Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  2. Lung
    Vùng đầm nước ngập, có bùn.
  3. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  4. Mạch
    Thớ (gỗ) liền nhau. Thiều Chửu: Phàm vật gì có ngánh thớ mà liền với nhau đều gọi là “mạch.”
  5. Lỗi thầy mặc sách, cứ mạch mà cưa
    Người thợ phát hiện ra lỗi của thầy (thợ cả) nhưng vẫn cưa theo mạch có sẵn. Nghĩa bóng: 1. Phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm. 2. Được giao việc thì cứ thế mà làm, việc đúng sai thuộc trách nhiệm của người khác.
  6. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  7. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  8. Trăng
    Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
  9. Giá trong
    Giá: băng, nước đông lại. Thơ văn cổ hay dùng cụm từ tuyết sạch giá trong để chỉ sự trinh trắng của người phụ nữ.

    Thung dung quan mới ướm lòng,
    Khen rằng: "Tuyết sạch, giá trong thực là"

    (Hoa Tiên truyện - Nguyễn Huy Tự)

  10. Nô bộc
    Một trong số mười hai cung của tử vi, thể hiện mối quan hệ của bè bạn, người cộng sự, cấp trên hay người giúp việc đối với thân chủ.
  11. Lủi
    Chui, lẩn, giấu mặt.
  12. Non Bồng
    "Non Bồng nước Nhược," ý nói cõi tiên, cảnh tiên. "Non Bồng" dịch từ "Bồng sơn," ngọn núi trên đảo Bồng Lai. Tương truyền, Bát Tiên (tám vị tiên trong thần thoại Trung Quốc, gồm: Hán Chung Li, Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô) ở trong tám động trên đảo Bồng Lai. "Nước Nhược" dịch từ "nhược thủy," nghĩa là nước yếu. Tương truyền, quanh đảo Bồng Lai là biển Nhược Thủy, nước ở đây yếu đến nỗi không đỡ nổi một hạt cải, nghĩa là bỏ hạt cải trên biển Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống.

    Bát tiên

    Bát tiên

  13. Sơn cước
    Chân núi, hoặc miền núi nói chung.
  14. Vĩnh Long
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được thành lập năm 1732 với tên là châu Định Viễn (thuộc dinh Long Hồ), sau lần lượt có các tên Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Cửu Long, trước khi trở lại tên Vĩnh Long vào năm 1992. vào cuối thế kỉ 18, đây chiến trường diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút oanh liệt đánh tan năm vạn quân Xiêm cũng diễn ra tại đây.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  15. Bùi Hữu Nghĩa
    (1807 - 1872), trước có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi; từng làm quan nhà Nguyễn, đồng thời là nhà thơ và là nhà soạn tuồng của Việt Nam.

    Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, nghèo nhưng ham học. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương nên còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Là người liêm chính nên Bùi Hữu Nghĩa không được lòng quan trên, và vì vậy đường công danh gặp nhiều bất trắc. Ông là người có tài về thơ nhưng lại nổi danh về tuồng hát bội. Khắp miền Nam kỳ lục tỉnh vào khoảng giữa cuối thế kỷ 19 không ai không biết đến tài năng của ông. Các bản tuồng nổi tiếng của ông: Tây du, Mậu tòng, Kim Thạch kỳ duyên.

  16. Phan Thanh Giản
    (1796 - 1867) Danh sĩ và đại thần triều Nguyễn, học rộng, thanh liêm, nhưng do dự và nhu nhược trong cơn quốc biến. Ông là người đại diện cho triều đình Tự ĐứcHòa ước Nhâm Tuất, theo đó ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường được nhượng cho Pháp. Nhân dân thời ấy có câu "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi rẻ nhân dân). Vào cuối đời, ông làm quan tại Vĩnh Long. Ngày 4/8/1867, sau 17 ngày tuyệt thực, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.

    Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

    Phan Thanh Giản

    Phan Thanh Giản

  17. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  18. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  19. Bạch chỉ phân du
    Đường chỉ màu trắng bên trong vỏ quế. Cây quế nào có đường chỉ này là quế rất tốt.
  20. Cân tiểu li
    Loại cân dùng để cân những vật rất nhỏ (vàng, đá quý...) với độ chính xác cao.

    Một loại cân tiểu li

    Một loại cân tiểu li

  21. Ngọc liên thành
    Ngọc rất quý. Theo điển tích Trung Hoa, nước Triệu có viên ngọc bích là quốc bảo (xem thêm ngọc bích họ Hòa). Nước Tần đòi đổi 15 tòa thành để lấy viên ngọc này. Lạn Tương Như được Triệu vương cử đi sứ sang Tần, khi biết Tần vương có ý cướp ngọc mà không muốn đổi thành, Lạn Tương Như đã dọa đập vỡ ngọc, sau đó dùng kế để đưa ngọc về Triệu. Vì điển tích này mà ngọc bích họ Hòa còn được gọi là ngọc liên thành.

    Sau này thành ngữ "giá trị liên thành" dùng để chỉ những vật rất quý giá.

  22. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  23. Lời nói gói vàng
    Lời nói nếu khéo sử dụng cũng có giá trị như gói vàng.
  24. Xôi vò
    Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.

    Xôi vò

    Xôi vò

  25. Dầu
    Để đầu trần (phương ngữ).
  26. Chữ lầu 楼 gồm bộ mộc 木(cây), mễ 米 (gạo), và nữ (女) ghép lại mà thành.
  27. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  28. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  29. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo