Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  2. Vạn Giã
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vạn Giã là vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Về du lịch, nơi đây có chùa Tổ đình Linh Sơn gần 300 tuổi, hằng năm có rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội. Vịnh Vân Phong và bãi biển Đại Lãnh cũng thuộc khu vực này.

    Biển Đại Lãnh

    Biển Đại Lãnh

  3. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  4. Phận hẩm duyên ôi
    Số phận hẩm hiu, tình duyên lỡ dở.

    Trách mình phận hẩm lại duyên ôi
    Đỗ suốt hai trường hỏng một tôi
    Tế đổ làm Cao mà chó thế
    Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ôi!

    (Hỏng Thi Khoa Quý Mão - Tú Xương)

  5. Lung
    Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
  6. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  7. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  8. Tày
    Bằng (từ cổ).
  9. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  10. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  11. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  12. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  13. Cội
    Gốc cây.
  14. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  15. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  16. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  17. Bất lương
    Không lương thiện (từ Hán Việt).
  18. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  19. Sãi
    Người đàn ông làm nghề giữ chùa.
  20. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  21. Bắt được tay day được cánh
    Bắt được quả tang kẻ đang (định) làm việc xấu, việc phạm pháp.
  22. Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một
    Quan niệm dân gian, vợ hơn chồng hai tuổi hoặc chồng hơn vợ một tuổi thì là hợp.
  23. Đồng Đăng
    Một địa danh nay thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, giáp biên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
  24. Kỳ Lừa
    Tên một phố chợ, ngày xưa từng được xếp vào một trong "Trấn doanh bát cảnh" của Lạng Sơn. Hiện nay phố chợ Kỳ Lừa hiện nằm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đây là chợ đêm, chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch vào buổi tối. Ngoài việc là nơi mua bán các loại sản phẩm từ thổ cẩm, thưởng thức các món đặc sản, chợ còn là nơi giao lưu, kết bạn, hát giao duyên của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao…

    Chợ Kỳ Lừa ngày trước

    Chợ Kỳ Lừa ngày trước

  25. Tô Thị
    Một nhân vật trong chuyện cổ tích Việt Nam Hòn vọng phu. Nàng Tô Thị và chồng là Tô Văn là một cặp vợ chồng sống với nhau hạnh phúc. Một ngày nọ, Tô Văn nhận ra vợ chính là em gái ruột của mình nhờ một cái sẹo trên đầu. Chàng bàng hoàng bỏ đi. Tô Thị ngày ngày bồng con lên núi ngóng chồng, đến một hôm thì hóa đá. Hòn đá ấy gọi là đá Vọng Phu, là một thắng cảnh tự nhiên ở Lạng Sơn. Tuy nhiên đến ngày 27/07/1991, tượng đá nàng Tô Thị bị sụp đổ do tác dụng của hiện tượng ăn mòn tự nhiên. Sau này, tượng đá được thay thế bằng một tượng xi-măng.

    Đá Vọng Phu

    Đá Vọng Phu

  26. Chùa Tam Thanh
    Tên một ngôi chùa nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) nay thuộc địa phận phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng. Nơi đây được mệnh danh là "Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng" (gồm bốn điểm: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc và Nàng Tô Thị). Vào ngày mười lăm tháng giêng (âm lịch) hàng năm, nơi đây có tổ chức lễ hội.

    Chùa Tam Thanh

    Chùa Tam Thanh

  27. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  28. Bõ công
    Đáng công.
  29. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  30. Bầu
    Đồ đựng rượu làm từ vỏ bầu khô, hình thuôn, đáy tròn lớn, miệng nhỏ, giữa thắt lại.

    Bầu rượu

    Bầu rượu

  31. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  32. Sịa
    Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:

    - Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
    - Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
    - Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.

  33. Câu này xuất phát từ câu: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về" là câu người Huế chọc ghẹo dân Sịa vì họ thường hay khoe về làng mình (ở Huế còn có thành ngữ "Nhứt Huế nhì Sịa").
  34. Láo thiên
    Tương tự "láo địa", cùng nghĩa là nói tào lao, nói dóc trên trời dưới đất
  35. Bọ hung
    Một loài bọ cánh cứng ăn phân, đầu có râu và sừng cứng chắc, ngực gắn 6 chân.

    Bọ hung

    Bọ hung

  36. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  37. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  38. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  39. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  40. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  41. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  42. Ngày trước, những nhà khá giả thường rước thầy đồ về dạy học cho con mình. Thầy đồ được nuôi trong nhà, lo ăn mặc, đối đãi như khách quý.