Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  2. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  3. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  4. Phú Câu
    Làng chài nằm nơi cửa sông Đà Rằng, nay thuộc phường 6 thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  5. Ô Loan
    Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  6. Tắc, hò, rì
    Những tiếng hô để điều khiển trâu bò khi cày bừa. "Hò tắc" là rẽ trái, "hò rì" là rẽ phải, "hò" (có nơi hô thành "họ") là dừng lại.
  7. Sáng tai họ, điếc tai cày
    (Trâu, bò cày) Khi được bảo nghỉ ("họ") thì nghe ngay, khi bảo cày thì lờ đi như điếc. Chỉ những người lười biếng, không thích làm việc, chỉ thích chơi bời.
  8. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  9. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  10. Đệm
    Miếng đệm dùng cho ghe đi trên sông, thường làm bằng cọng bàng. Vùng bán đảo Thủ Thiêm vốn là vùng trũng thuận lợi cho các loại bàng, lác phát triển. Đặc biệt là vùng đất Cây Bàng xưa rất nổi tiếng với nghề đan đệm buồm bằng cọng bàng.

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

  11. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  12. Kiềng
    Vòng trang sức bằng vàng hay bạc, thường được đeo trên cổ hay dưới cổ chân. Ngày xưa, kiềng cổ làm bằng vàng, to bằng ngón tay út, rỗng ruột. Kiềng có chạm khắc hoa văn được gọi là kiềng chạm, kiềng không chạm khắc được gọi là kiềng trơn.

    Kiềng của người Dao

    Kiềng của người Dao

  13. Có bản chép: Quanh năm chỉ những chùi nồi cả năm.
  14. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  15. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  16. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  18. Khi không
    Không có nguyên cớ gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  21. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  22. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  23. De Montpezat, Tartarin và Chesnay là ba trong số các đồn điền lớn nhất mà thực dân Pháp lập ra ở nước ta vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.
  24. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  25. Bâu
    Cổ áo.
  26. Sáo
    Tấm bện bằng tre hay gỗ dày, cắm chặt xuống lòng sông để ngăn tàu bè địch qua lại.
  27. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  28. Sông Mỹ Tho
    Còn có tên là sông Cửa Đại, một nhánh của sông Tiền, chảy giữa hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Sông dài khoảng 45 km, làm thành một đoạn ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Sông Mỹ Tho đổ ra biển Đông tại cửa Đại.

    Chiều xuống trên sông Mỹ Tho

    Chiều xuống trên sông Mỹ Tho, phía xa xa là cầu Rạch Miễu.

  29. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  30. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  31. Chán vạn
    Rất nhiều, kể không hết.
  32. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  33. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  34. Lam Cầu
    Cũng gọi là làng Cầu, nay là một thôn thuộc xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trước đây là xã Lam Cầu thuộc tổng Lam Cầu.
  35. Quan Nha
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
  36. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  37. Ảng
    Đồ chứa nước sinh hoạt hình tròn giống cái lu, được đúc bằng xi măng, thường thấy ở các vùng quê Quảng Nam.
  38. Lỗ lù
    Lỗ khoét trên thành hoặc dưới đáy các vật đựng nước hay ghe thuyền, dùng để xả nước khi cần.
  39. Mỗi cái ảng có một cái lù, nhưng nếu anh chàng này ngây thơ mà trả lời “hai cặp ảng là bốn cái lù” thì rơi vào bẫy của cô gái ngay, vì “bốn lù” nói lái lại thành “bú l…”
  40. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  41. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.