Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  2. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  3. Thời Đông Chu liệt quốc bên Trung Quốc, có một nước nhỏ tên gọi là Đằng, nằm giữa hai nước lớn kình địch với nhau là nước Sở và nước Tề. Vì vậy, vua tôi nước Đằng rất khó xử, thờ Sở thì mất lòng Tề, mà thờ Tề thì nước Sở giận.
  4. Thợ rèn không dao ăn trầu
    Lo phần người mà quên mất phần mình.
  5. Đồng Bay
    Một cánh đồng ở xã Đồng Ích (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
  6. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  7. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Người làng Bàn Giản (Lập Thạch) ở về phía tây Tam Đảo thấy mưa Tam Đảo cứ ung dung đi cày vì không mưa tới; nhưng thấy cơn mưa đồng Bay (xã Đồng Ích) phía tây nam Bàn Giản thì sẽ mưa ngay.
  8. Ô thước kỳ hình nhi thiên lý
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ô thước kỳ hình nhi thiên lý, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  9. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  10. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  11. Cựu tình
    Tình cũ (từ Hán Việt).
  12. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  13. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  14. Sim
    Loại cây thân gỗ nhỏ, mọc hoang nhiều ở các vùng đồi núi, cho hoa màu tím, quả khi chín có thịt màu tím đậm, vị ngọt chát. Theo Đông y, tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

    Hoa sim

    Hoa sim

    Quả sim

    Quả sim

  15. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  16. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  18. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  19. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  20. Chuối sứ
    Có nơi gọi là chuối tây hoặc chuối xiêm, một giống chuối cho quả mập và ngắn, có thể ăn tươi, ép sấy khô, hoặc nấu canh.

    Chuối xiêm

    Chuối xiêm

  21. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  22. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  23. Nghinh tân yếm cựu
    Đón mới, bỏ cũ.
  24. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  25. Thoại Khanh - Châu Tuấn
    Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.

    Xem vở cải lương Thoại Khanh - Châu Tuấn.

  26. Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."
  27. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  28. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  29. Hanh heo, đường trèo lên ngọn
    Vào tiết thu, khi gió heo may mang hơi lạnh và khô thổi tới thì cây mía sẽ ngọt từ gốc lên tới ngọn.
  30. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên