Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  2. Rắn rồng và hổ ngựa cùng là một loài rắn, nhưng tùy theo ở trong nhà hay ngoài đồng mà được gọi bằng hai cái tên khác nhau.
  3. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  4. Có bản chép: Ai về đằng ấy hôm nay.
  5. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  6. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  7. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  8. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  9. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  10. Đã quyết thì hành
    Đã quyết định thì phải làm.
  11. Đẵn
    Đốn, chặt.
  12. Đống Đa
    Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

  13. Thanh miếu
    Ngôi miếu nằm trong khuôn viên chùa Bộc, thờ Sầm Nghi Đống và quân xâm lược nhà Thanh đã chết trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa, tương truyền do chính vua Quang Trung ra lệnh cho xây dựng.
  14. Chùa Bộc
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự, một ngôi chùa nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa nằm giữa khu vực diễn ra trận Đống Đa lịch sử năm 1789 (cách gò Đống Đa khoảng 300 mét), cạnh Núi Loa (Loa Sơn) còn gọi là núi Cây Cờ, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Chùa vốn được dựng để thờ Phật, nhưng vì chùa tọa lạc sát một chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Thanh nên thờ cả vua Quang Trung và vong linh những người đã chết trận.

    Tam quan chùa Bộc

    Tam quan chùa Bộc

  15. Gái khéo vá vai, trai tài phủ nóc
    Phụ nữ thể hiện sự khéo léo bằng cách vá phần rách ở vai áo; đàn ông thể hiện sự tài giỏi bằng cách sửa chữa, lợp lại nóc nhà.
  16. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  17. Khanh tướng
    Khanh và tướng, hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  18. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  19. Có bản chép: trúc.
  20. Đồng bạc Đông Dương do Phủ toàn quyền chính phủ Đông Pháp phát hành trong giai đoạn phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam (1940 - 1945). Đồng tiền được đúc bằng chì thay vì bạc như trước đây, mặt sau có hình bó lúa.

    Đồng bạc Đông Dương đúc năm 1940

    Đồng bạc Đông Dương đúc năm 1940

  21. Tiền giấy Đông Dương mệnh giá 10 xu (10 cents) do Phủ toàn quyền chính phủ Đông Pháp phát hành trong giai đoạn phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam (1940 - 1945). Mặt trước in dòng chữ "Gouvernement Général de l'Indochine" (thay vì "Banque de l'Indochine" như trước), mặt sau có hình người cưỡi voi.

    Tiền giấy Đông Dương mệnh giá 10 xu

    Tiền giấy Đông Dương mệnh giá 10 xu

  22. "Thầy tăng" là cách nói lái của "thằng Tây." Trong câu ca dao này, "thằng Tây" chỉ thực dân Pháp lúc ấy đang xâm chiếm nước ta.
  23. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  24. Quần loe
    Quần dài, có ống rộng về phía mắt cá chân.
  25. Trong thời bao cấp, quần loe và tóc dài (hoặc bù xù) bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển “Không tiếp quần loe.” Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện chuyên đi cắt quần ống loe và cắt tóc.

    Tóc dài quần loe thời bao cấp

  26. Tháp Bút
    Tên một tòa tháp ở Hồ Gươm (Hà Nội). Tháp được xây dựng từ thời vua Tự Đức, làm bằng đá, cao năm tầng, đỉnh có hình một chiếc bút lông chỉ lên trời.

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là 寫青天 (Tả Thanh Thiên), nghĩa là "viết lên trời xanh."

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là Tả Thanh Thiên, nghĩa là "viết lên trời xanh."

  27. Ngón tay tháp Bút là ngón tay thuôn nhỏ, được coi là đẹp.
  28. Chữ điền
    Chữ 田 (ruộng). Mặt chữ điền tức là mặt cương nghị (nam) hoặc phúc hậu (nữ).
  29. Nam Diêu
    Tên một làng thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Làng được coi là tổ địa của nghề gốm Thanh Hà và cũng là làng duy nhất còn lại tiếp tục làm gốm cho đến ngày nay.

    Lễ cúng tổ nghề gốm ở Nam Diêu

    Lễ cúng tổ nghề gốm ở Nam Diêu

  30. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  31. Nhà nho
    Tên gọi chung của những người trí thức theo Nho giáo ngày xưa.
  32. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo

  33. Cán nặng hơn gáo
    Chỉ sự sai lệch về phân bố quyền lực, ví dụ cấp dưới có quyền lực cao hơn cấp trên.
  34. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).