Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chích
    Chếch, nghiêng sang một bên (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Đảnh
    Đỉnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng chỉ đỉnh núi, đỉnh đèo.
  3. Lợi
    Lại (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Con sen
    Từ gọi người hầu gái dưới thời Pháp thuộc, có gốc từ tiếng Pháp servante (người ở, người giúp việc).
  5. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  7. Rau ngót
    Còn gọi là rau bồ ngót, bù ngọt hoặc bầu ngọt, một dạng cây bụi, có thể cao đến 2 m, phần thân khi già cứng chuyển màu nâu. Lá cây rau ngót hình bầu dục, mọc so le; sắc lá màu lục thẫm, rau có vị ngọt. Khi hái ăn, thường chọn lá non (món phổ biến là canh rau ngót thịt bằm). Rau ngót được dùng trong y học dân gian thuốc Nam để chữa một số bệnh.

    Rau ngót

    Rau ngót

  8. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  9. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  10. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  11. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Trộ
    Nước (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Ở đây chữ đó vừa có nghĩa là dụng cụ bắt tôm cá, vừa để trỏ người đó, người ấy.
  14. Sông Cầu
    Một nhãn hiệu thuốc lá bình dân phổ biến thời bao cấp.

    Thuốc lá Sông Cầu và Sa Pa

    Thuốc lá Sông Cầu và Sa Pa

  15. Ngưu Lang, Chức Nữ
    Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
  16. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  17. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  18. Tương thân
    Thương yêu lẫn nhau (từ Hán Việt).
  19. Phú Đa
    Tên thị trấn thuộc huyện Hòa Vang, Thừa Thiên-Huế.
  20. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  21. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  22. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  23. Chèm nhèm
    Tràn lan ra, không gọn ghẽ (phương ngữ).
  24. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  26. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  28. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  29. Cá chày
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở nước ta, dân gian còn gọi là cá rói. Cá thường sống thành đàn lớn, thân cá gần tròn, đầu to vừa, mõm tù, ngắn, có hai đôi râu bé, mắt nhỏ và đỏ, lưng và đầu hơi đen, bụng vàng hay trắng nhợt. Nhân dân ta thường đánh bắt (câu, lưới) cá chày để chế biến thành các món canh, kho, chiên giòn...

    Cá chày (cá rói)

    Cá chày (cá rói)

  30. Dún
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Dún, hãy đóng góp cho chúng tôi.