Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cẩm Nam
    Một cù lao nằm ở phía Nam thành phố Hội An, gần Cửa Đại, nơi sông Thu Bồn đổ ra biển.

    Phong cảnh Cẩm Nam

    Phong cảnh Cẩm Nam

  2. Giằng cối xay
    Cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giằng xay để cối quay tròn. Một số địa phương phát âm thành "giàng xay" hay "chàng xay".

    Xay lúa

    Xay lúa

  3. Cá vồ
    Một loại cá nước ngọt có thân khá lớn mình trơn, đầu lớn và dẹp, lưng đen bụng trắng. Tên của loài cá này có gốc từ tiếng Khmer trey po. Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ trước đây, cá vồ thường được nuôi ở các ao hồ gần nhà, trên có cầu tiêu để cung cấp "thức ăn tự nhiên."

    Cá vồ cờ

    Cá vồ cờ

  4. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  5. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Ăn nói cơ cầu
    Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Ngôn dực trường phi
    Lời nói có cánh, có thể bay xa.
  9. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  10. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  11. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  12. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  13. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  14. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  15. Nằm dưng
    Nằm không, nằm một mình.
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  18. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  19. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  20. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  21. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  22. Cầu an
    Cũng gọi là kì yên, một nghi lễ của Phật giáo. Lễ cầu an (cầu cho an bình) có mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo.
  23. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  24. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  25. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  26. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  27. Mai Hồ
    Tên một làng nay thuộc thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong làng có bàu Mai, tên Hán Việt cũng là Mai Hồ.

    Bàu Mai

    Bàu Mai

  28. Cổ Đạm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...

    Làm gốm ở Cổ Đạm

    Làm gốm ở Cổ Đạm

  29. Láng Ngạn
    Địa danh nay là xã Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh, có truyền thống làm mắm cáy lâu đời.
  30. Bầy tui
    Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  31. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  32. Cáy hôi
    Một giống cáy chân có lông, được xem là nguyên liệu làm mắm cáy ngon nhất.
  33. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  34. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  35. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  36. Neo
    Vật nặng để thả xuống cắm chặt vào đáy nước nhằm giữ cho thuyền đứng yên lại.

    Mỏ neo

    Mỏ neo

  37. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc