Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: quan tướng.
  2. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  3. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  4. Cách gặt lúa ở Nghệ Tĩnh, hễ gặt đầy trong nắm tay thì gọi là một “tay,” hai tay nhập lại một thì gọi là một “gồi,” bốn gồi kết lại với nhau thành một “lượm,” bốn lượm cột lại thành một “bó,” hai bó là một “gánh” (đây là gánh lúa tám có tám lượm, người yếu hoặc lúa nhiều hạt nặng quá thì gánh lúa sáu, nghĩa là sáu lượm). Mỗi gánh lúa có 32 gồi tức là 64 tay, một trăm gánh có 6.400 tay hoặc 3.200 gồi.
  5. Chồn đèn
    Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
  6. Đinh Văn Nhưng
    Tục danh là ông Chảng, một nhân vật lịch sử của Bình Định. Ông sinh ở làng Bằng Châu, nay thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, là bạn của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn), đồng thời là thầy dạy võ của Nguyễn Nhạc. Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, muốn ban chức cho ông, ông trả lời “Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi, ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...”. Vua đồng ý, ông Nhưng cầm bút viết 4 câu chữ Nôm

    Bùng binh chi tướng
    Uýnh cướng chi quan
    Bộn bàng chi chức
    Chảng chảng ngang thiên

    Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch nghĩa 4 câu này là "Tướng lớn/ Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên/ Chức nhiều/ Chảng ngang hàng với trời."

    Câu chuyện ông Chảng tự phong chức cho mình, cùng với câu "Chảng chảng ngang thiên," dần tạo nên câu nói "Ngang quá ông Chảng," chỉ những người có tính cách ngang bướng.

    Ông Chảng về làng

    Ông Chảng về làng

  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Nhộng
    Hình thái của một số loài sâu bọ trước khi thành bướm. Nhộng của con tằm là món ăn dân dã quen thuộc và bổ dưỡng.

    Nhộng tằm xào lá chanh

    Nhộng tằm xào lá chanh

  9. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  10. Về nguồn gốc của câu ca dao này, xin xem câu "Nực cười ông huyện Hà Đông."
  11. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  12. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  13. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  14. Vùa
    Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.

    Từ này cũng được phát âm thành dùa.

  15. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  16. Lá bàng tai trâu, sầu đâu chân chó
    Chỉ quãng thời gian mùa xuân từ tháng hai trở đi. Theo Vũ Bằng: Trên các cành bàng, lá non hé mở và cuốn lại, chưa bung ra hết, y như thể tai trâu, còn cây sầu đâu thì từ khoảng này cũng trổ lá non nhưng nhúm lại với nhau thành một hình tròn như vết chân con chó để lại trên mặt đất, sau một đêm mưa tuyết (Thương nhớ mười hai).
  17. Nhập gia tùy tục
    Vào nhà nào thì phải theo phong tục của nhà đó. Mở rộng ra, đến nơi nào thì phải theo phong tục tập quán của nơi đó.
  18. Sút ngạc
    (Lưỡi dao) sút ra, rời khỏi cán dao.
  19. Hạnh
    Trong ca dao, chữ hạnh ghép với các danh từ khác (như buồm hạnh, buồng hạnh, phòng hạnh, vườn hạnh, ...) thường dùng để chỉ những vật thuộc về người phụ nữ, trong các ngữ cảnh nói về sự hi sinh, lòng chung thủy, hay những phẩm hạnh tốt nói chung của người phụ nữ. Có thể hiểu cách dùng như trên bắt nguồn từ ý nghĩa chung của từ hạnhnết tốt.
  20. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  22. Ai hoài
    Buồn thương và nhớ da diết (từ cũ, dùng trong văn chương).
  23. Đại Phong
    Tên Nôm là làng Đợi, một ngôi làng nay thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  24. Tuy Lộc
    Một ngôi làng nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
  25. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  26. Gà lấm lưng, chó sưng đồ
    Gà mái bị trống đạp nên lưng bị lấm, chó cái bị nhảy (sưng bộ phận sinh dục). Theo kinh nghiệm dân gian, gà và chó thời kì động dục thì thịt ngon.