Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bán rẻ còn hơn đẻ lãi
    Khi buôn bán, nhiều khi cần phải bán rẻ (để thu hồi vốn) thay vì để hàng tồn đọng, phải trả nợ lãi.
  2. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  3. Xáng
    Đánh, đập mạnh một cái gì (xáng chén, xáng bạt tai...).
  4. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  5. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  6. Sọt
    Đồ đựng đan bằng tre hoặc nứa, có mắt thưa.

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

  7. Chao
    Dùng rổ sâu, giậm, cái chao mà múc, xúc hay hớt lấy vật gì.
  8. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  9. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  10. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  11. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  12. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  13. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  14. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  15. Dạ hợp
    Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.

    Hoa dạ hợp

    Hoa dạ hợp

  16. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  17. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  18. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Lao lực bất như lao tâm
    Nhọc sức chẳng bằng nhọc lòng (tục ngữ Hán Việt).
  20. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  21. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  22. Phỗng
    Tượng bằng đất hoặc đá thường được đặt ở đền thờ trong tư thế quỳ gối, hai tay chắp lại. Phỗng còn là loại tượng dân gian bằng đất, sành hoặc bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình. Từ ông phỗng, thằng phỗng thường dùng để chỉ người ngây, đần.

    Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
    Trơ trơ như đá, vững như đồng.
    Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
    Non nước đầy vơi có biết không?

    (Ông phỗng đá - Nguyễn Khuyến)

    Phỗng đá

    Phỗng đá

  23. Tháp Cánh Tiên
    Còn có tên gọi là tháp Đồng, một ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, thuộc phong cách Bình Định và có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer do thời kì này có sự giao lưu thường xuyên giữa vương quốc Khmer và Chăm Pa.

    Tháp Cánh Tiên

    Tháp Cánh Tiên

  24. Võ Tánh
    Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.

    Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.

    Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.

    Lăng Võ Tánh

    Lăng Võ Tánh

  25. Thiềng
    Thành (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).