Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Mọc lông trong bụng
    Lòng dạ độc ác, thâm hiểm.
  2. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  3. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  4. Múa bông
    Cũng gọi là múa bài bông, một cách múa trong lễ lên đồng, trong đó người múa (con hát) đeo trên vai hai ngọn đèn làm hình hoa sen thắp lên rồi vừa múa vừa tiến lui ngang dọc.

    Một thằng đầu trọc ngồi khua mõ
    Hai ả tròn xoe đứng múa bông

    (Ông sư và mấy ả lên đồng - Tú Xương)

  5. Tâu rỗi
    Tâu gởi mà cứu ai, hoặc cho ai khỏi chết. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  6. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  7. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  8. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  9. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  11. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  12. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  13. Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ
    Dùng tiền để buôn bán làm ăn (tiền ra cửa) thì mới sinh thêm lời (tiền đẻ).
  14. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  15. Bán bò tậu ễnh ương
    Ngớ ngẩn, không biết làm ăn, bán đi thứ tốt để mua về một thứ không ra gì.
  16. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  17. Quan xưởng Tràng Tiền
    Xưởng đúc tiền do nhà Nguyễn lập ra, hoạt động trong gần suốt thế kỉ 19. Xưởng đặt ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, có tên là Cục Bảo tuyền, vì là một tràng (trường, nơi sản xuất) tiền nên cũng gọi là Tràng Tiền. Tràng đúc tiền được xây dựng trên một khu đất rộng, ngày nay tương ứng với một ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây) gồm lò đúc tiền và kho tạm chứa. Chiếm được Hà Nội năm 1883, Pháp đã phá tràng đúc để lấy đất xây dựng khu trung tâm vào năm 1887.
  18. Miếu Trung Hiền
    Tên một ngôi miếu xưa nằm ở kẻ Mơ, Hà Nội, nằm cạnh gốc cây đa ở đầu phố Trương Định hiện nay. Tương truyền, Trung Hiền là một người giỏi võ ở làng Tương Mai, hay hành hiệp trượng nghĩa. Khi ông bị kẻ gian sát hại, nhân dân đã dựng ngôi miếu này để thờ. Sau năm 1954 ngôi miếu bị dỡ bỏ. Năm 1980, cây đa cổ thụ cũng bị chặt hạ. Hiện nay Trung Hiền là tên gọi một ngã tư, nơi gặp gỡ của bốn con phố: Bạch Mai, Trương Định, Đại La, Minh Khai.
  19. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  20. Quan hiền kẻ Mơ
    Theo tác giả Trà Giang: Chế độ lao động sản xuất ở Tràng Tiền chủ yếu dựa trên chế độ công tượng (lao động nghĩa vụ cưỡng bức) có kết hợp với chế độ gia công thu thuế và phần nào với chế độ làm thuê tự do, trả lương hoán sản phẩm. Có giai đoạn triều đình trả công thấp, đám thợ không đủ nuôi vợ con nên thông đồng với nhau và với lính gác để ăn cắp tiền. Do ăn chia không đều, tin lọt đến tai Cai cơ Trương Văn Minh, đại sứ của Cục Bảo tuyền. Trương Văn Minh đã đích thân xuống kiểm tra. Ông này cho cân số tiền đã đúc thấy không khớp với số đồng và kẽm mà triều đình cấp đã ra lệnh điều tra nhưng không tìm ra kẻ chủ mưu cũng như người lấy cắp. Sợ nếu tiếp tục dùng thợ đúc là đàn ông thế nào cũng lại có chuyện thông đồng giữa thợ và lính gác nên Trương Văn Minh cho đám thợ đàn ông nghỉ việc và tuyển toàn phụ nữ [vì] họ thật thà hơn [...] Triều đình chấp thuận bản tấu của Trương Văn Minh. Tiếp đó Trương Văn Minh còn cho phép lính gác có quyền khám xét tất cả thợ đúc khi rời khỏi xưởng. Thế là hết giờ làm việc, chị em qua cổng về nhà đều bị lính gác kiểm tra, có lính lợi dụng sờ nắn ngực. Các cô chưa chồng đỏ mặt, còn những phụ nữ có chồng ức nổ cổ nhưng cũng không dám kêu.
  21. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  22. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  23. Tra
    Già (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Kẻ tra nghĩa là người già.
  24. Được lòng đất mất lòng đò
    Được lòng người ngày thì mất lòng người kia. Ở vào tình thế khó xử, không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.
  25. Keo
    Một trận đấu trong thể thao, đặc biệt là trong môn đấu vật.