Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ốc gạo
    Loài động vật thân mềm thuộc họ ốc, sống ở vùng nước lợ và đáy sông, có vỏ trắng xanh, xoáy tròn, phía sau ốc có phần chóp nhọn, ốc lớn bằng đầu ngón tay, khi trưởng thành ốc gạo lớn bằng hột mít. Khi nấu chín dưới yếm hiện ra một cục mỡ nhỏ như hạt gạo. Ốc gạo được chế biến thành nhiều món đặc sản miền Nam.

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

  2. Thạch Hãn
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.

    Một góc cảng Cửa Việt

    Một góc cảng Cửa Việt

  3. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Bát phường Mai Xá
    Tên gọi chung của tám phường do dân khai hoang ở miền Tây Gio Linh, Quảng Trị lập nên từ thế kỉ 17: Bình An (Gio Bình), Phú Thọ, Ninh Xá, Phú Ốc (Gio Hoà), Lịch Sơn, Phú Nhuận, Nam Dương (Gio Sơn), Trung An (nông trường Cồn Tiên).
  5. Hà Trung
    Một làng cổ thuộc phủ Triệu Phong, huyện Gio Linh, tổng An Xá, nay thuộc Gio Linh, Quảng Trị.

    Đình làng Hà Trung

    Đình làng Hà Trung

  6. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  7. Cửa Tùng
    Địa danh nay là một thị trấn ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cửa Tùng rất giàu thủy hải sản và là một địa điểm du lịch biển có tiếng.

    Biển Cửa Tùng

    Biển Cửa Tùng

  8. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  9. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  10. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  11. Tre gai
    Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Bụi tre gai

    Bụi tre gai

  12. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  13. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  14. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  15. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  16. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  17. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  18. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  19. Ăn bần
    Ăn ghẹ, ăn nhờ.
  20. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  21. Đũa bếp
    Đũa to và dài, dùng khi nấu nướng (lật các món chiên xào, xới cơm, nhấc nồi...). Miền Bắc gọi là đũa cả.

    Đôi đũa bếp

    Đôi đũa bếp

  22. Đồng Mía, cồn Trăm
    Hai địa danh thuộc thôn Ngọc Điền, nay thuộc thị trấn Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
  23. Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân
    Tạm dịch: Nghèo giữa chợ đông ai thèm hỏi, giàu tại rừng sâu lắm kẻ thăm. Tùy theo dị bản mà trong câu này chữ "vấn" có thể thành chữ "đáo," "thâm sơn" thành "lâm sơn," "hữu viễn thân" thành "hữu khách tầm" vân vân.
  24. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  25. Vằng
    Cũng gọi là chè vằng, một loại cây bụi nhỏ mọc hoang, được dùng để pha nước uống hoặc sắc thuốc.

    Vằng

    Vằng

  26. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  27. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Lăng loàn
    Có hành vi hỗn xược, không vào khuôn phép, bất chấp đạo đức, luân lí.
  29. Dầm
    Có nơi gọi là chầm, thanh gỗ ngắn, dẹt và to bản dần về một đầu, được cầm tay để chèo thuyền.

    Chèo bằng dầm

    Chèo bằng dầm

  30. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Sáu Ghe.
  31. Mỹ Xương
    Địa danh nay thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
  32. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  33. Gầy hốc hác.
  34. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  35. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.