Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ải Nam Quan
    Tên cửa ải cực Bắc của nước ta, nên còn gọi là ải Bắc. Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí:

    Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Ðại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Ðình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.

    Trong văn học nghệ thuật, lãnh thổ nước ta thường được mô tả là kéo dài "từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau." Tuy nhiên, hiện nay ải Nam Quan lại thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.

    Ải Nam Quan

    Ải Nam Quan

  2. Bồ Đề
    Tên một bến nước xưa thuộc làng Phú Viên (tức Bồ Đề) ở ven sông Hồng về phía Gia Lâm. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh, đã đóng quân ở đây để vây thành Đông Quan (tên thành Hà Nội thời quân Minh đô hộ). Ở đây có hai cây bồ đề lớn, nay không còn. Nghĩa quân Lam Sơn đóng quân quanh đấy nên doanh trại còn được gọi là "doanh Bồ Đề."
  3. Thượng Ải Quan, hạ Bồ Đề
    Theo một số tư liệu, câu này nói về Thân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc), tù trưởng động Giáp châu Lạng tức châu Quang Lang (hay châu Ôn, Lạng Sơn) (ngày nay thuộc Lạng Sơn). Ông lãnh đạo một đội quân người dân tộc dựa vào rừng núi, dùng chiến thuật du kích, tập kích sau lưng đạo quân nhà Tống, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau khi ông hi sinh, người dân lập nhiều đền, miếu thờ ông từ ải Nam Quan đến Bồ Đề.
  4. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  5. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  6. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  8. Đèn tọa đăng
    Đèn dầu để bàn cũ.

    Bộ sưu tập đèn tọa đăng hơn 100 năm tuổi của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Mạnh

    Bộ sưu tập đèn tọa đăng hơn 100 năm tuổi của nhà sưu tầm Nguyễn Quang Mạnh

  9. Chuyện vãn
    Chuyện nói cho qua thời giờ, không có ý nghĩa gì rõ rệt.
  10. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  11. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  12. Cờ ngoài bài trong
    Khi đánh cờ (tướng) phải bày các con cờ ra cho đối thủ thấy, ngược lại khi đánh bài phải giấu các quân bài của mình đi.
  13. Lõa lồ
    Trần truồng.
  14. Đông Loan
    Tên một làng nay thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức."
  15. Nội Hoàng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng Nội Hoàng thuộc xã Nội Hoàng là một trong 8 làng cười của tỉnh.
  16. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  17. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  18. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  19. Phủ Thừa Thiên
    Tên một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương thời nhà Nguyễn, bắt đầu dưới triều Minh Mạng, nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế với thủ phủ là thành phố Huế.
  20. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  21. Có nhiều cách giảng nghĩa khác nhau về bài ca dao này, nhưng nhìn chung đều đồng thuận ở một điểm: bài ca dao đề cập đến tính hay lí sự, chất vấn của người Quảng Nam, cũng như tính cần kiệm của người Quảng Ngãi.
  22. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  23. Chác
    Chuốc lấy (phương ngữ Nam Bộ).
  24. Gá đầu
    Chụm đầu vào nhau, tỏ thái độ âu yếm (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  26. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  27. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo