Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vô doan
    Vô duyên (do cách phát âm của người Nam Bộ).
  2. Khòm
    Lưng gù, hoặc tướng người khom xuống về phía trước.
  3. Hồi Quan
    Tên một làng nay thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây có nghề dệt vải truyền thống, đến nay vẫn còn được duy trì.

    Dệt vải ở Hồi Quan

    Dệt vải ở Hồi Quan

  4. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  5. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  6. Phỗng
    Tượng bằng đất hoặc đá thường được đặt ở đền thờ trong tư thế quỳ gối, hai tay chắp lại. Phỗng còn là loại tượng dân gian bằng đất, sành hoặc bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình. Từ ông phỗng, thằng phỗng thường dùng để chỉ người ngây, đần.

    Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
    Trơ trơ như đá, vững như đồng.
    Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
    Non nước đầy vơi có biết không?

    (Ông phỗng đá - Nguyễn Khuyến)

    Phỗng đá

    Phỗng đá

  7. Chạo rạo
    Xôn xao, ồn ào (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Xóm Bầu
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  9. Người ta đánh chú, tôi chẳng tha người, chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú
    Người ta có quyền và bổn phận trước tiên phải bảo vệ người có quan hệ thân thiết hơn với mình.
  10. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  11. Kinh nghiệm sản xuất: Vụ chiêm mà thả bèo trên mặt ruộng thì sẽ tốt lúa, cho sản lượng cao.
  12. Dừa
    Loài cây lớn có thân hình trụ thẳng đứng, có thể cao 15 - 20m. Lá dài có khi tới 5m, có một gân chính to. Cây có hoa và quả quanh năm. Dừa được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới vùng Thái Bình Dương. Ở nước ta, dừa có nhiều ở Bến Tre và Bình Định.
    Tất cả các phần của quả dừa và cây dừa đều có thể sử dụng được. Phần cùi (cơm) dừa ăn được ở dạng tươi hay sấy khô. Nước dừa dùng làm nước giải khát hoặc chế biến thực phẩm. Sọ dừa làm hàng mỹ nghệ. Thân dừa làm thìa, đũa, v.v...

    Cây dừa

    Cây dừa

    Quả dừa

    Quả dừa

  13. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  14. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Hòn Chồng
    Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.

    Hòn Chồng

    Hòn Chồng

  17. Hòn Yến
    Tên gọi chung cho Hòn Nội và Hòn Ngoại, hai hòn đảo có nhiều tổ yến của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 300 km. Đây cũng là địa điểm du lịch có tiếng của Nha Trang.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  18. Tháp Po Nagar
    Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.

    Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  19. Sinh Trung
    Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

  20. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  22. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  23. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  24. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  25. Cẩm tú
    Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.

    Mai sinh là bậc thiên tài,
    Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
    (Nhị Độ Mai)

  26. Ăn mật trả gừng
    Ăn thứ ngon ngọt, trả thứ đắng cay. Ý nói được người đối đãi tử tế, lại đối xử với người không ra gì.
  27. Luân thường
    Phép tắc đạo đức của Nho giáo phong kiến, qui định hành động hằng ngày của người ta.
  28. Quạt nồng ấp lạnh
    Do chữ Đông ôn hạ sảnh: Quạt khi trời mát, đắp chiếu chăn ấm khi trời rét lạnh, nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ. Tích quạt nồng ấp lạnh lấy từ sách Nhị thập tứ hiếu của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên, Trung Quốc: Ðời Hậu Hán có đứa trẻ lên chín tên là Hoàng Hương. Mẹ mất sớm, Hoàng Hương ở với cha. Vào muà hạ, thời tiết về đêm nóng nực oi bức, Hoàng Hương thường xuyên quạt màn chiếu, chăn đệm cho thoáng mát trước khi cha ngủ. Muà đông, tiết trời lạnh lẽo, đêm đêm trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương vào giường cha nằm lăn qua trở lại rất lâu, để mền chiếu ấm hơi người cho cha được ngon giấc.

    Xót người tựa cửa hôm mai
    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
    (Truyện Kiều)

  29. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  30. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  31. Phá Cầu Hai
    Tên một cái phá trong hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đây phá Cầu Hai là một nơi hiểm trở, tàu bè qua lại rất khó khăn.

    Đầm phá Cầu Hai

    Đầm phá Cầu Hai

  32. Khôn
    Khó mà, không thể.
  33. Mường Thanh
    Một địa danh thuộc huyện Điện Biên, có tên gọi bắt nguồn từ "Mường Then," theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời," gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Tại đây có cánh đồng Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất vùng núi Tây Bắc. Hiện nay Mường Thanh cũng là tên một phường thuộc thành phố Điên Biên Phủ.

    Cánh đồng Mường Thanh

    Cánh đồng Mường Thanh

  34. Mường Lò
    Một địa danh nay thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Tại đây có cánh đồng Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc (sau Mường Thanh).

    Thung lũng Mường Lò

    Thung lũng Mường Lò

  35. Mường Than
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tại đây có cánh đồng Mường Than, cánh đồng lớn thứ ba của vùng núi Tây Bắc.
  36. Mường Tấc
    Tên một cánh đồng nằm ở vị trí trung tâm huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cánh đồng Mường Tấc rộng thứ tư trong số các cánh đồng ở Tây Bắc.
  37. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào