Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  2. Lê Thái Tông
    Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê (ở ngôi từ năm 1433 đến 1442). Ông sinh ra tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, tên thật là Lê Nguyên Long, con thứ hai của vua Lê Thái Tổ và hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Thái Tông kế vị khi mới 11 tuổi nhưng đã tỏ ra là vị vua anh minh. Ông trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt và giáng chức những quyền thần như Lê Sát, Lê Ngân. Dưới thời Lê Thái Tông, trăm họ được hưởng thái bình thịnh trị.
  3. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  4. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  5. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  6. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  8. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  9. Đinh ninh
    Nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để nhớ kỹ.

    Vầng trăng vằng vặc giữa trời
    Đinh ninh hai mặt một lời song song

    (Truyện Kiều)

  10. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  12. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Gối.
  13. Đa ngôn đa quá
    Nói nhiều sai nhiều (thành ngữ Hán Việt).
  14. Yên Thế
    Huyện cực bắc tỉnh Bắc Giang, là nơi diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).
  15. Đèo Khế
    Một cái đèo nằm giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Những năm đầu của thế kỷ 20, đồng bào Tày, Nùng từ Lạng Sơn, Cao Bằng về đây làm ruộng tạo thành nhiều xóm nhỏ len lỏi theo bờ suối. Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Khế vừa là cầu nối giữa hai khu của ATK ở Sơn Dương, Tuyên Quang và Đại Từ, vừa là đoạn đường trọng yếu hành quân lên Tây Bắc.
  16. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  17. Yên Thế là một huyện của tỉnh Bắc Giang, là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám (1884-1913). Đèo Khế thuộc tỉnh Thái Nguyên được coi là ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
  18. Đượng
    Đơn vị dùng để đo độ dài mặt hàng vải, lụa. Một đượng bằng mười thước may.
  19. Lào
    Một thứ đồ đong nhỏ, dùng để đong lường hàng hóa.
  20. Lấy đồng tiền làm lào
    Lấy đồng tiền làm thứ đong lường so sánh cho bất cứ thứ gì hay việc gì.
  21. Lâm tuyền kỳ ngộ
    Tên dân gian là Bạch Viên - Tôn Các, một truyện thơ khuyết danh phổ biến ở Nam Bộ ngày trước. Truyện kể về hai nhân vật chính là Bạch Viên (con vượn cái lông trắng) và chàng học trò Tôn Các. Nhờ phép thuật của Phật, Bạch Viên cởi bỏ lốt vượn, hóa thành thiếu nữ xinh đẹp, kết duyên cùng Tôn Các, sinh được hai con trai. Nhưng Bạch viên phải tuân lệnh Thiên đình, mãn số ở trần gian, từ giã chồng con về cõi tiên. Tôn Các ở lại trần gian, đi thi được chấm đậu, vua ban áo mão vinh quy. Sau cùng Ngọc Hoàng thương tình hai người ly biệt nên cho phép Bạch Viên xuống trần lần nữa tái hợp cùng Tôn Các để trọn đạo vợ chồng, sau khi chết lại cùng về thượng giới.

    Truyện thơ này đã được chuyển thể thành vở cải lương Bạch Viên - Tôn Các (xem tại đây).

  22. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  23. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  24. Hòn Sung
    Tên chữ là Trưng Sơn, một hòn núi thấp thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi phát tích của anh hùng Mai Xuân Thưởng và anh em nhà Tây Sơn. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định:

    Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu. Nên người địa phương thường gọi là Hòn Sung. Lưng núi có nhiều chỗ nổi từng vồng từng ụ, như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là Hòn Sưng thay vì Hòn Sung. Núi còn có tên nữa là Độc Xỉ Sơn và Độc Nhũ Sơn, vì ở xa, nếu đứng xiên một phía mà trông thì giống một chiếc răng nanh dựng ngược, còn đứng dưới mặt mà ngó thì tương tợ một nấm vú vung (theo truyền thuyết thì Độc là một mình; nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí chép chữ Độc là con bò nghé). Do đó núi lại có tên nữa là Bút Sơn.

  25. Tây Sơn
    Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  26. Mai Xuân Thưởng
    Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.

    Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.

    Lăng Mai Xuân Thưởng

    Lăng Mai Xuân Thưởng