Em muộn chồng tại số đào hoa
Anh mà muộn vợ tại mẹ cha không tiền
Em muộn chồng tại số đào hoa
Dị bản
Muộn chồng tại số sinh ra
Muộn vợ tại mẹ tại cha không tiền
Em muộn chồng tại số đào hoa
Anh mà muộn vợ tại mẹ cha không tiền
Muộn chồng tại số sinh ra
Muộn vợ tại mẹ tại cha không tiền
Chiều chiều vào khám
Như công chúa vào lầu
Bận áo không bâu
Như mình mang thiết giáp
Thầy chú đánh đạp
Như thí võ Tràng An
Quần áo lang thang
Như mình mang giáp trụ
Tuông bờ lướt bụi
Như Khương Thượng tán binh …
Bên Tây có chiếc tàu sang
Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
Cho nên anh chịu âm thầm
Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
Ra đi sông cạn đá mòn
Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
Việc Tây anh phải trẩy xa
Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
Nói ra đau đớn trong lòng
Vợ con nào biết vân mòng là đâu
Bên Tây có chiếc tàu sang
Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
Cho nên anh chịu âm thầm
Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
Ra đi sông cạn đá mòn
Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
Việc Tây anh phải trẩy xa
Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
Nói ra đau đớn trong lòng
Vợ con nào biết Hải Phòng là đâu
Việc Tây như lửa trốc đầu
Cho nên anh dặn trước sau mọi lời
Kể từ ngày xa cách người thương
Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình.
Trời hỡi trời! Sao dời vật đổi
Nên chi cỏ héo hoa sầu!
Kể từ ngày nương tựa lều tranh
Công ơn mẹ kể không xiết kể!
Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
Chữ sinh thành nghĩa mẹ tày non
Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
Cho con xin đền miếng ngọt mùi ngon …
Tình chồng vợ anh không tưởng tới
Nghĩa sinh thành anh chẳng kể chi
Sao anh bất thức bất tri
Anh đi lính mộ được gì đâu na
Anh nghe em hỏi đây mà
Ai sinh ai đẻ anh ra thành người
Sao anh không sợ người cười
Cái nòi lính mộ mấy đời sướng thân
Hỏi anh anh phải phân trần
Cha già mẹ yếu đỡ đần cậy ai?
Tình non nghĩa nước bao ngày
Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương
Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
Nữa mai bóng quế dãi thềm
Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
Chân đi thất thểu lời anh dặn dò
Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
Lên thăm Tháp Bà, về miếu Sinh Trung
Non xanh nước biếc trập trùng
Xiết bao liệt nữ anh hùng, em ơi!
Em hãy nhận lời cùng anh kết ngãi,
Ðầu ghềnh cuối bãi, ta hãy nương nhau,
Biển Cù nước mãi còn sâu,
Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.
– Mở lời chào gió, chào trăng
Chào quanh Núi Chúa, chào băng Sông Trà
Mở lời chào chị em ta
Bên hữu đàn bà bên tả đàn ông
Mở lời chào gái nữ công
Chào trai tiết hạnh giữa đám đông hội này
– Khoan khoan bớ bạn khoan chào
Lại đây ta hỏi người nào biết ta
Từ khi cha mẹ sinh ra
Tự lớn chí nhỏ, bạn ta mấy lần
Xưng rằng bạn cựu bạn tân
Lại đây ta hỏi mới giao lân kết nguyền
Ơn Phật, nhờ trời
Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
Anh Cả nhàn thật là nhàn
Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
Anh Hai vặn chão đánh thừng
Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
Anh Tư bắt ếch, mình ơi
Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
Anh Sáu đánh giậm dưới sông
Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
Anh Tám vác gạo trên ga
Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
Còn anh là út thanh tân
Có nghe anh kể, lại gần mà nghe
Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
Hoa cam hoa quýt anh thương hoa nào
Anh thương hoa mận hoa đào
Còn bên hoa cúc lọt vào tay ai
Đào kia chưa thắm đã phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
Xin chàng đừng phụ hoa ngâu
Tham vời phú quý đi cầu mẫu đơn
Dù chàng trăm giận nghìn hờn
Bông hoa dạ hợp đương cơn Tấn Tần …
Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương
Ân sai hăm tám tướng cường ngũ nhung
Xâm cương cậy thế khỏe hùng
Kéo sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh
Trời cho thánh tướng giáng sinh
Giáng về Phù Đổng ẩn hình ai hay
Mới lên ba tuổi thơ ngây
Thấy vua cầu tướng ngày rày ra quân …
Ve vẻ vè ve
Nghe vè mụ nhác
Không lo sương nác
Chỉ biết ngồi ăn
Ăn rồi lại ngủ
Ngủ rồi lại ngồi
Nước chảy bòng trôi
Mỗi ngày qua bữa
Luộc rau nhác rửa
Uống nước nhác hâm …
Cậu lính là cậu lính ơi
Tôi thương cậu lắm, nắng nôi thương hàn
Lính này có vua, có quan
Nào ai cắt lính cho chàng phải đi
Trời ơi sinh giặc mà chi
Nay trẩy kim thì, mai trẩy kim ngân
Lấy nhau chửa được ái ân
Chưa được kim chỉ, Tấn Tần như xưa
Trầu lộc em phong lá dừa
Chàng trẩy mười bốn, em đưa hôm rằm
Rủ nhau ra chợ Quỳnh Lâm
Vai đỗ gánh xuống, hỏi thăm tin chồng
Xót xa như muối bóp lòng
Nửa muốn theo chồng, nửa bận con thơ
– Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
Ở đâu là chín từng mây?
Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
Chùa nào mà lại có hang?
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
Ai mà xin lấy túi đồng?
Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai mà sinh cửa, sinh nhà, nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
– Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
Trên trời có chín từng mây
Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng
Chùa Hương Tích mà lại ở hang
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con sông Ngân Hà
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Em xin giảng rõ từng nơi từng người.
Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
Trên thời ngói lợp tòa đô
Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu
Trên thời vua Thuấn, vua Nghiêu
Ngoài dân, trong triều tòa chính sửa sang
Trên thời ngói lợp tòa vàng
Dưới dân buôn bán nghênh ngang chật bờ
Này đoạn các lái trở vô
Thuận An là chốn thuyền đô ra vào
Vát ra một đỗi khơi cao
Ta sẽ lần vào thì tới Cửa Ông
Nay đà giáp phủ Thuận Phong
Hòn Am, Cửa Kiểng nằm trong thay là …
Nam Định là chốn quê nhà
Có ai về mộ cu li ra làm
Anh em cơm nắm rời Nam
Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
Cu li kể có hàng ngàn
Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
Từ nhớn chí bé không thừa một ai
Điểm rồi lại phải theo cai
Những cai đầu dài thúc giục ra đi
Ra ngay cà rạp tức thì
Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
Anh em bàn tán xôn xao
– “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
– Xô-pha tới bến đây rồi
Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
Xuống tàu chờ đợi đã lâu
Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
Cai dặn cứ xuống Xô-pha
Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
Hải Phòng hai sở song song
Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
Một ngày tàu đã tới ngay
Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường …
Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.
Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.
Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.
Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
Sao em lại đứng với người đi xem?
Mấy lần tôi muốn gọi em
Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ
(Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.
Mai sinh là bậc thiên tài,
Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
(Nhị Độ Mai)
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.
Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...
Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.
Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.
Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10
Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.
Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.