Tìm kiếm "quý hợi"

  • Em là con gái tỉnh Nam

    Em là con gái tỉnh Nam
    Chạy tàu vượt biển ra làm Cửa Ông
    Từ khi mới mở Cửa Ông
    Đi làm thì ít, đi rông thì nhiều
    Chị em cực nhục trăm điều
    Trước làm một lượt đã trèo cầu thang
    Đặt mình chưa ấm chỗ nằm
    Đã lại còi tầm hú gọi ra đi
    Dế kêu, suối chảy rầm rì
    Bắt cô trói cột não nề ngân nga
    Đoàn người hay quỷ hay ma
    Tay mai, tay cuốc, sương sa mịt mù
    Hai bên gió núi ù ù
    Tưởng oan hồn của dân phu hiện về.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Ông hàng vịt

    Ông hàng vịt
    Ăn ít địt nhiều
    Địt vô niêu, niêu thủng
    Địt vô thúng, thúng bay
    Địt vô chày, chày gãy cổ
    Địt vô đám giỗ, bể đọi bể bát
    Địt vô nhà hát, chết con nhà trò
    Địt vô đàn bò, đẻ con me cái
    Địt vô con gái, có nghén có thai
    Địt vô con trai, hay mần hay mạn
    Địt vô Cát Ngạn, cháy cửa cháy nhà
    Địt vô làng ta, giàu sang phú quý.

  • Vè Tết

    Hạ lợi bước qua
    Chánh ngày hăm ba
    Lễ đưa ông Táo
    Hai là lễ đáo
    Tảo mộ ông bà
    Cổ tích bày ra
    Truyền cho con cháu
    Từ ngày hăm sáu
    Dĩ chí ba mươi
    Cá thịt tốt tươi
    Ông bà tiếp rước
    Phải dùng cây trước
    Lấy nó làm nêu
    Thiên hạ cũng đều
    Lo chưng đồ đạc

  • Vè chợ

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè cái chợ
    Sáng mơi xách rổ
    Đi giáp một vòng
    Hàng hóa mênh mông
    Kêu bằng Chợ Lớn
    Thiên hạ phát ớn
    Là chợ Bình Đông
    Ấm bụng no lòng
    Kêu bằng Chợ Gạo
    Thiệt là huyên náo
    Là chợ Bến Thành
    Xúm nhau giựt giành
    Là chợ Bến Tranh
    Ăn ở hiền lành
    Đi chợ Thủ Đức

  • Bữa rày mồng tám tháng ba

    Bữa rày mồng tám tháng ba
    Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
    Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
    Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
    Vợ này là vợ chính thê
    Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
    Giỗ này hết khó, hết thương
    Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
    Hết buồn rồi lại sang vui
    Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
    Nhất tuần mời, nhị tuần mời
    Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
    Bây giờ tôi được, anh thua
    Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
    Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
    Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
    Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
    Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về!

  • Trương Chi (hát xẩm)

    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
    Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
    Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
    Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
    Đêm thanh chàng hát một câu
    Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
    Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
    Anh Trương Chi bèn trở ra về
    Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
    “Kiếp này đã lỡ duyên nhau
    Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!”

  • Công tôi gánh gánh gồng gồng

    Công tôi gánh gánh gồng gồng
    Giờ ra theo chồng bảy bị còn ba
    Xưa kia ở cùng mẹ cha
    Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
    Từ ngày tôi về cùng anh
    Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi
    Đất rắn nặn chẳng nên nồi
    Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng
    Có lấy thì lấy cách sông
    Để tôi lấy chồng cách ngõ anh ra

    Dị bản

    • Công tôi gánh gánh gồng gồng
      Trở ra theo chồng bảy bị còn ba
      Xưa tôi ở cùng mẹ cha
      Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
      Bây giờ tôi về cùng anh
      Anh tham nhan sắc, anh tình phụ tôi
      Đất sỏi nặn chẳng nên nồi
      Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng
      Anh đi lấy vợ cách sông
      Để tôi lấy chồng giữa ngõ anh ra

    • Xưa kia ở với mẹ cha
      Mẹ cha yêu quý như hoa trên cành
      Từ ngày tôi ở với anh
      Anh đánh anh chửi anh tình phụ tôi
      Đất xấu chả nặn nên nồi
      Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng

  • Em về Kẻ Chợ em coi

    Em về Kẻ Chợ em coi
    Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
    Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
    Các quan trào áo bậu lưng đai
    Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
    Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
    Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
    Thương anh gối đất nằm sương

    Dị bản

    • Đường ra Kẻ Chợ xem voi
      Kìa bãi tập trận nhà chòi bắn cung
      Bắn con ngựa hồng báo tiền báo hậu
      Các quan võ thần mặc áo nậu thắt lưng xanh
      Khẩu súng vác vai chân anh quỳ đạp
      Anh đánh trận này, anh đuổi trận này giả nợ nhà vua.
      Bõ công dãi nắng dầm mưa.

