Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  2. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  3. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  4. Thạch tín
    Cũng gọi là nhân ngôn (vì chữ tín 信 gồm chữ nhân 亻và chữ ngôn 言 ghép lại), là tên gọi chung của một số hỗn hợp chứa chất Asen (Arsenic) và hợp chất của Asen với Oxy, rất độc, nhưng đồng thời là một vị thuốc trong đông y.
  5. Sáo
    Như đăng, làm bằng tre.
  6. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  7. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  8. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  9. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  10. Có bản chép: đâm lo vào mình.
  11. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  12. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  13. Cúc tần
    Cũng gọi là cây lức, một loại cây bụi mọc hoang, cũng được trồng làm hàng rào hoặc làm thuốc. Trong các bài thuốc dân gian, cây và lá cúc tần được dùng để chữa lao lực, chữa ho, đau đầu... Lá cây còn dùng để nấu một số món ăn và nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh.

    Cây cúc tần

    Cây cúc tần

  14. Kim ngân
    Vàng bạc (từ Hán Việt).
  15. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  16. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  17. Cái rìu
    Dụng cụ dùng để chặt cây hay bửa củi. Rìu gồm lưỡi rìu nặng và sắc bén, rèn bằng sắt hay thép tra vào một cán gỗ. Trước đây, rìu còn lại một loại vũ khí dùng trong chiến tranh.

    Cái rìu.

    Cái rìu.

  18. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  19. Săng lẻ
    Còn có tên là bằng lăng, một loại cây cho gỗ dùng làm nhà, đóng thuyền.

    Rừng săng lẻ

    Rừng săng lẻ

  20. Kiền kiền
    Còn gọi là tử mộc, mộc vương, một loại cây có nhiều ở các vùng đồi núi Trung Bộ và Tây Nguyên, chất gỗ cứng bền, lâu hỏng, xưa được dùng làm áo quan chôn sâu dưới đất hàng trăm năm không hư. Kiền kiền có ba loại: cây thớ trắng gọi là tử, thớ đỏ gọi là thu, thớ vàng gọi là . Lá cây kiền kiền dùng làm thuốc trị các chứng bệnh lở loét.

    Cây kiền kiền được chạm khắc trên Anh đỉnh (một trong Cửu đỉnh)

    Cây kiền kiền được chạm khắc trên Anh đỉnh (một trong Cửu đỉnh)

  21. Vàm
    Cửa sông. Đây là từ mượn từ tiếng Khmer péam. Nước ta có nhiều địa danh có tiền tố Vàm: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Nao, Vàm Sát, Vàm Cống...
  22. Nói lan man, không đi thẳng vào vấn đề.
  23. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  25. Ôm cây đợi thỏ
    Từ thành ngữ Hán-Việt Thủ chu đãi thố 守株待兔 (giữ gốc cây đợi thỏ). Theo sách Hàn Phi Tử: Nước Tống có một người nông dân kia đang làm đồng bỗng thấy một con thỏ hoảng loạn chạy vụt qua và đâm đầu vào cây mà chết. Người nọ hí hửng chạy tới nhặt, rồi kể từ đó bỏ bê công việc đồng áng, cứ ngồi dưới gốc cây đợi một con thỏ khác [đâm đầu vào]. Thiên hạ nghe chuyện ai cũng chê cười.
  26. Mặt nạc đóm dày
    Mặt nạc là mặt có phần thịt hai má, trán, cằm nhô ra quá nhiều. Đóm dày là đóm (củi) chẻ dày bản, khó cháy. Cả câu chỉ người ngu độn.
  27. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.