Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: nhóp nhép.
  2. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  3. Có bản chép: Giàu nghèo.
  4. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  5. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  6. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

  7. Áo chưa đậu sống
    Áo chưa may đường sống lưng.
  8. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  9. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  10. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  11. Suối Bèo
    Tên dân gian của phiên chợ Trường Định, một địa danh nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì chợ họp bên một dòng suối có rất nhiều bèo ngỗng. Thôn Trường Định chính là nơi phát tích của ba anh em nhà Tây Sơn.
  12. Đáy
    Một dụng cụ dùng để đánh bắt tôm cá. Đáy có cấu tạo giống một chiếc túi, mắt lưới nhỏ dần, được đặt cố định ở nơi có dòng chảy để chặn bắt tôm cá. Đáy được chia thành nhiều loại tùy theo vùng hoạt động, đối tượng đánh bắt và kiểu kết cấu: đáy hàng câu, đáy hàng khơi, đáy neo, đáy rạo, đáy rạch, đáy bày...

    Đóng đáy trên sông

    Đóng đáy trên sông

  13. Đụt
    Ống lưới tròn dài để đựng cá của một miệng đáy.
  14. Vời
    Khoảng giữa sông.
  15. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  16. Mâm đàn
    Mâm làm bằng gỗ đàn (bạch đàn), một loại gỗ quý, có mùi thơm.
  17. Bát bịt
    Loại bát (chén) có bịt vành quanh miệng bằng bạc, khi xưa chỉ gia đình quyền quý mới có.
  18. Thậm
    Rất, lắm.
  19. Tể tướng
    Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

    Tể tướng Nguyễn Quán Nho

  20. Cấm cung
    Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
  21. Chường
    Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  22. Thế thái nhân tình
    Chuyện đời (thế thái) và tình người (nhân tình). Chỉ hiện trạng cuộc sống nói chung.
  23. Văn mình, vợ người
    Do câu Tự kỉ văn chương, tha nhân thê thiếp, nghĩa là văn của mình (thì hay), vợ của người khác (thì đẹp).
  24. Đong buông
    Buông tay ra để thóc gạo không đầy vun miệng đấu, người mua được ít.
  25. Đong be
    Dùng hai bàn tay be miệng đấu để đong được nhiều.
  26. Câu này ám chỉ thủ đoạn lợi mình hại người của dân buôn bán.
  27. Giao ngôn
    Lời hứa, lời ước hẹn (giao nghĩa là bền chặt).
  28. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  29. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  30. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  32. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  33. Bánh khô
    Còn gọi là bánh khô mè, hoặc bánh khô khổ, là một loại bánh miền Trung, làm từ bột gạo nếp, đường và mè.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

  34. Đây là bài đồng dao miền Trung, nên bánh ú ở đây có lẽ là bánh ú tro, thường gặp trong dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Vỏ bánh có màu vàng, không nhân hoặc nhân đường bên trong. Bánh được ngâm với tro nên vỏ bánh có cấu trúc giòn giòn rất đặc trưng.

    Bánh ú tro

    Bánh ú tro

  35. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  36. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  38. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  39. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  40. Bánh ú
    Một loại bánh làm từ gạo nếp, rất thường gặp ở nước ta. Có hai loại: bánh ú tro, với lớp nếp vỏ bên ngoài được ngâm bằng nước tro, thường dùng để cúng nhân dịp tết Đoan Ngọ, và bánh nhân thịt có nhân làm từ thịt heo mỡ, đậu xanh hoặc đậu đỏ.

    Bánh ú tro

    Bánh ú tro

    Xem phóng sự Về quê thưởng thức bánh ú Nam Bộ

  41. Rầy lộn
    Cãi nhau (phương ngữ Trung Bộ).
  42. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  43. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  44. Nả
    Số lượng hay khoảng thời gian, thường được dùng sau bao, mấy (phương ngữ Bắc Bộ).

    Xác không vốn những cậy tay người,
    Bao nả công trình, tạch cái thôi!
    Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
    Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

    (Vịnh cái pháo - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  45. Địa danh Đồng Nai trong câu ca dao này có lẽ nói về tỉnh Đồng Nai Thượng dưới thời Pháp thuộc, là một khu vực cao nguyên rộng lớn bao gồm thành phố Bảo Lộc ngày nay, cao nguyên Lâm Đồng, cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lâm Viên. Bảo Lộc là nơi có khí hậu và đất đai rất thích hợp với cây dâu tằm, vì vậy nghề nuôi tằm dệt lụa rất phát triển ở đây. Hiện nay, nghề tơ tằm vẫn là một ngành kinh tế chính của thành phố Bảo Lộc.
  46. Khó
    Nghèo.