Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quân tử tạo đoan
    Lấy từ Trung Dung, một trong Tứ Thư: Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ; cập kỳ chí dã sát hồ thiên địa (Đạo của người quân tử khởi đầu mối từ đạo vợ chồng, đến chỗ cùng cực của đạo ấy thì thấu triệt trời đất).
  2. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  3. Toóc
    Rạ (phương ngữ miền Trung).
  4. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  6. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  7. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  8. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Dùi Chiêng
    Tên một làng nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể giống như cái dùi của cái chiêng, nên có tên gọi như vậy.
  10. Có bản chép: đảo dốc.
  11. Bình Yên
    Tên một ngôi làng nằm ở phía Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Thu Bồn.
  12. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  13. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  14. Tương truyền đây là một bài thơ của ông Tú Quỳ, một danh nhân đất Quảng Nam.
  15. Phạm Bá Doãn
    Một người dân sống ở làng Dùi Chiêng vào đầu thế kỉ 20, tương truyền là người nghĩ ra một thứ bẫy để bắt cọp mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

    Chòi bắt cọp

    Chòi bắt cọp

  16. Nường
    Nàng (từ cũ).
  17. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  18. Om
    To tiếng, ồn ào, gây cảm giác khó chịu.
  19. Chín suối
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ Hán cửu tuyền. Theo Thế thuyết, sau khi Ân Trọng Kham chết, Hoàn Huyền hỏi Trọng Văn: "Cha ngươi là Trọng Kham là người như thế nào?" Trọng Văn nói: "Tuy không thể làm sáng tỏ một đời, cũng đủ để soi rọi khắp cửu tuyền."

    Trên tam đảo, dưới cửu tuyền
    Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng
    (Truyện Kiều)

  20. Tày sàng
    Rất to, bằng như cái sàng.
  21. Tục cưới hỏi ngày trước, nhà trai phải nạp một khoản "tiền cheo"cho làng xã bên nhà gái. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp cheo song có giảm bớt.
  22. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  23. Đèo
    Nhỏ, èo uột (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Khổ qua đèo

    Khổ qua đèo

  24. Có bản chép: Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của em.
  25. Điểm chỉ
    In dấu các lóng ngón tay trỏ vào giấy. Ngày xưa những người không biết chữ, không thể ký tên, phải điểm chỉ vào giấy tờ.

    Năm phút, mười phút, nửa giờ... Ông giáo ngẩng lên ngó mặt chị Dậu :
    - Chị kia, sang đây tôi đọc cho nghe, rồi điểm chỉ vào!

    (Tắt đèn - Ngô Tất Tố)

  26. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.
  27. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  28. Ra
    Một loại cua nhỏ, thịt ngọt, chỉ xuất hiện vào khoảng tháng mười âm lịch.
  29. Rạm
    Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...

    Con rạm

    Con rạm

  30. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  31. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  32. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  33. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  34. Đại
    (Làm việc gì) ngay, chỉ cốt cho qua việc, hoặc không kể đúng sai (khẩu ngữ).
  35. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  36. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  37. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  38. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  39. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  40. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  41. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  42. Xa Lang
    Một làng nay thuộc xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề mộc truyền thống rất nổi tiếng. Ở đây còn có đền Trúc, nơi thờ các tướng sỹ trận vong của nghĩa quân Lam Sơn, gần đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

    Nghề mộc ở Xa Lang

    Nghề mộc ở Xa Lang

  43. Chùa Thượng
    Tên chữ là Phù An Tự, một ngôi chùa 300 tuổi nay tọa lạc tại địa phận thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  44. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  45. Đền Cả Du Đồng
    Cũng gọi là đền Cả Tổng Du Đồng hoặc Tự Đồng, thuộc địa phận thôn Vĩnh Thành, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trước đây thuộc thôn Vĩnh, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ. Đền thờ ông Bùi Thúc Ngật, có công khai phá chiêu dân lập nên xóm làng của Tổng Du Đồng thời nhà Lê.

    Đền Cả Du Đồng

    Đền Cả Du Đồng

  46. Đây các công trình kiến trúc, văn hóa với độ tinh xảo cao có tiếng ở Hà Tĩnh.