Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  2. Thành cổ Lạng Sơn
    Một di tích kiến trúc quân sự nằm ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Thời phong kiến, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Lạng Sơn. Đoàn thành có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước, nằm trong thung lũng thành phố Lạng Sơn, xung quanh có núi cao bao bọc.

    Thành cổ Lạng Sơn

    Thành cổ Lạng Sơn

  3. Thành cổ Cao Bằng
    Một di tích kiến trúc quân sự thuộc thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Vào thời Lê, Cao Bằng là trấn nên triều đình cho xây thành trấn giữ. Thành như hiện thấy được xây dựng vào đời Gia Long, tu sửa vào năm 1936. Thành nằm giữa hai con sông Bằng và sông Hiến, mở hai cửa, xây ba mặt, lưng tựa vào núi Ninh Lĩnh.

    Thành cổ Cao Bằng

    Thành cổ Cao Bằng

  4. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Ninh Diêm
    Một làng muối thuộc khu vực bán đảo Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa.

    Đồng muối Ninh Diêm

    Đồng muối Ninh Diêm

  6. Bợ
    Một loại thúng rổ nhỏ dùng để đựng hàng hóa đặc biệt hơn những loại hàng hóa để bán đại trà. Thường thường bợ được để bên dưới thúng rổ khác, hàng hóa bên trong được đậy kín và để dành cho người đã đặt mua từ trước.
  7. Phán mại
    Mua bán (phán: bán, mại: mua).
  8. Thương hàn
    Bệnh cảm lạnh theo Đông y (lưu ý phân biệt với bệnh thương hàn của Tây y, một bệnh về đường tiêu hóa).
  9. Chả
    Món ăn làm từ thịt, cá hay tôm băm hoặc giã nhỏ, ướp gia vị, rồi rán hoặc nướng, dùng để ăn kèm cơm hay bún, bánh cuốn, bánh phở. Ở miền Bắc, món này được gọi là chả.

    Chả quế

    Chả quế

  10. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  11. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  12. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  13. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  15. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  16. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  17. Chuối sứ
    Có nơi gọi là chuối tây hoặc chuối xiêm, một giống chuối cho quả mập và ngắn, có thể ăn tươi, ép sấy khô, hoặc nấu canh.

    Chuối xiêm

    Chuối xiêm

  18. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  19. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo

  20. Mông
    Mịt mù (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  21. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  22. Mót lúa
    Tìm nhặt những bông lúa còn sót trên đồng ruộng đã gặt xong. Đây là công việc cực nhọc, người mót lúa thường phải lang thang tìm kiếm qua nhiều cánh đồng mới có đủ ăn.
  23. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  24. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  25. Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
  26. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  27. Hàng Giầy
    Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
  28. Hàng Bạc
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

    Phố Hàng Bạc, tranh của Bùi Xuân Phái.

  29. Hàng Ngang
    Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, cuối thế kỉ 19.

    Cổng vào của phố Hàng Ngang, kí họa cuối thế kỉ 19.

  30. Hàng Đào
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.

    Phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

  31. Đài các
    Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
  32. Hàng Tiện
    Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…

    Phố Tô Tịch đầu những năm 1980

    Phố Tô Tịch đầu những năm 1980

  33. Hàng Gai
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Gai thời Pháp thuộc

  34. Hàng Thêu
    Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.

    Phố Hàng Thêu xưa

    Phố Hàng Thêu xưa

  35. Hàng Trống
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.

    Ty Cảnh Sát Hà Nội thời Pháp thuộc, quen gọi là Bót Hàng Trống, nay là trụ sở Công An quận Hoàn Kiếm

    Ty Cảnh Sát Hà Nội thời Pháp thuộc, quen gọi là Bót Hàng Trống, nay là trụ sở Công An quận Hoàn Kiếm

  36. Hàng Bài
    Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.

    Phố Hàng Bài xưa (1960)

    Phố Hàng Bài xưa (1960)

  37. Hàng Khay
    Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
  38. Tràng Tiền
    Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.

    Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

    Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

  39. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

  40. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  41. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  42. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
  43. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  44. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  45. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  46. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng