Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Ba
    Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
  2. Sông Đà Rằng
    Tên phần hạ lưu của sông Ba, một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm Ea Rarang, nghĩa là "con sông lau sậy."

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

  3. Đắk Lắk
    Cũng viết là Darlac hay Đắc Lắc, một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, ở độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển, với tỉnh lị là thành phố Buôn Mê Thuột. Tên gọi Đắk Lắk theo tiếng M'nông nghĩa là "hồ nước." Đắk Lắk là nơi gìn giữ và bảo tồn nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Hồ Lak ở Đắk Lắk

    Hồ Lak ở Đắk Lắk

  4. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  5. Phu xe
    Người làm nghề kéo xe tay trước đây, nhất là trong thời Pháp thuộc. Đây là một nghề cực khổ, nhọc nhằn, bị xã hội khinh rẻ.

    Phu xe

    Phu xe

  6. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  7. Đãi đằng
    Tâm sự, giãi bày (từ cổ).
  8. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  9. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  10. Trực chỉ
    Nhắm thẳng đến (từ Hán Việt).
  11. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  12. Núp
    Nấp (phương ngữ).
  13. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  14. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  15. Được mợn
    Được đà, được thể (phương ngữ).
  16. Quớ
    Bớ (phương ngữ Phú Yên).
  17. Rẫy
    Ruồng bỏ, xem như không còn tình cảm, trách nhiệm gì với nhau.
  18. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  19. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  20. Mậm
    Mầm (thường dùng cho các loại cây lương thực như lúa, ngô). Lúa mọc mậm là lúa đã mọc mầm, rễ từ hạt, thường là do ngâm lâu dưới nước.
  21. Hàng Nồi
    Thời Pháp thuộc tên Rue de Paris, nay là phố Nguyễn Thiện Thuật, một phố cổ ở thành phố Nam Định.
  22. Chợ Gia Lạc
    Một phiên chợ đặc biệt gần thôn Vĩ Dạ, chỉ họp vào mấy ngày Tết hằng năm. Tương truyền phiên chợ này là do Định Viễn Quận Vương Nguyễn Phúc Bính, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, cho lập để người trong hoàng tộc đến chơi xuân, dần dần về sau thì nhân dân cũng tham dự.

    Chợ Gia Lạc qua tranh

    Chợ Gia Lạc qua tranh

  23. Ma bắt coi mặt người ta
    Nhìn vẻ ngoài xem có dễ ăn hiếp không.
  24. Hồ Hán Thương
    Con trai thứ của Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly ban đầu là quan đại thần dưới thời nhà Trần, sau đó cướp ngôi nhà Trần (năm 1400), đổi tên nước là Đại Ngu (Ngu ở đây có nghĩa là an vui, hòa bình). Ông làm vua được một năm, rồi truyền ngôi cho con trai thứ là Hồ Hán Thương năm 1401. Hồ Quý Ly trở thành Thái Thượng Hoàng nhưng vẫn nắm mọi quyền hành trong tay. Hồ Quí Ly xây kinh đô mới ở Thanh Hóa gọi là Tây Đô (hay còn gọi là thành Nhà Hồ, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) và ra lệnh bỏ Thăng Long, dời đô vào Thanh Hóa. Phế tích của thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    Thành Nhà Hồ

    Thành Nhà Hồ

  25. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  26. Theo nhà văn Phạm Viết Đào thì "Câu ca dao trên xuất hiện trong thời gian nhà Hồ đang dời đô vào Thanh Hóa, mô tả một chuyện tình bi đát của một căp vợ chồng trẻ. Người chồng là một vị tướng của nhà Hồ, dĩ nhiên là phải theo vua (Hồ Hán Thương) vào Tây Đô. Người vợ thuộc dòng quí tộc, còn quyến luyến với Thăng Long, không muốn rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình cho nên không muốn cùng đi với chồng; hẹn với chồng là mình sẽ vào Tây Đô sau. Khi gần tới Tây Đô, người chồng linh cảm có chuyện không lành ở nhà, chàng bèn quay đầu ngựa, phóng về nhà. Khi vào trong nhà thì chàng thấy mọi người đều tỏ vẻ hoảng hốt. Cô em họ của vợ vội chạy ra bảo chàng cùng đi với mình để tìm chị mình (người vợ của vị tướng). Khi ra tới bờ Hồ Tây, chàng trai chỉ thấy một đôi hài và một tờ giấy đặt trên cái lá sen. Tờ giấy ghi vỏn vẹn có hai câu thơ:

    Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ.
    Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.

    Đọc xong, chàng biết rằng vợ mình đã nhảy xuống hồ tự tử."

  27. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  28. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  30. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  32. Dọi
    Chiếu, rọi.
  33. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).