Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nỏ thà
    Chẳng thà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  2. Ăn nhắt
    Ăn nhín, ăn dè sẻn.
  3. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  5. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  6. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  7. Thu Xà
    Một địa danh nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phố Thu Xà trước đây là một trung tâm buôn bán sầm uất, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia. Đây chính là quê hương của Bích Khê, thi sĩ nổi tiếng thuộc phong trào Thơ Mới.
  8. Chà là
    Còn có tên là muồng muồng, một giống cây được trồng để lấy quả, xuất phát từ các đảo thuộc vịnh Ba Tư. Quả chà là giống như quả nhót, vị ngọt, có thể ăn tươi hoặc sấy khô, làm mứt.

    Chà là

    Chà là

  9. Đình Cương
    Còn có tên gọi khác là Đảnh Khương, nằm về tả ngạn sông Vệ, thuộc địa bàn các xã Hành Phước, Hành Đức, Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 13 km, về phía Tây Nam. Núi không cao (chỉ cao 287 m) nhưng dài, và có hình dáng một cái yên ngựa. Tên núi tương truyền do ngày trước quân Tây Sơn từng dừng lại ở đây và luyện tập (đình cương có thể được hiểu là dừng cương ngựa lại).

    Núi Đình Cương

    Núi Đình Cương

  10. Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành
    Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên.
  11. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  12. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  13. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  14. Hình dung
    Ngoại hình, dáng dấp của con người (từ cũ), cũng nói là hình dong.

    Một chàng vừa trạc thanh xuân
    Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng

    (Truyện Kiều)

  15. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  16. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  17. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  18. Măng tháng mười, mười người mười bẻ
    Măng vào khoảng tháng mười thường ngon nhất năm.
  19. Ông Cúm bà Co
    Hình tượng dân gian của bệnh cúm.
  20. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  21. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  22. Đây là một tín ngưỡng dân gian, theo đó để chữa bệnh cúm, người ta mua đồ lễ về cúng, vừa cúng vừa đọc bài này. Cúng xong, cho người bệnh ăn đồ lễ (bánh đúc mắm tôm) thì khỏi cúm.
  23. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  24. Tín chủ
    Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
  25. Bồ Địch
    Một làng có nghề truyền thống là sản xuất chiếu và mành tre, sáo trúc, nay thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
  26. Giếng vuông
    Giếng có miệng hình vuông (chứ không phải hình tròn như loại giếng thông thường), thường được tìm thấy ở các vùng đất trước đây có người Chăm sinh sống (Bình Định, Hội An...), còn được gọi là giếng Chăm, giếng Hời.

    Giếng cổ ở Hội An

    Giếng cổ ở Hội An

  27. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  28. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  29. Cù nèo
    Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
  30. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  31. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài