Thành ngữ / Tục ngữ

Chú thích

  1. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  2. Ôm rơm nặng bụng
    (Khẩu ngữ) ví việc làm không đâu, không phải việc của mình nhưng cứ làm, nên không những không mang lại lợi ích mà còn tự gây vất vả, phiền phức cho mình.
  3. Đăm
    Bên phải (từ cổ). Từ này thường bị đọc nhầm thành nam trong thành ngữ Chân đăm đá chân chiêu.
  4. Chiêu
    Bên trái (từ cổ).
  5. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  6. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  7. Ý nói "không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị" (theo Thành ngữ tiếng Việt - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1978). Trong thực tế giao tiếp hàng ngày, người ta thường nói "dùi đục chấm mắm cáy" hơn là "bầu dục chấm mắm cáy". Tuy vậy, "bầu dục chấm mắm cáy" lại là dạng ban đầu; còn "dùi đục chấm mắm cáy" chỉ là biến thể do đọc chệch "bầu dục" ra "dùi đục" mà thành.

    "Bầu dục chấm mắm cáy" hình thành trên cơ sở của độ chênh, hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm, hoàn toàn không thích hợp khi chấm với mắm cáy là loại mắm hạng xoàng. Bầu dục, nếu ăn đúng cách là phải chấm với chanh, hay nước gừng. Còn mắm cáy thì chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà...

    Nhắc đến cách ăn bầu dục, người xưa có câu:

    Sáng ngày bầu dục chấm chanh
    Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày

  8. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  9. Cò ke
    Một loài cây thân thảo. Có hai loại cò ke: loài dây leo và loài thân đứng. Quả cò ke khi chín có màu đen, vỏ nhẵn là món ăn đặc biệt ưa thích của các loài chim.

    Trái cò ke

    Trái cò ke

  10. Người ta dùng quả cò ke để bẫy chim. Bẫy cò ke có cấu tạo đơn giản nhưng hiệu quả cao. Nếu chim đã chui đầu vào ăn mồi (ăn quả cò ke) thì đều bị cần bật đập gãy cổ chết ngay. Vì vậy mà khi chim đã bị “mắc bẫy cò ke” thì khó lòng thoát chết.

    Theo kiểu bẫy cò ke dùng bẫy chim, người ta làm ra những chiếc bẫy chó tương tự và cùng tên. Vì thế trong Từ Điển Bùi Văn Tập, bẫy cò ke này được giải thích là: một bẫy chó rất sơ sài; và nghĩa bóng là mưu lừa rất tầm thường.

    Bợm già là những tay bợm lão luyện, lọc lõi trong nghề lừa lọc thế mà bị mắc bẫy cò ke tức là bị mắc mưu lừa tầm thường. Và khi đã sa cơ thì dù có là bợm già cũng khó thoát.

    Câu này ý nói những kẻ tuy có bản lĩnh vẫn có lúc bị sa cơ thất thế bởi những mưu chước rất tầm thường.

  11. Nghĩa là chim rơi, cá lặn. Ý này đầu tiên được Trang Tử nói đến. Trang Từ là người đời Chiến Quốc ở Trung Quốc, học thức rất uyên bác. Trong sách Nam hoa kinh, ông chép rằng: Mao Tường và Lệ Cơ là hai người đàn bà đẹp, cá thấy thì lặn vào hang sâu, chim thấy thì bay lên cao (ngư kiến chi nhập thâm, điểu kiến chi cao phi). Ý Trang Chu muốn nói rằng mọi sự trên đời đều là tương đối: Mao Tường, Lệ Cơ tuy đẹp, song chỉ đẹp đối với người, chứ biết đâu trông thấy họ cá chẳng sợ mà lặn sâu, chim chẳng sợ mà bay cao? Người sau hiểu khác hẳn nguyên ý ấy. Sách "Thông tục biên" dùng thành ngữ "trầm ngư lạc nhạn" (chim rơi cá chìm) để chỉ nhan sắc người đàn bà cực đẹp.

    Các nhà văn cổ điển của nước ta thường viết theo ý câu ấy:

    Mặn mà chìm cá rơi chim
    (Hoa Tiên)

    Hay:

    Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
    Lửng lơ trời nhạn ngẩn ngơ sa

    (Cung oán ngâm khúc)

    Cũng cần thấy rằng thành ngữ này mang tính văn chương nhiều hơn là tính khẩu ngữ, và đặc biệt được sử dụng nhiều trong văn học cổ.