Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhá, nhứ, làm động tác để dọa nhưng chưa đánh (phương ngữ Quảng Nam).
  2. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  3. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  4. Thầu dầu
    Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.

    Cây thầu dầu

    Cây thầu dầu

  5. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  6. Tiền quý
    Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
  7. Có bản chép: Nàng mua những gì hãy tính cho ra.
  8. Có bản chép: giá, rau.
  9. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  10. Vàng
    Vàng mã để đốt cho người đã khuất.
  11. Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.

    Giấy dó

    Giấy dó

  12. Seo
    Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó.

    Làm giấy dó

    Làm giấy dó

  13. Hạt nổ
    Một thứ quả nhỏ, khi già vuốt tay thì nổ bung ra.
  14. Có bản chép: xào xạc
  15. Thuổng
    Công cụ đào xới đất, tương tự cái xẻng. Từ này ở miền Trung cũng được gọi chệch thành xuổng.
  16. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  17. Dụng cụ bắn đá cầm tay, thường làm từ một chạc cây hoặc bằng hai thanh tre ghép với nhau, đầu có dây cao su để căng ra. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Khmer sna.

    Bắn ná

    Bắn ná

  18. Trốc
    Đầu, sọ (phương ngữ).
  19. Nốc
    Cổ ngữ Việt chỉ thuyền, ghe. Ngày nay chỉ thuyền nhỏ, còn dùng ở miền Bắc Trung Bộ.
  20. Đây là trò chơi vận động dành cho các em nhỏ tuổi. Bắt đầu chơi, hai em đứng quay mặt vào nhau, hai tay giơ ra phía trước ngực, áp bốn bàn tay vào nhau, vuốt nhẹ một lần, rồi vừa hất vừa đập hai bàn tay mình vào bàn tay bạn, sau đó lại đập chéo một bàn tay mình vào bàn tay bạn (bàn tay trái mình đập vào bàn tay trái bạn, bàn tay phải mình đập vào bàn tay phải bạn). Vừa đập tay, vừa hát. Tay đập càng lúc càng nhanh, em nào không theo kịp hoặc đánh nhầm tay là thua cuộc. Trong khi đánh tay phải ăn khớp với lời xướng ở cuối mỗi câu.
  21. Xấu máu đòi ăn của độc
    Xấu máu chỉ đàn bà con gái ốm yếu, kinh nguyệt không đều. Người xấu máu mà ăn của độc, thì bệnh sẽ nặng thêm, người càng ốm yếu. Nghĩa bóng câu này muốn nói người ở địa vị thấp mà đòi danh vọng cao, người bất tài mà đòi làm việc lớn.
  22. Giấn
    Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
  23. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  24. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  25. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  26. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  27. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  28. Khám
    Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.

    Khám thờ

    Khám thờ

  29. Tậu
    Mua sắm vật có giá trị lớn (tậu trâu, tậu nhà)...
  30. Ách
    Đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày bừa...

    Trâu mang ách đi cày

    Trâu mang ách đi cày

  31. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  32. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  33. Tao
    Lần, lượt, phen.
  34. Tuyết
    Cũng ghi là "tiết." Từ này vốn không có nghĩa, được sử dụng làm đối âm với "tao" trong cấu trúc thành ngữ.
  35. Đô Lương
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Nghệ An.
  36. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  37. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  40. Lúa de
    Một giống lúa trước đây được trồng nhiều ở cánh đồng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
  41. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  43. Núi Bà Đen
    Một ngọn núi thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, là ngọn núi cao nhất miền Tây Nam Bộ (986m), cũng gọi là núi Một hoặc núi Điện Bà. Chùa và núi Bà Đen là những di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu của Tây Ninh.

    Núi Bà Đen

    Núi Bà Đen