Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mình ên
    Một mình, đơn độc (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  5. Huệ
    Một loài cây nở hoa rất thơm về đêm. Vì đặc tính độc đáo ấy, huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm về đêm). Huệ được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Lưu ý phân biệt với hoa huệ tây, còn gọi là hoa loa kèn.

    Hoa huệ

    Hoa huệ

  6. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  7. Tứ Kỳ
    Một làng cổ, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, nay là hai tổ dân phố 14 và 15 thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Làng có nghề làm bún truyền thống nổi tiếng từ xưa. Hàng năm, cứ vào rằm tháng hai âm lịch, làng lại mở lễ hội thờ ông tổ nghề bún.
  8. Pháp Vân
    Tên một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Xưa kia làng có nghề làm và bán bún ốc.
  9. Xích thằng
    Sợi chỉ đỏ, dùng để chỉ duyên vợ chồng, gắn với điển tích về Nguyệt lão.

    Cạn lời, khách mới thưa rằng,
    Buộc chân, thôi cũng xích thằng nhiệm trao

    (Truyện Kiều)

  10. Tư lương
    Tư: lo nghĩ. Lương: đo lường. Tư lương: Đoán trước sự thể về sau.

    Đạo học ngày nay đã chán rồi
    Mười người đi học, chín người thôi
    Cô hàng bán sách lim dim ngủ
    Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

    (Đạo học ngày nay - Tú Xương)

  11. Hồng đào
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồng đào, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  13. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  14. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  15. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  18. Nạ
    Mẹ. Theo học giả An Chi, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ chữ 女 (nữ).
  19. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  20. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  21. Mỹ An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
  22. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  23. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  24. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  25. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  26. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  27. Ăn nói cơ cầu
    Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Ngôn dực trường phi
    Lời nói có cánh, có thể bay xa.
  29. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  30. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  31. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).