Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đàn ông bán nhà, đàn bà bán lợn
    Mỗi người có một sở trường, một khả năng riêng.
  2. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  3. Uống nước
    Cũng gọi là ăn uống nước, từ địa phương miền Trung để chỉ bữa ăn nhẹ giải lao giữa buổi làm ruộng (cày bừa, gặt hái). Món ăn trong bữa ăn uống nước thường là các món dân dã như mì Quảng, bánh tráng, mít trộn...
  4. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  5. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  6. Phú Bông
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  7. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  8. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  9. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  10. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  11. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  12. Làng Đăm
    Làng cổ nay thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Đăm nổi tiếng nghề trồng rau dưa. Lễ hội đua thuyền truyền thống trong các dịp hội làng vào tháng ba âm lịch cũng là một nét văn hóa đặc sắc của làng.

    Lễ hội đua thuyền làng Đăm

    Lễ hội đua thuyền làng Đăm

  13. Có bản chép: Có lò đánh vật lưu truyền từ lâu.
  14. Dầu chai
    Cũng gọi là dầu rái, làm từ nhựa cây dầu con rái (cây dầu chai). Nhựa cây dầu chai rất dính, không thấm nước và khi khô lại thì rất cứng nên nhân dân ta thường dùng để trét lên đáy ghe thuyền. Dầu chai sẽ lấp vào những kẽ ván thuyền và thấm vào gỗ ván thuyền, làm cho đáy thuyền trở nên không thấm nước và bảo vệ được gỗ thuyền khỏi bị ăn mòn do tác dụng của nước và muối.

    Một trong những cách làm ghe thuyền khác rất phổ biến là "đan" thuyền bằng nan tre, sau đó trét (sơn, quét) lên một lớp dầu chai thật dày để thuyền không thấm nước. Thúng chai và thuyền nan là hai ví dụ của cách làm này.

    Cây dầu con rái (dầu rái, dầu chai).

    Cây dầu con rái

    tau

    Mô hình thuyền Hoàng Sa, lườn thuyền bằng nan tre trát dầu rái.

  15. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  16. Tương truyền bài ca dao này nói về việc Trần Cảnh cưới Lý Chiêu Hoàng, được Chiêu Hoàng nhường ngôi vua, sau giáng bà xuống làm công chúa rồi gả cho danh tướng dưới quyền là Lê Phụ Trần.
  17. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  18. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Chợ Giang xưa là chợ trâu, phiên chính vào ngày rằm hàng tháng, đông nhất vào rằm tháng tám.
  19. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Long Thành
    Thành Thăng Long, tên cũ của Hà Nội trước năm 1831.
  21. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  22. Hàng Bồ
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Bồ từ ngã tư Hàng Thiếc - Thuốc Bắc đến ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bồ xưa là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ tre nứa như bồ, sọt, thúng, mủng.

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

    Một cửa hàng trên phố Hàng Bồ cũ

  23. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  24. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  25. Hàng Buồm
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Buồm, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm may bằng vải hoặc đan bằng cói cho thuyền bè, các loại vỉ buồm, chiếu buồm, cùng bị, giỏ, chiếu, mành, và các sản phẩm làm từ cói khác.

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Buồm dưới thời Pháp thuộc

  26. Hàng Thiếc
    Một phố nghề có từ lâu đời của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Thiếc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ban đầu phố Hàng Thiếc chuyên làm các sản phẩm như đèn, lư hương, khay, ấm... bằng thiếc, về sau phát triển thêm các mặt hàng gia dụng bằng sắt tây. Ngày nay nghề làm đồ sắt vẫn phát triển mạnh ở đây, giúp Hàng Thiếc trở thành một trong số ít các phố nghề ở Hà Nội vẫn còn giữ được nghề truyền thống.
  27. Hàng Hài
    Một phố của Hà Nội xưa, tương ứng với đoạn đầu của phố Hàng Bông từ Hàng Hòm đến Hàng Mành, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Hài xưa có nhiều hàng làm hài, giầy, guốc.
  28. Có bản chép "Hàng Bài," cũng là một con phố của Hà Nội xưa, nay là phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Bài xưa có nhiều hàng bán những cỗ bài lá (tam cúc, tổ tôm).
  29. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  30. Mã Vĩ
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn phố Hàng Nón ngắn từ ngã ba Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm. Phố Mã Vĩ xưa có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại trang phục sân khấu như mũ mão, mũ cánh chuồn, râu tóc, chủ yếu làm từ lông đuôi ngựa, nên có tên là phố Mã Vĩ (đuôi ngựa).
  31. Hàng Điếu
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Điếu, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặt hàng chính của phố Hàng Điếu xưa là các dụng cụ để hút thuốc, như ống điếu, điếu bát, điếu cày, nghề này mai một vào đầu thế kỉ hai mươi.

    Phố Hàng Điếu ngày trước

    Phố Hàng Điếu ngày trước

  32. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  33. Hàng Lờ
    Một phố của Hà Nội xưa, ngay là đoạn cuối của phố Hàng Bông, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Lờ xưa chuyên bán các dụng cụ bắt cá đan bằng tre như đó, đơm, lờ.
  34. Hàng Cót
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên Rue Takou, sau 1945 đổi thành Hàng Cót. Vào những năm đầu thế kỉ 20, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đan và buôn bán cót.

    Phố Hàng Cót những năm 1980

    Phố Hàng Cót những năm 1980

  35. Hàng Mây
    Tên một phố cổ của Hà Nội xưa, nay là phía bắc của phố Mã Mây. Cư dân phố Hàng Mây trước đây chuyên làm các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu.
  36. Hàng Đàn
    Một phố của Hà Nội xưa, nay là đoạn giữa của phố Hàng Quạt. Gọi là Hàng Đàn vì trước đây khu phố nay chuyên làm và bán các loại đàn như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt...
  37. Phố Mới
    Tên gọi khác của phố Hàng Chiếu, một phố nằm trong 36 phố cổ Hà Nội. Phố được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue Jean Dupuis, phía đầu phố là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu Pháp, có vỉa hè, cây xanh, cột đèn... nên người dân quen gọi là phố Mới.
  38. Phúc Kiến
    Tên gọi dân gian của phố Lãn Ông, một phố thuộc ba sáu phố của Hà Nội ngày xưa. Gọi như vậy vì nơi đây là khu vực cư ngụ của nhiều người Hoa Kiều gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
  39. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  40. Hàng Mã
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều cửa hàng bán đồ giấy và đồ mã.
  41. Hàng Mắm
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, khi sông Hồng chảy sát chân đê, phồ Hàng Mắm nằm cạnh bờ sông, các thuyền bán mắm đậu ở đây. Phố Hàng Mắm cho đến trước 1945 vẫn còn nhiều cửa hàng bán các loại mắm tôm, mắm cá, và cả nước mắm.
  42. Hàng Than
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều lò nung vôi, bán than.
  43. Hàng Đồng
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa là nơi có các hàng sửa chữa cũng như bán các đồ dùng bằng đồng như mâm, nồi, chân nến, lư hương.

    Phố Hàng Đồng ngày trước

    Phố Hàng Đồng ngày trước

  44. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  45. Hàng Nón
    Một phố cổ của Hà Nội, thời Pháp thuộc tên là Rue des Chapeaux, ngày nay tương ứng với đoạn phía tây của phố Hàng Nón ngã ba Hàng Thiếc trở đi, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đoạn phía đông phố Hàng Nón ngay nay xưa gọi là phố Mã Vĩ). Phố Hàng Nón ngày xưa có bán đủ loại nón đội đầu.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20.

    Đoạn chính của phố Hàng Nón đầu thế kỉ 20

  46. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  47. Hàng Hòm
    Một phố cổ của Hà Nội, thời xưa có nhiều hàng làm nghề sơn gỗ, dần dần phát triển thành bán các loại rương, hòm, tráp bằng gỗ sơn, về sau lại phát triển thêm các mặt hàng mới như va li, cặp da, túi xách. Tên phố vẫn giữ nguyên qua nhiều thời đại, nghề làm hòm vẫn phát triển cho đến sau 1975, chỉ mới mai một gần đây, thay vào đó là nghề bán sơn phát triển mạnh.

