Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  2. Nạn đói năm Ất Dậu
    Một nạn đói xảy ra tại miền Bắc trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 (Giáp Thân) đến tháng 5 năm 1945 (Ất Dậu) làm khoảng từ 400.000 đến hai triệu người dân chết đói. Nguyên nhân trực tiếp là những hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương: Các cường quốc liên quan như Pháp, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam và gây nhiều tai họa ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của người Việt. Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra khiến miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo nên càng bị đói. Ngoài ra còn có nguyên nhân tự nhiên (lũ lụt, thiên tai, bệnh dịch tả...).

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  3. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Xằng
    Sai, bậy.
  6. Lao lư
    Day dứt, xót xa (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  8. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  9. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  10. Bộ hành
    Người đi đường (từ Hán Việt). Cũng gọi là khách bộ hành.
  11. Bãi hạc, gành nghê
    Bãi chim hạc, gành con nghê, hai hình ảnh thường thấy trong hát bả trạo và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở các vùng duyên hải Trung Bộ, tượng trưng cho hành trình đi biển của ngư dân.
  12. Tịnh viện
    Tu viện theo phương pháp tịnh độ của Phật giáo.
  13. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhứt Nọc.
  14. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  15. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  16. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  17. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  18. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  19. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  22. Khác máu tanh lòng
    Không phải ruột thịt dễ đối xử tệ với nhau.
  23. Hương Sơn
    Một địa danh của tỉnh Hà Tĩnh, nay là huyện Hương Sơn. Nước chè tươi Hương Sơn rất đặc, rất chát, là một đặc sản nổi tiếng của vùng này. Có người đã mô tả loại đồ uống độc đáo này bằng câu "Khăm đũa không đổ,” có nghĩa là sánh đặc đến mức đũa cắm vào thẳng đứng.
  24. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  25. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  26. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  27. Đèn ba dây
    Loại đèn dầu lớn, thường được treo trên tường hoặc trên trần nhà để chiếu sáng cho cả phòng.

    Đèn ba dây

    Đèn ba dây

  28. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  29. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Bắt bộ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bắt bộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  31. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy