Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chồn đèn
    Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
  2. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  3. Mặt sứa gan lim
    Bề ngoài có vẻ mềm mỏng, nhã nhặn nhưng thực chất là lì lợm, ngang bướng
  4. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  5. Che
    Dụng cụ để ép mía lấy nước đường nấu thành đường tán tại các lò mía đường. Trước đây che mía được người hoặc trâu kéo, sau này thì có nơi dùng máy móc. Theo tác giả Hoàng Sơn: “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật.”
  6. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  7. Bài ca dao được cho là nói về làng Bảo An, xưa là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm đường.
  8. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  9. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  10. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  11. Cao lương mĩ vị
    Món ăn ngon và quý nói chung (chữ Hán).
  12. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  13. Đại hàn
    Một trong hai mươi bốn tiết khí, thường bắt đầu vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 1 dương lịch. Trong khoảng thời gian này thông thường thời tiết rất lạnh (đại hàn) ở Bắc bán cầu Trái Đất; chính xác hơn là ở Trung Hoa cổ đại. Ở miền Bắc, từ đèo Hải Vân trở ra, tiết trời cũng rất lạnh và có gió mùa Đông Bắc.
  14. Đông chí
    Một trong hai mươi bốn tiết khí, bắt đầu vào giữa mùa đông.
  15. Hàm tiếu
    Nụ cười chúm chím (hàm nghĩa là ngậm trong mồm, tiếu là nụ cười).
  16. Câu này trong cuốn Về cội về nguồn, quyển III, Lê Gia giải thích: người mắc bệnh lậu khi đi tiểu tiện bị đau buốt, phải rên la "Ôi cha, chặc, chặc, chặc! Đau quá!", tiếng rên giống như tiếng gọi cha và ba tiếng đánh lưỡi gọi chó.
  17. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  18. Hà Tiên
    Địa danh nay là thị xã phía tây bắc tỉnh Kiên Giang, giáp với Campuchia. Tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ Tà Ten, cách người Khmer gọi tên con sông chảy ngang vùng đất này.

    Hà Tiên về đêm

    Hà Tiên về đêm

  19. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  20. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  21. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  22. Thành Ô Ma
    Tên tiếng Pháp là Camp aux Mares (trại ở nơi có nhiều ao), một trại lính do người Pháp lập nên vào cuối thế kỉ 19. Trên bản đồ Sài Gòn 1947, khu vực Thành Ô Ma được đánh số 132, trên khu đất bao quanh bởi các con đường:

    (1) Rue Chasseloup Laubat (trước 1975 là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
    (2) Rue de Nancy (trước 1975 là Cộng Hòa, nay là Nguyễn Văn Cừ)
    (3) Rue Frère Louis (nay là một phần đường Nguyễn Trãi)
    (4) Rue d'Arras (nay là đường Cống Quỳnh)

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

  23. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  24. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  25. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  26. Mự
    Mợ (phương ngữ).
  27. Cậu
    Cách gọi các hoàng thái tử trong triều đình nhà Nguyễn.
  28. Ống đồng
    Cũng gọi là ống xì đồng, loại ống rỗng, làm bằng đồng, dùng để săn chim chóc bằng cách nhét phi tiêu một đầu và thổi mạnh vào đầu kia để bắn phi tiêu ra. Trẻ em ngày xưa cũng chơi ống đồng, nhưng thay phi tiêu bằng cục đất sét.

    Thổi ống đồng

    Thổi ống đồng