Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đơn bạc
    Mỏng manh, ít ỏi. Không nhớ ơn nghĩa, không giữ được tình nghĩa trọn vẹn.
  2. Đượm
    (Nói về chất đốt) Dễ bắt lửa, cháy tốt, đều và lâu.
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Buôn vã
    Buôn dạo. ở đây có nghĩa là trên bộ (đi vã, gánh vã).
  5. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  6. Vũ Khách và Mao Tiên là hai cái tên chỉ bậc thần tiên được ghi lại trong truyện về Dương Không Lộ (Thiền sư Không Lộ) trong Lĩnh Nam Chích Quái - có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam" (có sách chép là Lĩnh Nam trích quái). Bộ sách này là tập hợp các truyền thuyết và chuyện cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần (1226 - 1400). Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về tác giả.
  7. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  8. Xơ rơ
    Xơ xác, trơ trụi (phương ngữ miền Trung).
  9. Cái nóp
    Còn gọi là chiếc nóp, là một loại túi ngủ có tác dụng chống muỗi và côn trùng của người dân nghèo miền Tây Nam Bộ trước kia. Nóp là một tấm đệm đan bằng sợi bàng, dài khoảng chừng 2 mét, rộng chừng 1 mét. Tấm đệm bàng này được gập đôi lại, may khít hai đầu nên kín được 3 cạnh, chỉ chừa lại một mí ngang gọi là lưỡi gà để người chui vào nằm. Nằm trong nóp có thể chống lạnh, muỗi mòng, bù mắt và vắt nhưng rất ngột ngạt nên chỉ người dân nghèo mới sử dụng.

    Cái nóp

    Cái nóp

  10. Xấu dạng hữu tài
    Vẻ ngoài xấu xí nhưng có tài năng.
  11. Cơm lam
    Loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre (hoặc ống giang, ống nứa...) và nướng chín trên lửa. Đây là loại cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

    Cơm lam

    Cơm lam

  12. Kẻ Quạ
    Tên một cánh đồng ở trung du Tây Bắc Nghệ An, nổi tiếng với món đặc sản là cơm lam.
  13. Cá mát
    Một loại cá nước ngọt, mình có từ ba đến sáu chấm đen, vây màu hồng. Cá mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg. Cá sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá mát.

    Cá mát vừa lành vừa bổ, thịt thơm ngon, mỡ béo, ít xương, tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, cá mát có nhiều ở sông Giăng, Nghệ An, và được xem là đặc sản Nghệ An.

    Cá mát

    Cá mát

  14. Sông Giăng
    Tên một con sông thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Sông bắt nguồn từ chân núi Pu-loong (núi Rồng) cao gần 1.300m, chảy qua các vùng đồi Hạnh Lâm, Cao Điền, La Mạc... trước khi nhập vào sông Lam. Thượng nguồn sông Giăng là nơi tộc người Đan Lai sinh sống như một “bộ lạc” biệt lập với thế giới bên ngoài. Sông Giăng có đặc sản là cá mát, cũng là đặc sản của cả tỉnh Nghệ An.

    Sông Giăng

    Sông Giăng

  15. Tầm phơ tầm phất
    Từ chỉ những sự vật hoặc sự việc không có nghĩa lí gì.
  16. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  17. Thế
    Thế chấp, giao tài sản để làm tin khi vay tiền.
  18. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  19. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  20. Lỉnh
    Lảng đi, tránh mặt.
  21. Chợ Dừa
    Chợ nhỏ họp ở Ô Chợ Dừa, một cửa ô của Hà Nội xưa (phía tây hoàng thành Thăng Long).
  22. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  23. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  24. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  25. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  26. Bứt nhị hái hoa: nghĩa bóng chỉ nam nữ đã có quan hệ tình dục với nhau.
  27. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  28. Mày ngài
    Đôi lông mày thanh tú, dài và cong như râu con ngài (bướm). Hình ảnh mày ngài cũng được dùng để chỉ người con gái đẹp.
  29. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  30. Tò he
    Một loại đồ chơi dân gian phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tò he được làm bằng bột, ban đầu dùng để cúng lễ, thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá (nên cũng gọi là con giống hay con bánh)... hoặc nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... Sau này, tò he được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha. Cái tên tò he có lẽ bắt nguồn từ tiếng thổi kèn. Màu sắc của tò he có nguồn gốc từ tự nhiên: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng...

    Tò he

    Tò he

  31. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Làm mọn
    Làm vợ lẽ (mọn có nghĩa là nhỏ).