    Phố Hàng Hòm

    Phố Hàng Hòm

  48. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  49. Hàng Bông
    Tên một phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm nhiều phố cổ gộp lại mà thành: Hàng Hài, Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Cửa Quyền, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Thợ Nhuộm. Thời Pháp thuộc phố tên là Rue du Coton, sau 1945 mới chính thức mang tên Hàng Bông.

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

    Phố Hàng Bông đầu thế kỉ 20

  50. Hàng Bè
    Một phố cổ của Hà Nội, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bè. Phố này trước đây là một khúc của con đê cũ, khi dòng sông còn chảy sát chân đê, đây là nơi kết tập và bán các bè gỗ và vật liệu từ miền ngược.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bè, tranh của Bùi Xuân Phái.

  51. Hàng Thùng
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa kia có nhiều nhà sản xuất các loại thùng bằng tre, nứa, rồi gắn sơn, vật liệu tre nứa được lấy từ phố Hàng Tre kế cận.
  52. Hàng Bát
    Một phố cổ của Hà Nội, phố này bán cả hai mặt hàng là chén bát và chiếu cói. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Chiếu giáp với Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  53. Hàng Tre
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa, phố Hàng Tre nằm sát bờ sông Hồng, tre nứa từ các nơi tập kết lại rồi bán ở các gian hàng phía bờ sông.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

    Phố Hàng Tre cuối thế kỉ 19.

  54. Hàng Vôi
    Một phố cổ của Hà Nội, trước đây nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều chỗ nung vôi và bán vôi. Phố Hàng Vôi xưa tương đương với hai phố ngày nay là phố Hàng Vôi và phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  55. Hàng Giấy
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa có nhiều hàng bán các loại giấy sản xuất ở làng Bưởilàng Cót, cũng như các loại giấy quyến, giấy bạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
  56. Hàng The
    Một phố cổ của Hà Nội, nơi buôn bán các loại vải the, tơ lụa. Nay là đoạn đầu của phố Hàng Đào về phía phố Cầu Gỗ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  57. Hàng Gà
    Một phố cổ của Hà Nội, ngày xưa phố này nằm trên con đường từ cửa Đông thành hướng ra, có nhiều người dân đem gà vịt và các loại gia cầm nói chung đến tập trung buôn bán, dần thành mối. Về sau, gà vịt được bán sỉ ở trong nhà, hoặc đem bán rong ở các hàng quán. Phố Hàng Gà xưa ngày nay tương ứng với đoạn phố Hàng Gà phía trên, giữa phố Cửa Đông và ngã tư Hàng Cót - Hàng Mã, còn đoạn phố Hàng Gà phía dưới, xưa gọi là phố Thuốc Nam.

    Phố Hàng Gà

    Phố Hàng Gà

  58. Hàng Da
    Một phố cổ của Hà Nội. Ngày xưa phố có nhiều hàng bán các loại da trâu, da bò thuộc. Da được chế biến ở các ngõ Tạm Thương, phố Yên Thái gần đó rồi đem ra phố Hàng Da để bán. Đầu phố Hàng Da có chợ Hàng Da, ban đầu chủ yếu buôn bán da sống phơi khô.
  59. Mắc cửi
    Mắc sợi lên khung cửi; nghĩa bóng chỉ sự tình trạng đan xen ngang dọc dày đặc như những sợ chỉ trên khung dệt.
  60. Bút hoa
    Cây bút nở hoa, ý nói tài năng văn chương. Theo một điển tích Trung Quốc, nhà thơ Lí Bạch đời Đường nằm mơ thấy cây bút của mình nở hoa rất đẹp, từ đó thơ văn của ông ngày càng xuất sắc, nổi tiếng khắp nơi.
  61. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  62. Săng lẻ
    Còn có tên là bằng lăng, một loại cây cho gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.

    Rừng săng lẻ

    Rừng săng lẻ

  63. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  64. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  65. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  66. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  67. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  68. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  69. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  70. Chị của mẹ.
  71. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  72. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  73. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  74. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