  • Hòn đá cheo leo

    Hòn đá cheo leo
    Con trâu trèo con trâu trượt
    Con ngựa trèo con ngựa đổ
    Anh thương em lao khổ
    Tận cổ chí kim
    Anh thương em khó kiếm, khôn tìm
    Cây kim luồn qua sợi chỉ
    Sự bất đắc dĩ phu phải lìa thê
    Nên hay không nên, anh ở em về
    Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương

    Dị bản

    • Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt
      Ngựa trèo ngựa đổ
      Tiếc công anh lao khổ
      Tự cổ chí kim
      Mất em đi, anh khó kiếm khó tìm
      Cùng giả tỉ như cây kim mà lòn sợi chỉ
      Sao em không biết nghĩ suy
      Em ham nơi quyền quý, em không có nghĩ gì tới anh
      Hoa kia gió thổi lìa cành
      Mẹ cha ép gả, em đành chịu sao?
  • Anh nguyền cùng em Chợ Giã cho chí cầu Đôi

    Anh nguyền cùng em Chợ Giã cho chí cầu Đôi
    Nguyền lên Cây Cốc, vạn Gò Bồi giao long
    Anh nguyền cùng em thành Cựu cho chí thành Tân
    Cầu Chàm, Đập Đá, giao lân kết nguyền
    Trung Dinh, Trung Thuận cho chí Trung Liên
    Trung Định, Trung Lý cũng nguyền giao ca

Chú thích

  1. Trong nghi thức cúng mụ (cúng đầy tháng), một người bồng đứa bé trên tay, vừa đung đưa vừa hát bài này.
  2. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  3. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  4. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  5. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  6. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  7. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  8. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  9. Me
    Con bê (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
  10. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  11. Mạn
    Mượn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  12. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  13. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  15. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  16. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  17. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  18. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  19. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  20. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  21. Mơi
    Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  23. Chợ Bình Đông
    Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).

    Chợ Bình Đông

    Chợ Bình Đông

  24. Chợ Gạo
    Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Kênh Chợ Gạo

    Kênh Chợ Gạo

  25. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  26. Chợ Bến Tranh
    Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  27. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  28. Húy nhật
    Ngày kị, ngày giỗ. Từ Hán Việt húy nghĩa là tên của người chết.
  29. Chính thê
    Vợ chính, vợ cả.
  30. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  31. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  32. Tiết phu tiết phụ
    Giữ trọn tình nghĩa vợ chồng.
  33. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  34. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  35. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  36. Ở hướng nam thì về hướng nam, ở hướng tây thì về hướng tây.
  37. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Thậm
    Rất, lắm.
  39. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  40. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  41. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  42. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  43. Có bản chép: Giở ra.
  44. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  45. Trào
    Triều (từ cũ).
  46. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  47. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  48. Tận cổ chí kim
    Từ xưa đến nay.
  49. Khôn
    Khó mà, không thể.
  50. Phu
    Chồng (từ Hán Việt).
  51. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  52. Lòn
    Luồn, lách (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Một kiểng hai huê
    Cũng phát âm thành "một kiểng hai quê" ở Nam Bộ, nghĩa là một cây (cảnh) có hai bông hoa, nghĩa bóng chỉ chuyện một chồng hai vợ. Còn có nghĩa một xứ sở mà hai quê hương, chỉ cảnh tha hương, lênh đênh rày đây mai đó.
  54. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  55. An Khê
    Tên một cái đèo giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, đồng thời cũng là tên một trong hai thị xã của tỉnh Gia Lai. Khu vực An Khê đồi núi trập trùng, hiểm trở, nên được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong những ngày đầu kháng chiến.

    Đèo An Khê

    Đèo An Khê

  56. Phú Tài
    Địa danh trước đây là một thôn thuộc xã Phước Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1986, xã Phước Thạnh được sáp nhập vào thành phố Quy Nhơn, khu vực này trở thành ngã ba Phú Tài.
  57. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  58. Cây Cốc
    Tên một cái đèo ở tỉnh Bình Định.
  59. Gò Bồi
    Tên một vạn (làng chài) thuộc làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi sông Côn đổ ra biển. Thị trấn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Đặc biệt ở đây có nghề làm nước mắm truyền thống từ hai trăm năm trước.

    Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
    Nên đến già thơ anh còn đậm đà thấm thía.

    (Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu)

    Gò Bồi ngày nay

    Gò Bồi ngày nay

  60. Đồ Bàn
    Tên một thành cổ nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Đây là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn còn có tên là Vijaya, thành cổ Chà Bàn, thành Hoàng Đế, hoặc thành Cựu.

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

  61. Thành Bình Định
    Tên một tòa thành cổ, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814 với vai trò là thủ phủ trung tâm của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định, hiện nay thuộc đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định, trung tâm thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành được sử dụng trong thời gian 132 năm, từ năm 1814 đến năm 1946. Từ năm 1946, do cuộc chiến tranh với Pháp thành đã bị phá hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn biểu tượng của ngôi nhà đón khách còn sót lại và cổng thành phía đông (cửa đông) được xây dựng lại, bên trên có tầng lầu. Thành Bình Định được dân gian gọi là thành Tân, đối lại với thành Cựu (thành Đồ Bàn).

    Cửa Đông thành Bình Định hiện nay

    Cửa Đông thành Bình Định hiện nay

  62. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  63. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  64. Giao lân
    Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
  65. Tên các làng thuộc tổng và phủ của Bình Định ngày trước.