cổ kiềng người mặc cho ai
    Buồn về một tiết tháng hai
    Bông chửa ra đài người đã hái hoa
    Buồn về một tiết tháng ba
    Con mắt la đà trong dạ tương tư
    Buồn về một tiết tháng tư
    Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn
    Buồn về một tiết tháng năm
    Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu
    Buồn về tiết tháng sáu này
    Chồng cày vợ cấy chân chim đầy đồng
    Bấy giờ công lại hoàn công

    Dị bản

    • Buôn bấc rồi lại buôn dầu
      Buôn nhiễu đội đầu, buôn nhẫn lồng tay
      Sầu về một tiết tháng giêng
      May áo cổ kiềng người mặc cho ai
      Sầu về một tiết tháng hai
      Bông chửa ra đài người đã hái hoa
      Sầu về một tiết tháng ba
      Mưa héo ruộng cà nắng cháy ruộng dưa
      Sầu về một tiết tháng tư
      Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
      Sầu về một tiết tháng năm
      Chưa đặt mình nằm gà gáy sang canh

  • Buồn về một nỗi tháng Giêng

    Buồn về một nỗi tháng Giêng
    Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
    Buồn về một nỗi tháng Hai
    Ðêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
    Buồn về một nỗi tháng Ba
    Mưa rầu, nắng lửa người ta lừ đừ
    Buồn về một nỗi tháng Tư
    Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
    Buồn về một nỗi tháng Năm
    Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu.
    Bước sang tháng Sáu lại đều
    Thiên hạ cày cấy râm riu ngoài đồng.

  • Giàu thì thịt cá cơm canh

    Giàu thì thịt cá cơm canh
    Khó thì rau muối cúng anh tôi đi lấy chồng
    Hỡi anh xấu số, chồng cũ tôi ơi
    Có khôn thiêng về hưởng đĩa xôi nhang đèn
    Anh đà hết kiếp, xin chớ ghen
    Để cho người khác cầm quyền thê nhi
    Miệng em khóc, tay bưng cái thần vì
    Tay em gạt nước mắt tay thì thắp nhang
    Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn
    Em cầm lòng chẳng được nên sang ngang từ rày

    Dị bản

    • Giàu thì thịt cá cơm canh
      Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng
      Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
      Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
      Thôi anh đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
      Để cho người khác cầm quyền thê nhi
      Miệng em khóc, tay em bế ẵm cái ông cái thần vì
      Tay em gạt nước mắt, tay em thì thắp nén nhang
      Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn!

Chú thích

  1. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  2. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  3. Cao su
    Một loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cho nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên. Cao su tự nhiên là một chất liệu rất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, dùng để sản xuất ra rất nhiều thành phẩm dùng trong đời sống. Trong thời gian đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, bắt dân đi phu dài hạn, đối xử gần như nô lệ. Tên gọi cao su bắt nguồn từ tiếng Pháp caoutchouc.

    Khai thác nhựa cao su

    Khai thác nhựa cao su

  4. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  5. Lang
    Cách gọi cũ của người làm nghề thầy thuốc, thường là Đông y.
  6. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  7. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  10. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.
  11. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  12. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  13. Doan
    Duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Lần khân
    Lần lữa, dây dưa, kéo dài ra mà không chịu quyết định.

    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?

    (Truyện Kiều)

  15. Chính thất
    Vợ cả trong các gia đình giàu sang thời phong kiến.
  16. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  17. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  18. Gà ô
    Loại gà có bộ lông màu đen tuyền, được xem là gà quý.

    Gà ô

    Gà ô

  19. Suốt
    Tuốt: tuốt lúa, tuốt lá... (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Dôi
    Còn dư ra, còn thừa.
  21. Đãi
    Nhúng các chất trộn lẫn với nhau xuống nước, gạn lấy chất nặng, còn chất nhẹ cho trôi đi (đãi cát, đãi vàng...).

    Đãi cát tìm vàng

    Đãi cát tìm vàng

  22. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  23. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  24. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  25. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  26. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  29. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  30. Tái hồi
    Quay lại (từ Hán Việt).
  31. Te
    Một dụng cụ bắt tép trông rất giống cái vó, nhưng nhỏ hơn nhiều. Te gồm hai nan tre vót mảnh dài cỡ hai mét buộc chéo nhau ở giữa, phía dưới bốn đọt nan tre này được buộc vào một mảnh vải mùng hình vuông mỗi cạnh dài cỡ 8 tấc, không quá thưa để tép lọt qua, cũng không quá dày sẽ cản nước, cất lên chậm, tép sẽ nhảy hết ra ngoài. Thường một người đi cất te lúc nào cũng phải có từ vài chục cái te trở lên. Trước khi đi cất te, mọi người thường dùng cám trộn với mỡ heo rang lên thật thơm để làm mồi nhử tép. Chọn một đám ruộng, ao hồ hay mép rào nào đó. Dùng tay vén sạch cỏ rác rong rêu rồi đặt te xuống, chờ đáy te chìm sát đáy bùn thì nhón tay vắt một nhúm cám rang ném vào giữa te dụ tép. Đặt xong cái này thì đặt qua cái khác, đặt đến cái cuối cùng thì bắt đầu quay lại nhấc cái đầu tiên lên để đổ tép, và cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi ra về.

    Bắt tép

    Bắt tép

  32. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  33. Nhấm
    Nhóm lửa, đốt lửa.
  34. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  36. Tam sơn, tứ hải
    Chỉ mặt đất. Người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền).
  37. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  39. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  40. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  41. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  42. Duyên nợ từ trước. Trong câu này hàm ý là "ngày trước."
  43. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  44. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  45. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  46. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  47. Thê nhi
    Vợ con (từ Hán Việt).
  48. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  49. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).